BÀI 2: Học Bác ''gần dân, sát cơ sở''BÀI 1: Làm theo Bác để nhân lên những điều tử tế

BÀI 1: Làm theo Bác để nhân lên những điều tử tế

Cả cuộc đời mình, Bác đã dành trọn tình cảm cho dân, cho Đảng. Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải gần dân, trọng dân, học dân, thật thà trước dân và yêu dân. Từ sự nêu gương bằng những việc làm cụ thể, thiết thực của cán bộ, đảng viên đã thể hiện được tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân theo tinh thần Bác đã dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC “DÂN TIN, ĐẢNG CỬ”

Là một sĩ quan Quân đội về hưu, hơn 15 năm qua, đồng chí Trần Viết Biên đã tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong công việc và cuộc sống hằng ngày. Là Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố 10 (phường 4, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), đồng chí Biên luôn làm “đầu tàu” gương mẫu trong việc nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng bộ các cấp.

Đồng chí Trần Viết Biên (người ngồi) xem việc gần dân, sâu sát cơ sở, lắng nghe ý kiến và giải quyết kiến nghị cho người dân trở thành việc làm thường xuyên.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, đồng chí Biên coi việc gần dân, sâu sát cơ sở, lắng nghe ý kiến và giải quyết kiến nghị cho người dân trở thành việc làm thường xuyên. Thời gian làm việc của đồng chí Biên không có khái niệm thứ bảy hay chủ nhật, ngày hay đêm. Vì trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ, dẫu nửa đêm khi nghe người dân trong khu phố báo có trộm hay mâu thuẫn, xích mích là đồng chí Biên tức tốc xuống cơ sở để nắm tình hình, giải quyết vụ việc. Người dân trong khu phố không còn xa lạ gì với trụ sở làm việc của khu phố được mở cửa từ rất sớm và sáng đèn tới tối muộn.

Đồng chí Biên chia sẻ: “Đã là đảng viên, dù còn công tác hay nghỉ hưu nhưng nếu được “dân tin, Đảng cử” thì nên làm tròn trách nhiệm. Chỉ mong rằng, những việc làm của mình sẽ đóng góp xây dựng khu phố ngày càng phát triển, vững mạnh. Việc học tập và làm theo Bác không phải là làm những gì cao siêu, to tát, mà ngay từ thái độ trong công việc và trong cuộc sống giản dị đời thường, niềm nở trong tiếp xúc, gần gũi, tận tình với nhân dân”. Đây cũng là lời căn dặn của đồng chí Biên đối với các thành viên trong gia đình là đảng viên.

Đồng chí Biên luôn đặt học tập Bác lên hàng đầu, vận dụng vào những việc làm cụ thể, nhất là trong việc đoàn kết nội bộ, nhất quán trong lãnh đạo, điều hành và chấp hành, hoàn thành nhiệm vụ được giao, luôn tôn trọng tập thể, lấy thành tích tập thể làm nhiệm vụ cho bản thân. Việc phê bình và tự phê bình trong chi bộ đã được đồng chí Biên mạnh dạn, không kiêng nể trước các khuyết điểm, hạn chế của đảng viên trong chi bộ, đoàn viên, hội viên trong khu phố; từ đó làm gương cho các đảng viên, đoàn viên, hội viên khu phố noi theo. Bên cạnh đó, đồng chí Biên khuyến khích đảng viên tham gia đấu tranh xây dựng; nghiêm túc, thẳng thắn, công minh, không lợi dụng chức vụ để trù dập cá nhân nào. Các cuộc họp, đồng chí Biên luôn công khai minh bạch từ phân công công việc cho đến các loại quỹ đóng góp.

Từ những việc làm gần gũi, thiết thực, đồng chí Biên đã kịp thời nắm bắt và giải quyết “thấu tình đạt lý” những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu và củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng. Điển hình là chợ Hàng Còng (khu phố 10, phường 4) từng là điểm nóng về an ninh, trật tự, nhưng những năm gần đây, tình hình an ninh, trật tự ở khu vực này đã ổn định và được giữ vững. Đến nay, khu phố 10 đã vận động người dân lắp đặt mô hình Camera an ninh tại 5 tuyến đường với hơn 22 mắt camera, đã giúp cơ quan Công an và các lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở khu phố kịp thời ngăn chặn và truy bắt các đối tượng gây án.

TRÁCH NHIỆM, SÂU SÁT CƠ SỞ

Dù gần 70 tuổi, ở cái tuổi lẽ ra được nghỉ ngơi như nhiều người khác, thì cô Trần Thị Ngọc Anh, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) vẫn nhiệt huyết với công tác Hội, công tác xã hội. Cô Ngọc Anh đã khắc sâu và vận dụng lời dạy của Bác “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” vào mọi công việc.

Cô Ngọc Anh không chỉ tham gia Hội Nông dân, mà còn tham gia nhiều tổ chức hội, đoàn thể khác của địa phương. Cô đã phân bổ thời gian khoa học, hầu hết dành thời gian cho công việc cộng đồng, nhưng cũng là người vợ, người mẹ đảm đang, khéo léo, biết quán xuyến công việc gia đình. Khi được hỏi về lý do tham gia nhiều tổ chức hội, cô không ngần ngại trả lời: “Khi tham gia vào nhiều tổ chức hội, mình có cơ hội được đi nhiều, gặp được nhiều người, làm nhiều việc có ích cho xã hội và có thêm nhiều kiến thức mới”.

Cô Trần Thị Ngọc Anh vẫn nhiệt huyết với công tác hội, công tác xã hội.

Từ khó khăn đi lên, cô Ngọc Anh đồng cảm và chia sẻ với các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều năm làm công tác các hội, đoàn thể, đôi chân của cô Ngọc Anh đã đi khắp các con đường, ngõ xóm trên địa bàn xã. Các hộ ở 6 ấp trên địa bàn xã Vĩnh Kim, cô Ngọc Anh thuộc như lòng bàn tay. Nhiều cán bộ xã khi cần biết thông tin hộ nào chỉ cần liên hệ cô Ngọc Anh là có thể biết đôi nét về hộ đó.

Cô Ngọc Anh còn hỗ trợ 10 kg gạo mỗi tháng cho 2 trẻ em mồ côi; tặng 2 thẻ Bảo hiểm y tế cho các hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo. Ngoài ra, cô Ngọc Anh còn vận động người dân đóng góp với chính quyền địa phương xây dựng cầu, đường liên ấp, đường liên tổ. Bằng các mối quan hệ, cô Ngọc Anh vận động từ các nguồn để sửa chữa nhà, giúp đỡ người tàn tật…, tổng kinh phí lên đến hàng trăm triệu đồng.

Không chỉ thế, cô Ngọc Anh còn thu gom rác thải nhựa ở khắp nơi bán làm nguồn thu để mua và góp thêm gạo vào mô hình “Hũ gạo tình thương” cho các hộ khó khăn. Đặc biệt, cô đã vận động và nhân rộng việc “tiết kiệm 1 nắm gạo” đến hội viên và người dân để đóng góp vào mô hình “Hũ gạo tình thương” này. Nhiều năm liền, Chi hội Nông dân ấp Vĩnh Hòa được đánh giá là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Tôi nhận thấy kết quả đạt được của bản thân chưa phải là nhiều, vẫn còn nhiều việc phải làm. Thời gian tới, tôi nguyện không ngừng học tập và làm theo gương Bác, làm nhiều việc thiết thực hơn nữa cho hội viên và cộng đồng” - cô Ngọc Anh chia sẻ.

Với tinh thần tự học và học tập suốt đời, làm gương cho con cháu, năm 2005, ở tuổi 50, cô Ngọc Anh đã “tiếp lửa” cho con trai út bằng việc đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông chung với con. Lấy tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông ở tuổi 50 là minh chứng cụ thể khi tuyên truyền người dân không ngừng nâng cao nhận thức, không ngừng đầu tư cho con em ăn học, xứng danh với vùng đất hiếu học Vĩnh Kim - quê hương của nhiều vị giáo sư, tiến sĩ.

VĂN THẢO

(Còn tiếp)

Cả cuộc đời mình, Bác đã dành trọn tình cảm cho dân, cho Đảng. Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải gần dân, trọng dân, học dân, thật thà trước dân và yêu dân. Từ sự nêu gương bằng những việc làm cụ thể, thiết thực của cán bộ, đảng viên đã thể hiện được tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân theo tinh thần Bác đã dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202308/khi-chi-thi-05-lan-toa-vao-cuoc-song-bai-2-hoc-bac-gan-dan-sat-co-so-988402/