Bài 2: Bộ Công Thương nỗ lực 'xây nền chính sách' cho phát triển cụm công nghiệp

Trên cơ sở chủ trương, Nghị quyết của Đảng, là đơn vị trực tiếp quản lý, Bộ Công Thương kịp thời điều chỉnh, ban hành chính sách cho phát triển cụm công nghiệp.

Bám sát chủ trương, tạo cơ chế tốt, đồng bộ trong thực hiện

Quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được Lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện qua nhiều thời kỳ. Trong đó, công tác xây dựng cơ chế chính sách tạo nền tảng và định hướng cho phát triển CCN phù hợp với từng bối cảnh phát triển của nền kinh tế được sát sao thực hiện.

Nhìn lại hành trình dài phát triển CCN, trước ngày 19/8/2009, chưa có văn bản quy phạm pháp luật cấp Trung ương quy định chung về công tác quản lý đối với CCN. Việc quản lý CCN, từ công tác quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng đến quản lý sau đầu tư các CCN là do tỉnh/thành phố quy định riêng. Thực tiễn quản lý CCN đó dẫn đến phát triển CCN tại các địa phương mang nặng tính tự phát, theo phong trào, mỗi nơi mỗi kiểu, thiếu tính định hướng,… Giai đoạn này, trên cả nước đã hình thành các khu, cụm, điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (gọi chung là CCN) do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt, cho phép đầu tư.

Đến cuối năm 2007, Bộ Công Thương được Chính phủ giao nhiệm vụ “quản lý các cụm điểm công nghiệp ở cấp huyện; Sở Công Thương có chức năng nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý CCN và điểm công nghiệp trên địa bàn”.

Ngày 19/8/2009, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg về quy chế quản lý CCN. Từ đây, khái niệm về CCN đến các quy định về quản lý CCN được thống nhất trên phạm vi cả nước và đã tạo ra khung pháp lý thống nhất quản lý CCN từ Trung ương đến các địa phương; làm cơ sở cho các cơ quan quản lý, chủ đầu tư hạ tầng và các đơn vị liên quan chấp hành đúng chủ trương, quy định của nhà nước về phát triển CCN.

Sau đó, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý như: Thông tư số 39/2009/TT-BCT ngày 28/12/2009 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009; Thông tư liên tịch số 31/2012/TTLT-BCT-BKHĐT ngày 10/10/2012 của liên Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch & Đầu tư hướng dẫn xử lý CCN hình thành trước khi Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg có hiệu lực; Thông tư số 17/2016/TT-BCT ngày 30/8/2016 sửa đổi, bổ sung Điều 10 của Thông tư số 31/2012/TTLT-BCT-BKHĐT.

Trên cơ sở đó, công tác quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng và quản lý hoạt động của CCN ngày càng được các địa phương nhận thức một cách đúng mức, tổ chức thực hiện theo trình tự, quy định của pháp luật; hạn chế việc phát triển CCN tự phát, thiếu quy hoạch như trước đây.

Tiếp đến là Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN (Nghị định 68) và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN (Nghị định 66)… cùng đó là những thông tư hướng dẫn. Hiện Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển CCN cũng đã được Chính phủ ký ban hành và đang được Bộ Công Thương thực hiện các khâu tiếp theo để phổ biến và đưa Nghị định vào thực tiễn.

Bộ Công Thương nỗ lực "xây nền" cho phát triển cụm công nghiệp

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã hoàn thành xây dựng hồ sơ Báo cáo đề xuất chủ trương Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN từ ngân sách Trung ương giai đoạn đến năm 2025, trình Thủ tướng Chính phủ.

Về việc phối hợp với các địa phương trong công tác xây dựng, quản lý, phát triển CCN, Bộ Công Thương cũng đã rất chủ động. Trong đó, năm 2023 Bộ đã có ý kiến đối với Phương án phát triển CCN giai đoạn 2021-2030 (thuộc quy hoạch tỉnh) của trên 50 tỉnh, thành phố; đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch CCN của 8 tỉnh, thành phố Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Đăk Lăk, Bến Tre, Tiền Giang.

Ban hành 15 văn bản trả lời các kiến nghị của các địa phương, cơ quan, đơn vị hải quan đến quản lý, phát triển CCN (Đồng Nai, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Vĩnh Long, Ninh Bình, Hải Phòng, Bình Thuận, Tuyên Quang, Kon Tum, Sóc Trăng…)

Đồng thời, tổ chức đoàn kiểm tra, khảo sát công tác quản lý, phát triển CCN tại một số tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thái Bình, Hà Nam, Cao Bằng, Bắc Kạn, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Kon Tum, Quảng Ngãi, Đắk Lắk; tổ chức thành công 2 Hội nghị về cơ chế, chính sách phát triển CCN tại tỉnh Nam Định và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm trao đổi, thảo luận, lấy ý kiến về những khó khăn, vướng mắc, giải pháp quản lý, phát triển CCN…

Cộng sức cùng Bộ Công Thương, các địa phương cũng đã rất chủ động thực hiện nhiệm vụ trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch CCN; thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo thống kê CCN; ban hành và thực hiện quy chế quản lý CCN trên địa bàn tỉnh.

Riêng về ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với CCN, đến hết năm 2023 có 42/63 địa phương đã ban hành, thực hiện chính sách hỗ trợ CCN; trong đó có 12 địa phương ban hành Chương trình Nghị quyết hỗ trợ riêng đối với CCN giai đoạn đến năm 2025 gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hòa Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Quảng Trị, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Phước, Đồng Tháp và Bến Tre.

Như vậy có thể thấy, quản lý, phát triển CCN được cả hệ thống từ Bộ Công Thương tới các địa phương quan tâm triển khai thực hiện. Ở tầm vĩ mô, Bộ Công Thương thực hiện rất tốt công tác “xây nền” chính sách giúp các địa phương có “kim chỉ nam” triển khai thực hiện giúp các CCN phát triển theo đúng xu hướng.

Ở cấp độ địa phương, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương, các địa phương nhìn chung thực hiện công tác quản lý, đầu tư phát triển CCN theo trình tự, quy định của pháp luật. Trong đó, đã rà soát sửa đổi, bổ sung quy chế quản lý CCN trên địa bàn cho phù hợp quy định; rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN đáp ứng nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn; chất lượng bổ sung, thành lập mới các CCN đã được nâng lên rõ rệt (xuất phát từ nhu cầu thực tế sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đối với các CCN thành mới đã cơ bản thu hút được các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng).

Đặc biệt, công tác bảo vệ môi trường tại các CCN có cải thiện hơn so với năm trước, tỷ lệ các CCN hoạt động có công trình xử lý nước thải năm 2023 tăng lên so cùng kỳ năm trước từ 24,4% lên 30,6%.

Còn đó những vướng mắc khó giải

Dù đã đạt được những đóng góp quan trọng trong phát triển công nghiệp nói chung, CNNT nói riêng, tuy nhiên theo phản ánh của nhiều địa phương công tác quản lý phát triển CCN hiện còn gặp nhiều vướng mắc. Đáng kể nhất là sự chồng chéo trong các văn bản chính sách.

Phát triển cụm công nghiệp được các địa phương coi như một yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy cho tiến trình công nghiệp hóa nông thôn

Trong báo cáo về CCN năm 2023, Bộ Công Thương chỉ ra, Nghị định số 68 quy định chặt chẽ điều kiện, hồ sơ, thủ tục thành lập, mở rộng CCN; đồng thời cũng quy định dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN phù hợp với nội dung Báo cáo đầu tư thành lập, mở rộng CCN, quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt thì không phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư để giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này gặp vướng mắc vì Luật đầu tư năm 2020 quy định dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN thuộc đối tượng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.

Cùng đó, các CCN do đơn vị nhà nước làm chủ đầu tư đang không thể cho các dự án thứ cấp thuê đất đầu tư trong CCN theo quy định của Luật Đất đai 2013 (khoản 2 Điều 149).

Nhiều tỉnh, thành phố đang gặp khó trong việc xử lý chuyển giao các CCN do đơn vị nhà nước làm chủ đầu tư, đã đầu tư một phần hoặc toàn bộ từ ngân sách nhà nước sang doanh nghiệp làm chủ đầu tư do chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể.

Về phương án phát triển CCN thuộc quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030: Tiến độ xây dựng, hoàn thiện quy hoạch tỉnh (trong đó có phương án phát triển CCN) tại một số địa phương chậm. Một số địa phương có quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt nhưng danh mục CCN chưa đầy đủ theo quy định Nghị định số 66, như: Hải Dương, Hải Phòng có danh mục quy hoạch CCN không thể hiện cụ thể diện tích từng CCN; Bình Phước, Thái Nguyên quy hoạch CCN bị chồng lấn với quy hoạch khoáng sản.

Việc đầu tư xây dựng hạ tầng CCN, đặc biệt là hệ thống xử lý môi trường, thu hút đầu tư vào cụm tại một số địa phương chậm, nhất là các CCN do nhà nước làm chủ đầu tư và các CCN thuộc tỉnh, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Cùng đó, tại một số địa phương, như: Hà Nội, Nam Định, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Yên... vẫn còn có bất cập, hạn chế như: Chưa tổ chức thực hiện đầy du các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, phỏng cháy chữa cháy... trong đầu tư phát triển các CCN trên địa bàn.

Dù được ghi nhận tích cực nhưng sự phát triển của các CCN hiện chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế, nhất là với xu hướng xanh, bền vững trong sản xuất công nghiệp. Hiện Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển CCN cũng đã được Chính phủ ký ban hành và đang được Bộ Công Thương thực hiện các khâu tiếp theo để phổ biến và đưa Nghị định vào thực tiễn. Liệu đây có phải là "cây gậy thần" cho phát triển cụm công nghiệp trong thời gian tới?

Bài 3: Nghị định 32 và những thay đổi mang tính bước ngoặt cho phát triển cụm công nghiệp

Hải Linh - Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-2-bo-cong-thuong-no-luc-xay-nen-chinh-sach-cho-phat-trien-cum-cong-nghiep-315062.html