Bài 2: Còn những khó khăn, vướng mắc

Bên cạnh những ưu điểm vượt trội mà mô hình chi trả trợ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng qua hệ thống bưu điện đạt được, vẫn còn đó một số bất cập, hạn chế, khó khăn. Một số tỉnh, thành phố đang thực hiện thí điểm mô hình này vẫn lúng túng trong triển khai thực hiện. Nếu thực hiện mô hình này trong toàn quốc, rất cần khắc phục những hạn chế này.

Những hạn chế, bất cập

Theo đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, một số bất cập phát sinh trong quá triển khai mô hình chi trả mới có thể kể đến như: Trong thời gian đầu mới triển khai, nhân viên bưu điện chưa biết rõ đối tượng, không nắm được hết các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng để trả lời khi đối tượng có thắc mắc; việc chi trả của nhân viên bưu điện chưa gắn với việc tuyên truyền giải thích khi có thay đổi, điều chỉnh chế độ và các quy định mới về chính sách ưu đãi; theo quy định thời hạn giấy ủy quyền quá ngắn (3 tháng đối với trong nước và 6 tháng đối với ngoài nước) dẫn đến khó khăn đối với những đối tượng già yếu, thương tật, người đi làm ăn xa; hầu hết các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội mới bàn giao công tác chi trả trợ cấp hằng tháng, các khoản chi trả trợ cấp một lần vẫn do bên Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện dẫn đến khó khăn cho đối tượng hưởng phải đi lại nhiều nơi để nhận cấp và Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội phải bố trí nhân lực để thực hiện chi trả cũng như quản lý nội dung này…

Đồng quan điểm với đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng Lê Hoàng Điện cho biết, do không có kiến thức chuyên môn về quản lý đối tượng chính sách nên nhiều nhân viên bưu điện chưa hiểu sâu về đối tượng chính sách, chưa giải đáp kịp thời những thắc mắc của người có công trong quá trình chi trả tiền trợ cấp; sự phối hợp giữa nhân viên bưu điện và nhân viên Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội đôi lúc chưa sâu sát dẫn đến không nắm được sự tăng giảm của đối tượng người có công; thời hạn giấy ủy quyền quá ngắn gây bất lợi cho người có công trong quá trình gia hạn giấy ủy quyền…

 Hằng tháng, người có công đến Bưu điện nhận chế độ.

Hằng tháng, người có công đến Bưu điện nhận chế độ.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, nhân viên bưu điện xã Đông Viên, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn bày tỏ: “Quả thực, trong thời gian đầu triển khai mô hình chi trả trợ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng qua bưu điện những nhân viên như chúng tôi không tránh khỏi những bỡ ngỡ. Không phải là việc thực hiện chi trả như thế nào, vì chúng tôi đã quen với việc chi trả lương hưu nhưng khó nhất ở đây là, đa phần nhân viên bưu điện đều không nắm rõ các chính sách ưu đãi với người có công với cách mạng vì vậy khi có đối tượng hỏi, thắc mắc về chế độ chính sách thì chúng tôi bị lúng túng, không thể trả lời cho đối tượng, hoặc trả lời không thể đầy đủ, cặn kẽ như cán bộ Phòng Lao đông-Thương binh và Xã hội. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi đã được tham gia nhiều lớp tập huấn để tìm hiểu về các chính sách cũng như cách trả lời với đối tượng. Do chính sách ưu đãi với người có công luôn có những thay đổi để phù hợp với xã hội cũng như phục vụ tốt nhất cho người có công nên việc tập huấn không chỉ diễn ra một lần là có kết quả mà phải liên tục tham gia các lớp tập huấn”. Nhờ được bổ sung kiến thức, nhiều nhân viên bưu điện đã tự tin tư vấn, trả lời các thắc mắc của đối tượng, với những vấn đề khó, nhân viên bưu điện sẽ ghi lại câu hỏi và chuyển qua Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, phối hợp cùng cán bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trả lời thỏa đáng cho đối tượng.

Khó khăn với đồng bào vùng sâu, vùng xa

Không phải là những khó khăn từ cấp chính quyền, đại diện Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận lại nêu ra một khó khăn mà khá nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa gặp phải, đó là đa phần người có công là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ biết đọc, biết viết ít, số lượng người có công già yếu nhiều khiến công tác chi trả gặp nhiều khó khăn. Cùng gặp phải khó khăn này, chị Vũ Thị Thực, cán bộ bưu điện xã Đông Viên, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn cho biết, trên địa bàn xã, đối tượng người có công đa phần là người dân tộc Tày, vì vậy, nếu nhân viên chi trả không biết nói tiếng địa phương thì sẽ rất bất tiện, bởi nhiều người có công không biết giao tiếp bằng tiếng phổ thông. Rất may mắn, chị Thực lại là người dân tộc Tày nên có thể giao tiếp tốt bằng tiếng dân tộc với các đối tượng người có công. Nhờ thế, ngay khi có những thắc mắc của người có công, chị Thực có thể giải đáp, hướng dẫn.

 Tỷ lệ người hưởng hài lòng với việc nhận tiền trợ cấp ưu đãi người có công qua Bưu điện khá cao.

Tỷ lệ người hưởng hài lòng với việc nhận tiền trợ cấp ưu đãi người có công qua Bưu điện khá cao.

Một trong những vướng mắc được đại diện nhiều tỉnh, thành phố đang thực hiện thí điểm mô hình chi trả mới nhắc đến là thời hạn của giấy ủy quyền. Lý giải khó khăn này, ông Dương Bằng Giang, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn cho biết, thời hạn có giá trị của giấy ủy quyền là 3 tháng đối với trong nước và 6 tháng đối với ngoài nước là quá ngắn. Trong hội nghị sơ kết năm 2018, nhiều địa phương cũng đã nhắc đến vấn đề này và đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sửa đổi các văn bản quy định hiện hành để tăng thời hạn giấy ủy quyền, tạo điều kiện tốt nhất cho người có công. Cùng quan điểm này, ông Đồng Phúc Tương, xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn cho biết, việc giấy ủy quyền có thời hạn quá ngắn gây khó khăn cho nhiều đối tượng người có công như ông đi nhận trợ cấp. Bởi lẽ, nếu không đi đổi giấy ủy quyền khi hết thời hạn 3 tháng thì không thể nhờ người thân đi lấy trợ cấp được mà phải đích thân đi nhận trợ cấp dù gia đình có việc bận, hay bị ốm đau đột xuất. Ông Đồng Phúc Tương cho rằng, các bộ, ngành có liên quan nên tăng thời hạn giấy ủy quyền lên 1 năm đối với trong nước để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tượng chính sách.

Theo ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, các địa phương đã thực hiện điều tra lấy ý kiến người hưởng và đều có kết quả tỷ lệ người hưởng hài lòng với việc nhận tiền trợ cấp ưu đãi người có công qua Bưu điện khá cao, hầu hết đều đạt tỷ lệ từ 95% đến 100%. Đây là một trong những kết quả đáng khích lệ, động viên đội ngũ nhân viên bưu điện tiếp tục thực hiện công tác chi trả đặc biệt này. Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho rằng, với những hạn chế của mô hình chi trả mới mà các tỉnh, thành phố đã đề cập đến, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam sẽ có những phương án tháo gỡ, khắc phục, tăng cường đảm bảo chất lượng chi trả.

Rõ ràng những bất cập trong quá trình triển khai thí điểm mô hình chi trả mới là không tránh khỏi, tuy nhiên, nhiều bất cập được nêu ra trong năm 2018 đã được khắc phục phần nào trong năm 2019. Sau mỗi một hội nghị sơ kết, kết quả thực hiện được của mô hình chi trả mới năm sau đều cao hơn năm trước, với những bước phát triển nhảy vọt, khẳng định cho việc tạo tiền đề để mở rộng mô hình thí điểm này ra nhiều địa phương khác trong cả nước.

Bài, ảnh: VĂN PHONG - THU THỦY

Bài 3: Ứng dụng công nghệ 4.0 để phục vụ tốt nhất người có công

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bai-2-con-nhung-kho-khan-vuong-mac-606654