Bài 2: Để Luật Đất đai năm 2024 nhanh chóng đi vào cuộc sống

Có thể nói rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cho thấy cách tiếp cận đất đai cho thị trường bất động sản một cách toàn diện hơn, cân bằng hơn, công bằng hơn, chừng mực nào đó cũng lành mạnh và minh bạch hơn. Nhưng điều quan tâm lớn nhất ở đây là phát triển một thị trường bất động sản hướng nhiều hơn cho những người có thu nhập vừa phải, đảm bảo các mục tiêu xã hội và qua đó cũng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương và 260 điều có nhiều điểm mới so với Luật Đất đai năm 2013. Để đưa Luật Đất đai (sửa đổi) nhanh chóng đi vào cuộc sống, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục có cuộc trao đổi với 2 khách mời xung quanh chủ để này, đó là:

- Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

- Ông Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Phóng viên (PV): Việc kịp thời quán triệt và triển khai nghiêm túc Luật Đất đai 2024 sẽ góp phần để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, đạt hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội. Vậy theo ông Phan Đức Hiếu, đâu là những khó khăn, trở ngại khi triển khai Luật Đất đai năm 2024?

Ông Phan Đức Hiếu: Tôi cho rằng trước khi nói đến câu chuyện về triển khai, thi hành Luật Đất đai 2024 thì theo tôi gọi là khó khăn, trở ngại thì không hẳn, nhưng có lẽ sẽ có một số thách thức mà chúng ta phải nhận diện. Có thể thấy, để Luật Đất đai 2024 được thông qua không hề dễ dàng vì mức độ khó của luật, đòi hỏi luật được thông qua với chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cử tri, Nhân dân và lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ. Nên câu chuyện sắp tới đây chúng ta phải tập trung để tổ chức thực thi Luật Đất đai một cách tốt nhất, để đưa những chính sách, những mục tiêu thực sự được hiện thực hóa đi vào cuộc sống.

Trước khi nói đến thách thức khi triển khai Luật Đất đai 2024, tôi xin đề cập những thuận lợi, đó là, các cơ quan tham mưu, các cơ quan của Chính phủ rất quyết liệt trong việc triển khai thi hành Luật Đất đai (sửa đổi), như ngày 5/3/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai; thậm chí Chính phủ còn đang quyết liệt chỉ đạo để làm sao Luật có hiệu lực sớm hơn so với kế hoạch.

Tuy nhiên nói đến thách thức thì tôi nhận thấy có 4 nhóm thách thức. Đầu tiên, trước khi Luật Đất đai có hiệu lực thì phải chuẩn bị một khối lượng các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo tôi, có khoảng 8-9 nghị định và 3-4 thông tư, cùng với đó về mặt nội dung các quy định hướng dẫn cũng rất nhiều, có lẽ đến hàng trăm trang văn bản hướng dẫn. Đây cũng là một thách thức không hề nhỏ.

Nhóm thách thức thứ 2, là Luật Đất đai (sửa đổi) có rất nhiều nội dung chính sách giao cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết phải đảm bảo đúng tinh thần, các mục tiêu chính sách của Luật, làm sao phải thể chế hóa đầy đủ nội dung, bởi nếu không sẽ dẫn đến một thực trạng Luật ban hành có thể tốt về mặt chính sách, tốt về mục tiêu, nhưng văn bản hướng dẫn “vô tình” tạo thêm những trở ngại không đúng như mong muốn của Luật.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng, khối lượng công việc của các cơ quan có liên quan trong tổ chức thực thi Luật Đất đai là rất lớn. Ví dụ, bây giờ chúng ta phải rà soát để tổ chức lại các công việc, quy trình mới, rồi rà soát năng lực của cán bộ trong việc tiếp cận, nhận thức đầy đủ Luật Đất đai 2024 để có thể xử lý, giải quyết kịp thời cho người dân khi Luật có hiệu lực. Hay ví dụ như vấn đề về xây dựng cơ sở dữ liệu Luật Đất đai; vấn đề rà soát, ban hành các quy chế, bộ thủ tục hành chính v.v... Ngoài ra chưa kể còn phải thông tin kịp thời và đầy đủ để cho các cán bộ thực thi hiểu đúng, hiểu đủ, hiểu để có thể làm được, rồi người dân, doanh nghiệp và các đối tượng liên quan cũng hiểu đúng, hiểu đủ, hiểu thống nhất để có thể cùng thực thi Luật.

Nhóm thách thức thứ 3 cần phải nhận diện, đó là nguồn quỹ đất có hạn. Chúng ta đều hiểu đặc tính của đất đai là không sinh sôi nảy nở, nên chẳng hạn chính sách về bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn ở miền núi nhưng việc thực thi chính sách không chỉ đơn thuần dựa vào quy định, dựa vào công tác tổ chức mà quan trọng nhất là nguồn quỹ đất. Cũng tương tự như cơ chế về bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Do vậy, khi mà nguồn quỹ đất hạn chế thì đây cũng là một thách thức rất lớn để đưa các chính sách được quy định trong Luật vào cuộc sống.

Nhóm thách thức thứ 4, theo tôi có thể có những vướng mắc bất cập mà bây giờ chúng ta chưa thấy được và chỉ khi thực thi mới phát sinh, nhận diện được đầy đủ. Đó là việc chúng ta cũng phải lường trước để làm sao bám sát quá trình thực thi này, phát hiện kịp thời những vướng mắc, bất cập để kịp thời có giải pháp phù hợp để tháo gỡ, giảm bớt được khó khăn, bất cập đó.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

PV: Thưa ông Phan Đức Hiếu, với Luật Đất đai sửa đổi lần này, ông kỳ vọng phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh như thế nào?

Ông Phan Đức Hiếu: Trong quá trình tham vấn Luật Đất đai thì đây cũng là một nội dung có rất nhiều ý kiến đó. Đầu tiên tôi phải trao đổi lại là cách tiếp cận lần này của Luật Đất đai đối với thị trường bất động sản là hướng đến tiếp cận một cách toàn diện hơn. Ở đây, bất động sản phải hiểu gồm cả bất động sản công nghiệp. Đó là đất dành cho hoạt động sản xuất kinh doanh gồm khu kinh tế, khu công nghiệp v.v... Thứ hai là đất ở, chúng ta gọi là quỹ đất dành cho việc xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở, đất ở, chung cư... Chúng ta hay nhìn nhận thị trường bất động sản bây giờ là chỉ nhìn nhận khu trú và đất để xây dựng nhà ở, chung cư, nhà ở thương mại nói chung. Tuy nhiên, Luật Đất đai lần này còn tiếp cận mở rộng hơn nữa. Nói đến thị trường bất động sản, chúng ta thấy trong Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cũng thể hiện rõ một chính sách, đó là phát triển những nhà ở, nhà chung cư dành cho người có thu nhập thấp. Đó là nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, nhà ở cho công nhân…

Như vậy, nhìn nhận của Luật Đất đai lần này là phát triển một cách cân bằng các thị trường bất động sản hay gọi là phân khúc nhu cầu ở cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau có năng lực và tiềm lực kinh tế, cũng như hoàn cảnh khác nhau, và hoạt động sản xuất kinh doanh, chứ không phải nói đến thị trường bất động sản là chỉ “nhăm nhăm” nói đến giải quyết nhu cầu nhà ở thương mại.

Thứ nhất, nhìn từ góc độ của nhà đầu tư thì Luật Đất đai lần này tiếp cận theo hướng công bằng hơn, minh bạch hơn. Đó là tiếp cận đất đai chủ yếu qua hai cơ chế gọi là đấu giá hoặc là đấu thầu. Đấu giá quyền sử dụng đất. Còn đấu thầu là khi các dự án có sử dụng đất thì phải đấu thầu để lựa chọn ra nhà đầu tư tốt nhất hoặc nhà đầu tư cung cấp sản phẩm dịch vụ tốt nhất cho xã hội. Ví dụ như đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Nhà đầu tư nào xây dựng nhà ở xã hội mà có giá hấp dẫn nhất thì nhà đầu tư đấy được chọn. Khi đó, Nhà nước sẽ tiến hành giao đất hoặc là cho thuê đất trả tiền một lần cho nhà đầu tư đấy. Như vậy, đây gọi là hai kênh mà theo tôi minh bạch và công bằng nhất cho việc tiếp cận sử dụng bất động sản xã hội, đặc biệt là đối với vấn đề về nhà ở....

Thứ hai, đối với quỹ đất cho phát triển sản xuất kinh doanh lần này cũng cơ bản thể hiện rõ hơn, công bằng hơn. Ví dụ như trong một số khu công nghiệp cũng phải dành quỹ đất nhất định cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi vì nếu như chúng ta chỉ sử dụng việc giao đất, cho thuê đất thông qua cơ chế thị trường thì có thể dẫn đến thiệt thòi cho những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, những doanh nghiệp mà người ta kinh doanh bằng năng lực chuyên môn nhiều hơn là vốn vật chất thì sẽ bị thiệt thòi.

Tóm lại, có thể nói rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cho thấy cách tiếp cận đất đai cho thị trường bất động sản một cách toàn diện hơn, cân bằng hơn, công bằng hơn, chừng mực nào đó cũng lành mạnh hơn và minh bạch hơn. Nhưng điều quan tâm lớn nhất ở đây là phát triển một thị trường bất động sản hướng nhiều hơn cho những người có thu nhập vừa phải, đảm bảo các mục tiêu xã hội và qua đó cũng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường

PV: Với câu hỏi này, ông Nguyễn Đình Thọ có ý kiến bổ sung gì không, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Thọ: Như ông Phan Đức Hiếu đã trao đổi rất là cụ thể liên quan đến thị trường bất động sản thì tôi xin tiếp cận theo cách thức là bất động sản nhà ở, bất động sản thương mại dịch vụ dành cho văn phòng, nhà hàng, khách sạn, cũng như là trung tâm thương mại và bất động sản công nghiệp, đó là dành phục vụ cho hoạt động sản xuất.

Trong Luật Đất đai (sửa đổi) này cũng đã tập trung vào gỡ các nút thắt mà trong thời gian vừa qua xảy ra, thì quan trọng nhất liên quan đến quá trình tổ chức và phát triển một dự án bất động sản mới thường liên quan đến thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư và liên quan tới định giá đất. Đây là những hoạt động mà trong Luật Đất đai sửa đổi đã quy định rất cụ thể về chủ trương, cách thức, tổ chức quy trình, tổ chức thực hiện và hướng tới việc là giảm bớt các thủ tục hành chính và đẩy nhanh các dự án bất động sản đưa vào trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt là trong thời gian vừa qua có những quy định rất khó khăn thực thi thì nay đã đưa vào trong Luật Xây dựng, đưa vào trong Luật Đầu tư rồi cuối cùng là đưa vào trong Luật Đất đai. Chủ tịch Quốc hội cho rằng nội dung này đã được thảo luận rất nhiều mà nó quá phức tạp liên quan tới quản lý nhà nước về mặt đất đai và liên quan đến phát triển các dự án kinh doanh bất động sản nên Quốc hội quyết định là đưa ra thành Nghị quyết thí điểm. Và hiện nay, Nghị quyết thí điểm cũng đã được soạn thảo và xây dựng theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội là việc xử lý đối với các dự án bất động sản có đất ở và đất khác thì xử lý như thế nào? Có thể nói quyết tâm của Quốc hội đã được thể hiện rõ ràng trong việc đẩy mạnh phát triển thị trường bất động sản thông qua tất cả các loại hình bất động sản mà ông Phan Đức Hiếu vừa nêu, tạo điều kiện cho các dự án bất động sản liên quan đến nhà ở xã hội, liên quan đến nhà ở công vụ, liên quan đến bất động sản cho công nhân, liên quan đến bất động sản cho người có thu nhập thấp, qua đó, tạo điều kiện để mọi người dân đều có chỗ ở cũng như là giải quyết các vấn đề liên quan đến thu hồi bồi thường, hỗ trợ tái định cư để cho người có đất bị thu hồi được có chỗ ở và có điều kiện bằng hoặc tốt hơn so với trước đây. Tất cả những quy định này là được thể chế hóa cụ thể trong Luật Đất đai năm 2024 để tạo điều kiện cho các dự án bất động sản mới có thể phát triển được.

Ngoài ra thì việc khuyến khích bất động sản công nghiệp để phục vụ trong quá trình phát triển đất nước cũng đã được quan tâm trong Luật Đất đai lần này để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà kinh doanh bất động sản, kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện có đất kinh doanh trong các khu công nghiệp, khu kinh tế trong thời gian tới.

Ông Phan Đức Hiếu cho rằng Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cho thấy cách tiếp cận đất đai cho thị trường bất động sản một cách toàn diện hơn, cân bằng hơn, công bằng hơn. Ảnh: ITN

PV: Thưa ông Nguyễn Đình Thọ, từ thực tế công tác của mình, ông có thể chia sẻ về quá trình chuyển đổi số sẽ giúp gì cho công tác quản lý đất đai hiện nay?

Ông Nguyễn Đình Thọ: Trong suốt khoảng thời gian từ năm 1990 cho đến nay, sau khi Luật Đất đai ra đời cũng như trong quá trình đổi mới cách thức quản lý nhà nước liên quan đến đất đai thì cơ sở dữ liệu đất đai luôn luôn được đặt ưu tiên lên hàng đầu. Tuy nhiên là do bối cảnh kinh tế của nước ta còn nhiều khó khăn nên việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, đặc biệt liên quan đến dữ liệu lớn, liên quan đến dữ liệu bản đồ thì chúng ta chưa đủ kinh phí để có thể tổ chức triển khai được.

Tuy nhiên, lần này Luật Đất đai năm 2024 đã quy định rất là rõ việc đổi mới, chuyển đổi số trong công tác quản lý đất đai. Trong thời gian vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ ngành khác để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia và kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư. Sau khi chúng ta làm được nội dung này thì đây sẽ là nền tảng để cơ quan quản lý nhà nước có thể thực hiện công tác giám sát từ trung ương tới địa phương và theo yêu cầu của Chính phủ thì việc quản lý đất đai cũng sẽ phải được làm trực tuyến, trực tiếp và kết nối liên thông từ địa phương lên trung ương giống như chúng ta quản lý ngân sách hiện nay. Và sau khi hệ thống được hoàn thành thì tôi tin tưởng công tác quản lý đất đai của chúng ta sẽ có rất nhiều các hoạt động đổi mới liên quan đến công tác quy hoạch, quy hoạch sử dụng đất, liên quan đến đăng ký đất đai, liên quan đến giá đất và việc kết nối từ địa phương lên trung ương. Việc tổ chức thực hiện tốt ở địa phương thì cơ quan trung ương sẽ có được cơ sở dữ liệu về giá đất, về quy hoạch, kế hoạch cũng như cơ sở dữ liệu đăng ký đất đai để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước được tốt. Cùng với xu hướng chung của Nhà nước trong việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia hiện nay và công tác đổi mới trong quản lý sử dụng đất đai sẽ được thực hiện tốt hơn thông qua kết hợp giữa chuyển đổi số và đổi mới công tác quản lý nhà nước về đất đai.

PV: Mới đây, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2024, sớm hơn so với kế hoạch là ngày 1/1/2025. Ông Phan Đức Hiếu có ý kiến gì về đề xuất này?

Ông Phan Đức Hiếu: Trước hết, có thể thấy dù Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/1/2025 nhưng vẫn có 2 quy định tại Điều 190 và Điều 248 của Luật này có hiệu lực thi hành ngay từ ngày 01/4/2024. Nhìn chung, Chính phủ hiện nay đang mong muốn Luật Đất đai có hiệu lực sớm hơn so với kế hoạch, qua đây minh chứng thấy rõ sự quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ muốn đưa Luật Đất đai 2024 sớm đi vào cuộc sống. Đây là điều rất đáng ghi nhận.

Quan điểm của tôi thấy rằng, việc Luật Đất đai có hiệu lực sớm cũng đem lại những lợi ích cho người dân và doanh nghiệp mà trong một số quy định của Luật thì ở khía cạnh nào đó cũng tốt hơn trong việc bảo về quyền và lợi ích hợp pháp cho người sử dụng đất. Như việc liên quan đến các trường hợp phải thu hồi đất, nếu như Luật có hiệu lực sớm hơn sẽ có thể khắc phục được tâm lý, tình trạng độ trễ khi luật cũ đang có hiệu lực, trong khi luật mới thì sắp có hiệu lực nhưng bị trì hoãn trong việc thực hiện vì tâm lý của một số người, một số đối tượng người ta muốn phải được hưởng những lợi ích của luật cũ, thì rõ ràng nếu như Luật có hiệu lực sớm hoàn toàn có thể loại bỏ được tâm lý này và nó cũng có những lợi ích nhất định.

Tuy nhiên tôi cho rằng thách thức lại rất lớn. Để Luật có hiệu lực sớm thì yêu cầu đầu tiên là các văn bản hướng dẫn thi hành phải được ban hành, bởi nếu không, khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sớm mà văn bản chưa được ban hành đầy đủ, chưa được ban hành kịp thời thì Luật sẽ rất khó đi vào cuộc sống. Khi đó giữa mong muốn của chúng ta với yêu cầu thực tiễn đôi khi lại có thể gây ra những tác động ngược lại. Từ đây đến lúc Luật có hiệu lực sớm thì quỹ thời gian chuẩn bị cũng không còn nhiều. Thứ 2, khi Luật có hiệu lực thì công tác chuẩn bị nhân sự, tổ chức bộ máy cũng rất quan trọng. Phải chuẩn bị công tác tập huấn, phổ biến Luật sao cho khi Luật có hiệu lực thì đảm bảo tất cả các hoạt động liên quan phải được thực thi ngay. Do đó, cá nhân tôi rất ủng hộ Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sớm hơn kế hoạch nhưng muốn Luật đi vào cuộc sống đúng nghĩa thì Chính phủ cần dồn hết nguồn lực để xử lý khối lượng công việc lớn này và phải làm từng bước thận trọng, đảm bảo độ chắc chắn nhất định...

Các khách mời chường trình đều kỳ vọng Luật Đất đai vừa được thông qua góp phần giải quyết nhiều bất cập, vướng mắc hiện nay về quản lý đất đai

PV: Người dân đang kỳ vọng Luật Đất đai vừa được thông qua góp phần giải quyết nhiều bất cập, vướng mắc hiện nay về quản lý đất đai và kiến tạo cho sự phát triển sắp tới với tư duy, quan điểm mới và đột phá. Để sớm đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào cuộc sống, thời gian tới theo ông cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa ông Nguyễn Đình Thọ?

Ông Nguyễn Đình Thọ: Có thể nói đất đai là không gian sinh tồn của dân tộc, nên vai trò quan trọng của đất đai đối với Nhà nước, đối với doanh nghiệp và đối với người dân thì không ai có thể phủ nhận. Chủ tịch Quốc hội cũng đã khẳng định là tầm quan trọng của Luật Đất đai là chỉ có sau Hiến pháp, nên trong quá trình tổ chức thực hiện và triển khai Luật Đất đai có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chính phủ hiện nay rất quyết tâm để đưa Luật Đất đai sớm vào cuộc sống cùng với Luật Xây dựng và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi từ ngày 1 tháng 7 năm 2024. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang gấp rút chuẩn bị các nghị định và cũng sẽ cố gắng dự kiến là hoàn thành các dự thảo Nghị định trước kỳ họp Quốc hội sắp tới để Quốc hội có thể thảo luận về việc đẩy nhanh tổ chức triển khai Luật Đất đai trong thời gian tới.

Luật Đất đai lần này đã giải quyết rất nhiều vấn đề, từ tư duy tiếp cận liên quan đến cảnh quan, liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo tuyến đường, điểm kết nối giao thông cũng như bỏ khung giá đất và định giá đất của bảng giá đất theo giá thị trường; cùng với nguyên tắc về bồi thường, hỗ trợ tái định cư để tạo được kiện cho người dân có chỗ ở bằng hoặc mọi thứ tốt hơn so với trước đây; mở rộng hạn mức sử dụng đất và đối tượng sử dụng đất đối với cả chuyển nhượng đất nông nghiệp, rồi các quy định liên quan đến đất ở cho đồng bào dân tộc thiếu số và đất cho đồng bào là người Việt Nam định cư ở nước ngoài… Tất cả những quy định lần này của Luật Đất đai đều hướng tới việc tạo điều kiện thận lợi cho người dân cải cách thủ tục hành chính; nâng cao việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quá trình quản lý sử dụng đất để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tốt hơn, giảm bớt các giấy tờ thủ tục liên quan trong quá trình áp dụng Luật Đất đai kể cả về quy hoạch, kế hoạch, đăng ký đất đai và đưa các quy định về giao đất như là đấu giá, đấu thầu một cách minh mạnh để việc quản lý sử dụng đất được thực hiện tốt.

Tôi tin rằng Luật Đất đai khi đi vào cuộc sống sẽ hỗ trợ cho công tác quản lý đất đai, hỗ trợ cho việc thực hiện các thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp được tốt hơn. Tuy nhiên, đất đai là một lĩnh vực rất là phức tạp và nó luôn luôn thay đổi cùng với quá trình thay đổi của đất nước, biển động trên thế giới. Chính vì vậy, sẽ có nhiều “sản phẩm mới” được ra đời và nhiều nội dung liên quan đến công tác quản lý đất đai sẽ phát sinh trong thời gian tới và đòi hỏi công tác xây dựng luật, công tác tổ chức thi hành luật và công tác quản lý nhà nước liên quan đến cơ sở dữ liệu sử dụng đất cũng như liên quan đến thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện các điều khoản của Luật Đất đai sẽ luôn luôn cần phải đổi mới để mà thực hiện được tốt, giảm bớt thời gian, thủ tục và chi phí cho người dân để đất đai thực sự là nguồn lực có thể phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng được yêu cầu về nhà ở cho người dân.

PV: Xin trân trọng cảm ơn các khách mời!

Nhóm PV

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/bai-2-de-luat-dat-dai-nam-2024-nhanh-chong-di-vao-cuoc-song-663328.html