Bài 2: Nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội

Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo giải quyết tốt những yêu cầu về an sinh xã hội. Nâng mức hỗ trợ cao hơn so với mức tối thiểu do Nhà nước quy định, mở rộng đối tượng thụ hưởng theo chính sách... nâng tổng chi cho an sinh xã hội từ năm 2016 đến nay khoảng 8.981 tỷ đồng.

Thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền

Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách, trong đó 19 chính sách riêng về an sinh, phúc lợi xã hội, nổi bật như: Chính sách bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh; mức chi hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018-2020; chính sách hỗ trợ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh...

Để đảm bảo sự phát triển xã hội lâu dài, bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là ở khu vực nông thôn phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân.

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã bố trí ngân sách 2.674 tỷ đồng thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; trong đó có việc hỗ trợ, đầu tư mạnh cho kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm. Việc phủ điện lưới quốc gia đến các thôn, bản xa xôi, đến các xã đảo cũng được tập trung đầu tư. Đến nay, các xã đảo trên địa bàn tỉnh và 100% thôn, bản trong đất liền đều có điện lưới quốc gia.

Tỉnh Quảng Ninh còn bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực với tổng kinh phí 1.544 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư hệ thống hạ tầng thiết yếu và phát triển sản xuất. Qua đó đã giúp diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới. Toàn tỉnh có 89/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Bên cạnh đó, tỉnh ưu tiên nguồn lực từ ngân sách đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống giáo dục - đào tạo; y tế theo hướng đạt chuẩn, đồng bộ, hiện đại. Mô hình giáo dục thông minh trên địa bàn tỉnh từng bước phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 545 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 85%, tăng 161 trường so với năm 2015. Hệ thống y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến xã cũng được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị đến nhân lực, tạo thuận lợi cho bà con đến khám, chữa bệnh, cũng như triển khai tốt hoạt động dự phòng, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

Các địa phương cũng thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, dạy nghề cho lao động nông thôn. Qua đó, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên rõ rệt. Đến hết năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt khoảng 85%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ 45,5%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.

Giai đoạn 2016-2020, mỗi năm giải quyết tạo việc làm tăng thêm trên 19.000 lao động/năm. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn 3,9%.

Tỉnh đã hoàn thành chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo (giai đoạn 2); Đề án di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, nguy hiểm... Hoàn thành việc triển khai hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công (giai đoạn 2) với gần 4.000 hộ gia đình được thụ hưởng chính sách...

Tập trung ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế; từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng miền bằng cơ chế đặc thù, cách làm sáng tạo, bài bản...

Từ năm 2016 đến nay, các địa phương đã hỗ trợ cho 5.966 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn về đất ở, đất sản xuất; hỗ trợ công trình nước sinh hoạt tập trung cho 2.178 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 5.268 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 614 hộ...

Người dân được tỉnh Quảng Ninh quan tâm, hỗ trợ tốt nhất. Ảnh: Huy Khánh

Người dân được tỉnh Quảng Ninh quan tâm, hỗ trợ tốt nhất. Ảnh: Huy Khánh

Hiện, tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch, dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng lần lượt từ 93% và 91,4% năm 2015 lên 98% và 98,3% năm 2020. Hết năm 2019, toàn tỉnh không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Quảng Ninh còn tích cực thực hiện hỗ trợ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, người cao tuổi, hộ cận nghèo... tăng tỷ lệ hỗ trợ mua BHYT đối với hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình so với quy định của trung ương...

Hiện tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh đạt 95% (cả nước đạt 90,7%); 100% số người nghèo, đối tượng chính sách được khám, chữa bệnh bằng BHYT; trên 97% dân số được khởi tạo hồ sơ sức khỏe, trong đó trên 82% hồ sơ được cập nhật thông tin...

Tiếp tục thực hiện tốt "mục tiêu kép" của Chính phủ

Năm 2020, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, cùng với cả nước, Quảng Ninh đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, đồng thời có giải pháp thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, trong đó có việc thu hút các nhà đầu tư ngoại.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: Với mục tiêu phát triển giai đoạn 2020 - 2025, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc, tỉnh luôn xác định ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến với Quảng Ninh.

Trong bối cảnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng đã nhanh chóng tạo các điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch, dịch vụ phát triển. Ngoài gói kích cầu du lịch triển khai từ trước (200 tỷ đồng), mới đây tỉnh cũng đã nhanh chóng bổ sung thêm gói kích cầu du lịch trị giá khoảng 100 tỷ đồng. Cùng với đó là tạo cơ chế, chính sách thuận lợi để khôi phục, phát triển, mở rộng các tour, tuyến, sản phẩm du lịch mới, nhằm thu hút, tạo sự hấp dẫn, mới lạ cho du khách.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch cũng đang tích cực khôi phục trở lại các hoạt động phục vụ du khách, chú trọng quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng các sản phẩm kích cầu riêng, triển khai các chương trình khuyến mại, giảm giá, tặng kèm dịch vụ... đảm bảo cả về chất lượng cũng như công tác phòng chống dịch, thực hiện thắng lợi, hiệu quả “mục tiêu kép" của Chính phủ vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Với những thành quả đó, việc chăm lo công tác an sinh xã hội của tỉnh Quảng Ninh những năm qua đã góp phần ổn định cuộc sống người dân trên địa bàn. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 45 triệu đồng/người/năm, tăng 1,5 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm từ 4,56% năm 2015 xuống còn 0,36% năm 2020. Những thành quả này ngày càng tạo thêm động lực để người dân thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn trong thời gian tới./.

Ngày 8/9/2020, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 286/2020/NĐ-HĐND sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 256/2020/NQ-HĐND ngày 14/5/2020 về một số giải pháp hỗ trợ kích cầu du lịch tỉnh Quảng Ninh năm 2020. Gói kích cầu lần này lên tới 100 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh sẽ tiếp tục kéo dài thời gian giảm 50% giá vé cho du khách tham quan Vịnh Hạ Long, Bảo tàng Quảng Ninh, khu di tích danh thắng Yên Tử từ ngày 9/9 đến hết ngày 31/12/2020. Đặc biệt, tỉnh sẽ miễn phí tham quan đối với khách lưu trú trên Vịnh Hạ Long vào các ngày lễ lớn: Ngày Phụ nữ Việt Nam, Ngày Nhà giáo Việt Nam, Ngày Truyền thống công nhân Vùng mỏ...

Giải pháp kích cầu của tỉnh được ban hành kịp thời thực sự là động lực quan trọng chia sẻ, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp dịch vụ, du lịch nỗ lực vượt qua khó khăn, tạo ra khí thế mới cho ngành Du lịch Quảng Ninh, thúc đẩy KT-XH địa phương.

Lan Hương

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/xa-hoi/2020-09-24/bai-2-no-luc-dam-bao-an-sinh-xa-hoi-92626.aspx