Bài 2: Tháo gỡ 'điểm nghẽn' về cơ chế chính sách, khơi thông nguồn lực

Để tháo gỡ khó khăn, 'điểm nghẽn' về cơ chế chính sách, khơi thông nguồn lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục rà soát, tháo gỡ các hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật theo thẩm quyền hoặc kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết đối với các vấn đề vượt thẩm quyền. Nhất là liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, trọng tâm là những chính sách liên quan thủ tục đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, giải phóng mặt bằng, phòng cháy, chữa cháy, môi trường...

Trên cơ sở mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Thuận đề ra 12 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho năm 2024 với 36 nhiệm vụ trọng tâm đột phá; 191 nhiệm vụ cụ thể và 54 công trình/dự án động lực quan trọng. Giải pháp hàng đầu được xác định là tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, tập trung vào 3 khâu đột phá và 6 lĩnh vực trọng tâm ưu tiên, phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt 11 - 12%. Trong đó, khâu đột phá đầu tiên được xác định là tháo gỡ khó khăn, “điểm nghẽn” về cơ chế chính sách, khơi thông nguồn lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư.

Tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng truyền tải

Cụ thể, đối với “điểm nghẽn” về năng lượng: tập trung hỗ trợ triển khai ngay các thủ tục đầu tư để khởi công đối với các dự án đã có trong quy hoạch điện VIII sau khi Kế hoạch triển khai của Chính phủ ban hành. Tăng cường tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng truyền tải, nhất là các khó khăn thuộc thẩm quyền địa phương (GPMB, chuyển đổi đất lúa, đất rừng...). Tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành các cơ chế, chính sách về năng lượng để triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương chủ động thực hiện và đề xuất cơ chế, chính sách hình thành Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng khu vực Nam Trung Bộ tại tỉnh Ninh Thuận theo định hướng phát triển tại quy hoạch điện VIII đã phê duyệt.

Tháo gỡ “điểm nghẽn” trong sản xuất kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp: rà soát, phân tích, đánh giá khó khăn, xác định giải pháp xử lý vấn đề trong tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp; trong tiếp cận đất đai; sự chồng lấn, bất cập, thiếu đồng bộ giữa các quy hoạch (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành...); lực lượng lao động phục vụ sản xuất kinh doanh...

Năng lượng điện gió đang hoạt động, hòa vào lưới điện quốc gia ở Thuận Bắc - Ảnh: Văn Nỷ

Năng lượng điện gió đang hoạt động, hòa vào lưới điện quốc gia ở Thuận Bắc - Ảnh: Văn Nỷ

Đối với “điểm nghẽn” về các thủ tục hành chính: đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nghiên cứu, đề xuất cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và tiếp tục đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; tuyệt đối không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết cho doanh nghiệp, người dân; tối ưu hóa các quy trình, thủ tục hành chính liên ngành. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu gắn với tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức. Phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư

Giải tỏa “điểm nghẽn” về đất đai, tỉnh tập trung rà soát, nghiên cứu các chính sách đang chồng chéo, vướng mắc, kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh hoặc ban hành cơ chế, chính sách sách mới phù hợp thực tiễn sau khi Luật Đất đai sửa đổi và các văn bản hướng dẫn được ban hành.

Gỡ “điểm nghẽn” về giải phóng mặt bằng: tỉnh thực hiện công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến các tổ chức, cá nhân đầy đủ, nhanh chóng và thuận lợi. Hoàn thiện cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng theo Luật Đất đai mới để tạo điều kiện cho doanh nghiệp; rút ngắn thời gian xử lý xác định giá đất thực tế khi Nhà nước giao đất; xây dựng khung giá đất sát với giá thực tế trên thị trường. Ðồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính về đất đai và tổ chức triển khai thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định. Nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định về quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, đất đai; nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách phù hợp tạo quỹ đất sạch để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Kịp thời nắm bắt, giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ hỗ trợ công dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác dân vận trong quá trình giải phóng mặt bằng.

Nhã Nam

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/bai-2-thao-go-diem-nghen-ve-co-che-chinh-sach-khoi-thong-nguon-luc-i357253/