Bài 2: Điện Biên xưa và nay 'một trời một vực'

Trong mắt những người lính Điện Biên, mảnh đất này sau ngày chiến thắng là một đống đổ nát, không có đường, không có nhà, chằng chịt dây thép gai… Nhìn ngắm diện mạo Điện Biên ngày nay, sự đổi thay phải nói là 'một trời một vực'.

Tái thiết từ “con số 0”

Sau ngày chiến thắng, công cuộc tái thiết Điện Biên (lúc đó còn là tỉnh Lai Châu) vô cùng gian nan khi tất cả “là con số 0” theo lời ông Vàng A Thào, một chiến sĩ Điện Biên suýt soát trăm tuổi đang sống ở xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ. “Lúc ấy không nhà cửa, không đường sá, đi lại vô cùng khó khăn, về Hà Nội mất đến 7 - 8 ngày. Ngay cái xã Si Pa Phìn này cũng là nơi hổ ở, chẳng có người”.

Một góc thành phố Điện Biên Phủ ngày nay. Ảnh: Thành Đạt

“Muốn đi từ bản này qua bản khác chỉ có hai cách, hoặc lội ruộng, hoặc cưỡi trâu”,ông Phạm Đức Cư, người tham gia kéo pháo từ Trung Quốc về phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, bật cười khi nhớ lại.

Ông Hoàng Văn Bảy, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, cho biết thêm: “Đường còn sâu hơn ruộng bởi trâu bò đi nên đường cứ dần lún xuống. Khắp nơi dây thép gai, hố bom, hố đạn, bãi mìn, bom chưa nổ… không ai dám bước chân vào”.

Không chỉ hạ tầng, nguồn lực con người cũng khó khăn đủ bề. Dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, sống theo lối tự cung tự cấp và nhiều người đã di cư để tránh chiến tranh. Kinh tế địa phương dựa cả vào nền nông nghiệp độc canh cây lúa nhưng diện tích ruộng bỏ hoang rất lớn, bà con cũng chưa có kinh nghiệm và tập quán làm ruộng lúa nước, tăng vụ.

Đó là còn chưa kể những chuyện được nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nhắc đến trong tác phẩm “Bốn năm sau”. Điện Biên khi đó như một xã hội thu nhỏ. Có những người chăm chỉ, hăng say lao động thì cũng có những người chây lười. Có những người luôn nghĩ đến những điều tích cực cho cái chung thì cũng có những người “thành kiến, ghét nhau, so bì, tị nạnh, nói bóng nói gió, thắc mắc linh tinh cứ như không phải chiến sĩ”…

Tiếp theo chiến thắng chấn động địa cầu, “giữa hoang vu và bàn tay người”, tái thiết Điện Biên từ đâu và bằng cách nào thực sự là một câu hỏi cân não.

Bắt đầu từ nông nghiệp

Ông Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho biết, ngay sau chiến thắng, trong giai đoạn 1955 - 1975, tỉnh Điện Biên tập trung phát triển nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực; đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, xây dựng và phát triển cơ sở vật chất cho nông nghiệp.

Dấu ấn đặc biệt trong giai đoạn này phải kể đến đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Dù sở hữu cánh đồng “nhất Thanh” rộng lớn nhưng rất nhiều khu vực khó trồng cấy vì thiếu nước, cả thung lũng chỉ làm một vụ mỗi năm, lương thực của tỉnh lúc ấy chủ yếu do Trung ương trợ cấp. Trước tình hình đó, Trung ương - Khu ủy Tây Bắc quyết định đầu tư xây dựng công trình đại thủy nông Nậm Rốm để mở rộng khai hoang, canh tác trên cánh đồng Mường Thanh.

Để xây dựng công trình thủy lợi lớn thứ hai của cả miền Bắc (chỉ sau công trình thủy nông Bắc Hưng Hải), Đảng, Nhà nước đã huy động người dân các dân tộc Điện Biên và thanh niên xung phong từ khắp các tỉnh miền xuôi. Quá trình thi công vô cùng gian khổ, ông Trần Công Chính, Chủ tịch Hội Thanh niên xung phong tỉnh Điện Biên kể. Thời điểm đó, đế quốc Mỹ nhiều lần đưa máy bay bắn phá, có lúc đường tiếp tế lương thực lên Điện Biên bị cắt đứt hoàn toàn khiến cả công trường phải ăn cơm độn ngô, khoai suốt mấy tháng trời. Máy móc, thiết bị không có, thanh niên chỉ dùng sức người và cuốc, xẻng. Khó khăn là thế nhưng tinh thần ai cũng hăng hái, khẩn trương, lao động quên mình, như tinh thần đánh trận Điện Biên Phủ.

Sau gần 7 năm xây dựng, năm 1969, công trình hoàn thành, đưa vào khai thác và có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển sản xuất, phát triển thủy sản, thâm canh tăng vụ từ 1 vụ lên 2 vụ lúa và trồng cây vụ đông. Nhờ đó, năng suất lúa tăng từ 20 tạ/ha lên trên 60 tạ/ha như hiện nay, diện tích tưới tiêu khu vực vùng lòng chảo Điện Biên được mở rộng từ 2.000ha lên đến gần 6.000ha.

Bây giờ đồi thấp, nhà cao

Kể từ khi chia tách tỉnh (năm 2004), Điện Biên tiếp tục chuyển mình rõ rệt. Nhiều năm liền, Điện Biên duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá. Giai đoạn 2021 - 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt trung bình trên 9,33%. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 42,98 triệu đồng/người/năm, tăng 1,46 lần so với năm 2020, và tăng 2,1 lần so với năm 2015. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng dần qua các năm. Năm 2023 đạt trên 1.640 tỷ đồng, tăng hơn 11 lần so với năm trước khi tách tỉnh.

Tỉnh cũng tiếp tục tận dụng khai thác các tiềm năng lợi thế về đất đai gắn với phát triển sản xuất bền vững cho người dân thông qua các mô hình liên kết sản xuất, nhất là các mô hình trồng cây mắc ca. Một số vùng sản xuất tập trung đã được hình thành theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết sản xuất trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: lúa, gạo, chè, cà phê, mắc ca... với trên 10.000ha và 23 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Xây dựng và hình thành 72 sản phẩm OCOP có chất lượng tốt. Chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục được duy trì, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc bình quân tăng 3 - 4%/năm.

Xác định mạng lưới giao thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Điện Biên chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo hướng hiện đại. Đến nay, 100% xã trên địa bàn tỉnh có đường ô tô đến trung tâm; 80 xã có đường xã đã trải nhựa, bê tông; 68 xã có đường thôn, bản được bê tông hóa. Đặc biệt, Cảng Hàng không Điện Biên giờ đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại tàu bay hiện đại như A320, A321. Dự án cao tốc Điện Biên - Sơn La giai đoạn 1 cũng đang được khẩn trương nghiên cứu, đầu tư xây dựng. Đây là những tiền đề để tỉnh đẩy mạnh thu hút, xúc tiến đầu tư vào những lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh, trong đó có du lịch, tiếp tục đưa Điện Biên bứt phá vươn lên.

“Điện Biên xưa và nay khác nhau một trời một vực”, ông Phạm Đức Cư, nhận xét. Còn ông Vàng A Thào thì “không mong muốn gì hơn”, bởi “trước là con số 0, giờ đạt 100% - dân được ăn no, có nhà ở, đi lại thuận tiện, con cháu được học hành”. Hai người lính, một người đang sống ở thành phố trẻ Điện Biên Phủ, một người sống ở huyện nghèo Nậm Pồ, đều cho rằng, sự đổi thay choáng ngợp của vùng đất này sau 70 năm là nhờ Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy mạnh mẽ tinh thần Điện Biên Phủ anh hùng.

Nhật Linh - Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/bai-2-dien-bien-xua-va-nay-mot-troi-mot-vuc-i370851/