BÀI 2: Hệ lụy từ ma túy

BÀI 1: Ma túy - Cuộc chiến còn gian nan

Tội phạm ma túy ngày càng trẻ hóa, không chỉ làm tổn thất nghiêm trọng đến người thân, gia đình, mà còn là mầm mống, nguồn cơn phát sinh nhiều loại tội phạm khác, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.

NGUỒN CƠN PHÁT SINH TỘI PHẠM KHÁC

Theo đánh giá của Công an tỉnh Tiền Giang, tuy Tiền Giang không phải là địa bàn trọng điểm về ma túy của cả nước, nhưng tình hình tội phạm ma túy và người nghiện ma túy trong những năm qua từng lúc, từng nơi còn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Tuyên truyền tác hại của ma túy trong lực lượng đoàn viên - thanh niên.

Thượng tá Trần Văn Rô, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, thực tế cho thấy, đối tượng sử dụng ma túy thường gắn liền với hành vi phạm tội của các loại tội phạm khác trong xã hội. Khi bị nghiện, những người nghiện ma túy sẵn sàng làm mọi việc miễn là có tiền, có ma túy, thậm chí giết người, cướp của để thỏa mãn nhu cầu. Có thể hình dung, cuộc đời họ là một vòng luẩn quẩn: Ma túy, nghiện, suy kiệt kinh tế, phạm tội, vào tù, ra tù, tái nghiện, tái phạm tội… cứ lặp đi lặp lại.

Thực tế trong thời gian qua, đối tượng phạm tội hình sự bị bắt là người sử dụng ma túy có hành vi vi phạm các loại tội phạm khác chiếm tỷ lệ cao, trong đó chủ yếu như cướp giật, trộm cắp tài sản, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản… gây bất an trong dư luận.

Điển hình như trường hợp Huỳnh Hữu Khoa (sinh năm 1991, ngụ ấp Hòa Bình, xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông) mặc dù đã được đưa đi cai nghiện 2 lần, nhưng Khoa vẫn “chứng nào tật nấy”, tiếp tục lao vào con đường nghiện ngập ma túy. Cuối năm 2018, trong lần đến Trung tâm Y tế TX. Gò Công uống Methanol định kỳ, Khoa đã lấy trộm xe máy của anh Ngô Tấn An (ngụ ấp An Lợi, xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây) đang để trước nhà bạn, bên trong xe có 6 triệu đồng, 1 thẻ ATM và nhiều giấy tờ khác. Sau đó, Khoa bị Công an TX. Gò Công bắt giữ.

Hay tại TP. Mỹ Tho, trong năm 2020, cũng vì nghiện ma túy mà 4 đối tượng gồm: Lê Thiện Phú (22 tuổi, ngụ xã Trung An), Nguyễn Hữu Ấm (24 tuổi, ngụ phường 6) đều thuộc TP. Mỹ Tho; Đặng Hoàng Sơn (21 tuổi) và Phạm Thanh Lâm (25 tuổi) cùng ngụ xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, đã cấu kết với 1 cô gái lừa bạn trai mới quen vào khách sạn để khống chế, cướp một số tài sản, trị giá khoảng 20 triệu đồng. Sau đó, nhóm đối tượng này đã bị Công an TP. Mỹ Tho phối hợp Công an tỉnh Bến Tre bắt giữ.

Trên đây chỉ là hai trong rất nhiều vụ liên quan đến người nghiện ma túy phạm tội. Tại nhiều đợt tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang, HĐND tỉnh Tiền Giang, cử tri các địa phương bày tỏ sự lo lắng về tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy gây ra nhiều vụ cướp giật, trộm cắp tài sản, gây mất an ninh trật tự địa phương. Anh Nguyễn Văn Xuân (ngụ xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè) cho biết: “Hiện nay, hoạt động của loại tội phạm ma túy diễn biến hết sức phức tạp, đã mở rộng địa bàn hoạt động về vùng nông thôn.

Điều đáng báo động là nhiều loại tội phạm do người nghiện ma túy gây ra, khiến người dân không khỏi lo lắng, bất an như: Trộm gà, trộm chó, trộm xe hay nguy hiểm hơn là giết người cướp của. Người dân chúng tôi mong lực lượng Công an, chính quyền các cấp có giải pháp mạnh hơn nữa để trấn áp các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm liên quan đến ma túy, để đem đến cuộc sống bình yên cho người dân”.

Còn theo thống kê của ngành Công an, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 267 người nghiện, người sử dụng ma túy bị khởi tố, trong đó lĩnh vực ma túy 156 đối tượng, lĩnh vực hình sự 100 đối tượng, lĩnh vực khác là 11 đối tượng; có 923 đối tượng là người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy vi phạm pháp luật.

HỆ LỤY KHÔN LƯỜNG

Có thể thấy, những hệ lụy mà ma túy mang lại là rất lớn, không chỉ gây tổn hại sức khỏe cho người sử dụng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến gia đình và xã hội. Theo bác sĩ Nguyễn Bá Triệu, Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, người sử dụng ma túy sẽ gây tổn hại về sức khỏe như: Hệ tiêu hóa, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, hệ thần kinh, suy giảm chức năng các cơ quan trong cơ thể, dẫn đến tình trạng suy nhược toàn thân, giảm sức lao động.

Bị cáo P. trước Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang. Ảnh: THANH VIỆT

Một trong những tổn hại thường gặp đối với người nghiện ma túy là ảnh hưởng đến chức năng tâm lý và thần kinh. Bản thân người nghiện ma túy không kiểm soát được hành vi của mình, thường có hành vi hung hăng, kích động, hoặc ảo giác, hoang tưởng… Đáng sợ hơn, một số trường hợp sử dụng ma túy quá liều có thể dẫn đến các bệnh lý cấp tính, có thể gây tử vong như co giật hoặc đột quỵ não…

Đó là những hệ lụy về sức khỏe, còn đối với gia đình, khi có người nghiện ma túy luôn phải sống trong sự bất hạnh. Bởi ma túy là nguyên nhân của những biến động trong gia đình như: Kinh tế sa sút đi tới khánh kiệt, túng thiếu, nợ nần làm nảy sinh mâu thuẫn trong gia đình, làm cho hạnh phúc gia đình bị đe dọa tan vỡ, ba mẹ ly hôn, con cái thiếu sự chăm sóc cả vật chất lẫn tinh thần.

Điển hình như cuộc đời của N.H.P. (ngụ huyện Cái Bè) là những tháng ngày trượt dài, không màng đến tương lai. Sau khi chấp hành án tù xong, tưởng chừng như đã ăn năn hối cải nhưng N.H.P. vẫn tiếp tục “ngựa quen đường cũ” rủ rê chính bạn tù của mình là N.V.P. (ngụ huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) lao vào con đường mua bán trái phép chất ma túy. Và N.H.P. tiếp tục bị Tòa án nhân dân cấp cao TP. Hồ Chí Minh tuyên án tử hình.

Chia sẻ với chúng tôi, chị N.T.G. (ngụ huyện Cái Bè) là chị của N.H.P. cho biết: “Gia đình tôi có 5 anh chị em, P. là con trai út trong gia đình. Dù cuộc sống gia đình thiếu trước hụt sau, nhưng cả nhà vẫn sống trong hạnh phúc. Tuy nhiên, nghe theo lời bạn bè rủ rê, em P. rơi vào con đường nghiện ngập, nhiều lần gia đình đã khuyên ngăn nhưng em bỏ ngoài tai. Sau khi mãn hạn tù, hòa nhập xã hội, tưởng em P. chí thú làm ăn nhưng không ngờ tiếp tục bị lực lượng chức năng bắt giữ về tội mua bán và tàng trữ trái phép chất ma túy.

Cả gia đình như chết đứng, không tin vào sự thật khi số ma túy thu giữ tại nhà người thân của mình lên đến vài kg. Qua sự việc của P. - em trai tôi, tôi mong rằng mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ không nên dính vào ma túy dù ở bất cứ hình thức nào. Mỗi gia đình nên quan tâm quản lý chặt chẽ con em mình, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, xúi giục, vướng vào ma túy để rồi không thoát ra được, tiếp tay cho hành vi phạm tội, gây nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội”.

Thực tế cho thấy, ma túy không chỉ làm tổn hại đến bản thân và gia đình, mà còn gây tổn thất lớn về kinh tế - xã hội. Theo phân tích của ngành chức năng, nhu cầu cần tiền để mua ma túy của người nghiện là rất lớn, mỗi ngày ít nhất từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, thậm chí 1.000.000 - 2.000.000 đồng. Như vậy, nếu tính trung bình một năm, số tiền mà những người nghiện sử dụng ma túy là rất lớn, gây thiệt hại kinh tế cho quốc gia. Nhiều ý kiến so sánh cho rằng, nếu số tiền này được sử dụng vào xây dựng nông thôn mới, xóa khó giảm nghèo… thì sẽ góp phần xây dựng đất nước càng giàu đẹp hơn.

Thật vậy, qua nhiều vụ án về ma túy đã có biết bao bài học, câu chuyện thương tâm, để lại những hệ lụy dai dẳng cho gia đình, đánh mất con đường tương lai của bản thân, tạo nhiều gánh nặng cho xã hội. Mặt dù, những năm qua, Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp đã triển khai nhiều giải pháp để giúp người nghiện ma túy có thể cai nghiện trở về với gia đình và cộng đồng, thế nhưng vì đâu ma túy vẫn còn “đất sống”?

NHÓM PV
(còn tiếp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/phap-luat-an-ninh-trat-tu/202305/ngan-chan-cai-chet-trang-bai-2-he-luy-tu-ma-tuy-978353/