Bài 2: Cao ngựa bạch và lời cảnh tỉnh

SGTT.VN - Ngoài lấy xương để nấu cao, con ngựa bạch còn bị khai thác không sót thứ gì, từ thịt, da, phổi, móng chân, bào thai, pín... để bán với giá trên trời. Số lượng ngựa bạch ở nước ta vì thế chỉ còn chưa đến 500 con. Nếu không có biện pháp bảo vệ và phát triển đàn ngựa hữu hiệu, trong tương lai, có thể chúng ta sẽ không còn thấy con ngựa trắng nữa.

Chúng tôi được tận mắt chứng kiến màn giết, lột da, lóc thịt một con ngựa bạch tại cơ sở Hùng Bình (phường Chăm Mát, thành phố Hòa Bình), ngay trên đường, trước nhà hàng đặc sản ngựa của cơ sở. Người qua đường hiếu kỳ dừng lại xem. Nhiều người thốt lên: dã man quá! Ngay sau đó, thịt của con ngựa bạch xấu số được chế biến thành các món ăn đặc sản cho các “thượng đế” đang ngồi đợi trong nhà hàng. Xương thì được róc sạch thịt, sấy khô, rút tủy... và được bỏ vào nồi nấu cao trước sự chứng kiến của nhiều người. Đây chỉ là một trong nhiều chiêu thức quảng cáo về sản phẩm ngựa bạch của Hùng Bình. Trong làng cao ngựa bạch, người ta còn thấy nổi lên nhiều đại gia khác như CV – TP, T.H... nhờ những đợt quảng cáo rầm rộ. Người dân mù mờ về chất lượng cao nhưng thường bị “thôi miên” bởi những nhận xét của các nhà nghiên cứu, được các đại gia này khai thác triệt để, cũng như giá sản phẩm cao ngất ngưởng. Quan niệm “hàng tốt, giá cao” vẫn còn đánh lừa được nhiều người. Trên thị trường, sản phẩm cao ngựa của CV – TP được xem là “khủng nhất” với giá 2.800.000 đồng/100g; ngựa màu 1.950.000 đồng/100g. Ngoài cao, cơ sở này còn có hai sản phẩm khác có giá khá cao là phổi ngựa 2.500.000 đồng/kg, móng chân ngựa sấy khô: 1 triệu đồng/4 cái. Đứng sau đại gia này về giá là cao của công ty T.H: 2.100.000 đồng/100g chưa bao gồm VAT 10%. Dễ thở một chút là giá của công ty HTYVN: 1.200.000 đồng/100g. Đấy là giá bán cao ngựa của các đại gia, còn trên thị trường chợ đen, giá cao ngựa bạch thường không quá 500.000 đồng/100g, ngựa kim và ngựa màu 300.000 đồng/100g. Kết quả thẩm định của hội Chăn nuôi Việt Nam cho thấy cao ngựa bạch có hàm lượng protein trên 70%; lipid từ 2,6 – 7%; canxi 192 – 1519 mg%; phốtpho 29 – 420mg%, nhất là 17 loại amino axít không thể thay thế được bằng thức ăn thông thường. Ngoài các sản phẩm trên, con ngựa bạch còn được các cơ sở chế biến tận dụng không sót thứ gì, từ da (làm ví, dây lưng...) thịt chế biến thành món ăn liền hoặc làm xúc xích... Một hội viên của hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, nói, ở Việt Nam, chưa có một quy định nào về giá thực phẩm chức năng. Các công ty sản xuất và phân phối hầu như tự định đoạt giá của sản phẩm. Theo bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Lân Đính, nguyên giám đốc trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, thị trường Việt Nam hiện nay có rất nhiều loại cao xương ngựa không rõ nguồn gốc, không nhãn mác và không có hạn sử dụng. Bản chất của cao xương ngựa là một loại thực phẩm chức năng, vì vậy tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm phải được đặt lên hàng đầu. Ông khuyến cáo người dân nên lựa chọn cẩn thận để tránh hậu quả xấu. BS Hoàng Triều, ủy viên ban chấp hành Trung ương hội Chăn nuôi Việt Nam – chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Hội thú y Việt Nam – chỉ cách phân biệt đâu là cao ngựa bạch thật và giả. Cao thật phải có màu cánh gián (sẫm hay nhạt là do cách nấu của từng cơ sở), nếu miếng cao trong suốt thì không phải cao nguyên chất (chủ yếu là sáp ong), loại cao có nhiều hạt trắng là do người nấu chạy theo lợi nhuận nghiền bã xương đã nấu trộn vào cao. Ngoài đặc điểm màu cánh gián, mặt cao phải mịn, hơi bóng, cao càng khô độ bóng sẽ giảm. Cao xương ngựa nguyên chất nếu chưa đóng gói, bằng mắt thường không thể nhận biết từng loại được (kể cả người nấu). Chính vì lẽ đó mà người tiêu dùng phải tỉnh táo lựa chọn và đặt lòng tin đúng chỗ để mua được cao tốt, giá cả hợp lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Ngựa bạch thuộc động vật quý hiếm. Một số quốc gia xếp ngựa bạch vào danh sách cần được bảo vệ. Ở Việt Nam, chưa có quy định về việc bắt giữ người tàng trữ, mua bán trái phép ngựa, xương ngựa bạch hay cao ngựa bạch. Hoạt động kinh doanh, chế biến các sản phẩm ngựa bạch trong đó có cao ngựa bạch cũng ít được quan tâm quản lý. Vị bác sĩ này cũng thừa nhận, số lượng ngựa bạch của Việt Nam đang giảm đi nhanh chóng. Theo khảo sát của hội Chăn nuôi Việt Nam cùng với một số ban ngành chức năng, nước ta chỉ còn khoảng 500 con ngựa bạch, nếu không có biện pháp bảo vệ và phát triển đàn ngựa hữu hiệu, rồi đây, chúng ta sẽ không còn thấy con ngựa trắng nào nữa! GS.TS Hoàng Văn Tiệu, viện trưởng viện Chăn nuôi Việt Nam cũng ưu tư: nguồn kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu, bảo tồn gen ngựa bạch của nước ta có hạn, hiện chỉ có dự án trại ngựa Bá Vân (Thái Nguyên) bảo tồn 15 cá thể ngựa bạch và dự án bảo tồn 50 cá thể ngựa bạch tại xã Hữu Kiên (Lạng Sơn) tuy bước đầu đem lại hiệu quả nhất định, xong mới chỉ là giải pháp “chống hạn” mà thôi. GS.TS Tiệu cho rằng, số ngựa bạch mà các hộ dân ở Thái Nguyên, Bắc Giang mua về nuôi với mục đích thương mại không đáng bao nhiêu và thường xuyên dao động không ổn định. Phải chăng con ngựa bạch chưa được quan tâm đúng mức, ngoại trừ những người đang khai thác triệt để loài vật hiếm hoi này để trục lợi? Theo thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, cả cao ngựa bạch lẫn cao ngựa thường đều có tác dụng chữa đau nhức xương khớp, mạnh gân, cường cơ, phòng chống loãng xương, bồi bổ cơ thể... Theo y lý truyền thống, cao ngựa bạch có tác dụng tốt hơn hẳn ngựa thường. Đó rất có thể do cấu trúc thành phần vi chất, khoáng chất trong xương ngựa bạch khác xương ngựa thường. Dù thế, cao ngựa bạch vẫn chỉ là loại thực phẩm chức năng không thay thế được thuốc chữa bệnh.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/thoi-su/152172/bai-2-cao-ngua-bach-va-loi-canh-tinh.html