Bài 1: Từ chuẩn bị lực lượng đến khai mở kế hoạch Navarre

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử cách đây 70 năm có sự đóng góp không nhỏ của ngành Tình báo quốc phòng.

Theo cuốn hồi ký “Những ký ức không bao giờ quên” của Thiếu tướng Cao Pha – một vị tướng có nhiều đóng góp cho công tác tình báo trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, sau Chiến dịch Biên Giới (1950), ngành Tình báo quốc phòng có sự phát triển mạnh với hai cơ quan: Nha liên lạc - bí danh của đơn vị Điệp báo chiến lược do đồng chí Trần Hiệu làm Giám đốc, trực thuộc Chính phủ và Cục Quân báo thuộc Bộ Tổng Tham mưu do đồng chí Lê Trọng Nghĩa làm Cục trưởng, đồng chí Cao Pha làm Cục phó.

Tích cực luyện rèn, thực hành mưu trí

Khi được cử đi học ở Trung Quốc và được gặp Bác Hồ, đồng chí Cao Pha đã được Bác dặn phải giữ bí mật khi đi học tình báo và phải học thật tốt để về làm việc. Bác dặn thêm đồng chí phải chú ý đến học nghiệp vụ, chính trị, cũng như phải nắm chắc tình hình và ý định của địch. Tuy nhiên, việc đi học Trung Quốc của đồng chí Cao Pha sau đó đã hoãn lại.

Vào thời điểm này, lực lượng thu thập thông tin tình báo phục vụ các chiến dịch đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thường xuyên được Bộ Tổng Tư lệnh khen ngợi. Trình độ cán bộ quân báo từ trên Cục xuống cấp liên khu, đại đoàn, trung đoàn được nâng cao qua rèn luyện thử thách, các phương thức tổ chức nắm địch ngày càng tốt hơn với sự hỗ trợ của bạn. Đội ngũ cán bộ hoạt động đã trưởng thành, có nhiều kinh nghiệm và rất sáng tạo trong quá trình chiến đấu.

Đoàn cán bộ tham mưu Liên khu 5 trên đường ra Việt Bắc dự Hội nghị Tình báo, năm 1951. Ảnh: Tư liệu TC II

Sau mỗi chiến dịch lớn, Quân ủy tổ chức tổng kết, tập trung các cán bộ từ cấp trung đoàn trở lên về dự, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm rất thiết thực để vận dụng cho các chiến dịch tiếp theo.

Trong hội nghị tổng kết về Chiến dịch Tây Bắc năm 1952, công tác quân báo nắm địch khá vững chắc; có nhiều đội trinh sát đặc nhiệm thọc sâu vào hậu phương địch, như đội của đồng chí Nguyễn Việt đã vượt sông Hồng, vừa đi vừa xây dựng cơ sở đến sát tận Nà Sản; đội của đồng chí Cao Quang tiến vào Tạ Khoa; đội của đồng chí Nguyễn Văn Mậu tiến vào Vạn Yên và đặc biệt cán bộ bình địa Thái Tấn độc lập đi sâu vào địa bàn Nghĩa Lộ bị đói khát, ngất xỉu giữa rừng phải tranh cướp thức ăn với chó sói, nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tại Nà Sản, lần đầu tiên lực lượng Quân báo trinh sát gặp phải một tập đoàn cứ điểm của địch. Chúng tập trung lực lượng rút chạy từ các hướng về và tăng thêm lực lượng cơ động từ đồng bằng lên co cụm tại Nà Sản để đối phó trước sức tiến công của ta. Tuy nhiên, lúc này, cơ quan quân báo chiến dịch và cơ quan quân báo cấp dưới lại nhận định tình hình địch chưa thực sự sát; do đó, khi tiến công địch, bộ đội ta bị nhiều thương vong.

Cũng tại hội nghị tổng kết chiến dịch Tây Bắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khen ngợi những thành tích của công tác quân báo, đồng thời nghiêm túc rút kinh nghiệm một số điểm hạn chế trong công tác nắm tình hình địch tại Nà Sản.

Năm 1953, sau khi địch rút khỏi Nà Sản, theo chỉ thị của đồng chí Hoàng Văn Thái, Cục Quân báo lên nghiên cứu thực địa để đắp sa bàn cứ điểm Nà Sản tại Bộ Tổng Tham mưu. Bộ triệu tập cán bộ tham mưu cùng các đồng chí cố vấn Trung Quốc nghiên cứu đặc điểm bố trí tập đoàn cứ điểm, rút ra những điểm mạnh, yếu, đề xuất hai cách đánh: Một là đánh chắc, tiến chắc, “bóc vỏ” từng bước; hai là đánh nhanh, giải quyết nhanh, thọc sâu vào tung thâm, tiêu diệt sở chỉ huy của địch, chiếm sân bay, điểm yếu chí tử của tập đoàn.

Sau những thắng lợi ở các chiến dịch Biên Giới, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, một thế trận mới hình thành trên miền Bắc Đông Dương gây bất lợi cho Pháp và cả Mỹ: Đó là đồng bằng Bắc Bộ - “cái then cửa” của vùng Đông Nam Á trong chiến lược “ngăn chặn cộng sản” ở khu vực này đã hở sườn và bị vu hồi từ phía Tây. Trước tình hình ấy, đầu tháng 5-1953, Chính phủ Pháp cử tướng Henri Navarre sang Đông Dương để tìm cách cứu vãn tình thế nhằm chuyển bại thành thắng, giành thắng lợi quyết định toàn cuộc. Báo chí Pháp và phương Tây đã tuyên truyền rầm rộ và ầm ĩ về tin tức này. Navarre là ai? Kế hoạch của y như thế nào? Đây là hai câu hỏi buộc tình báo của ta phải trả lời được trong thời gian sớm nhất.

Tìm hiểu về Henri Navarre không khó, vì báo chí công khai của Pháp và phương Tây có rất nhiều bài viết về viên tướng này. Ông ta là một viên tướng tham mưu trẻ, từng phụ trách công tác tình báo, có tài năng và chưa từng đến Đông Dương lần nào. Quân ta cơ bản đã nắm đầy đủ thông tin về tướng Navarre; tuy nhiên, Kế hoạch Navarre mới là điều bí ẩn không dễ dàng tìm hiểu ngay được.

Kế hoạch Navarre đã không còn là bí mật

Bốn tháng sau khi tướng Navarre nhậm chức, qua tổng hợp, phân tích từ nhiều nguồn tin, vào trung tuần tháng 9-1953, lực lượng tình báo của ta đã nắm được những điểm cơ bản trong Kế hoạch Navarre, gồm 2 bước, cụ thể:

Bước 1: Trong giai đoạn Đông-Xuân 1953-1954, quân đội Pháp giữ thế phòng ngự chiến lược tại miền Bắc Việt Nam, thực hiện tiến công chiến lược ở miền Nam...

Bước 2: Từ Thu-Đông năm 1954, tập trung toàn bộ lực lượng, quyết chiến với chủ lực Việt Minh trên chiến trường miền Bắc Việt Nam, giành thắng lợi quyết định, kết thúc chiến tranh.

Kế hoạch dựa trên nỗ lực cao nhất của chính phủ Pháp và viện trợ lớn nhất của Mỹ, với số quân đông nhất, khối cơ động chiến lược mạnh nhất và số phương tiện chiến tranh nhiều nhất nhằm đưa quân Pháp giành quyền chủ động trên chiến trường.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước họp bàn kế hoạch mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu: TTXVN

Điệp báo chiến lược của ta đã thu thập được những tài liệu rất quý giá. Đó là kế hoạch của cuộc hành binh Atlante trong Kế hoạch Navarre nhằm đánh Liên khu 5 để thực hiện bước 1 của kế hoạch: “Tiến công ở miền Nam và phòng ngự ở miền Bắc”. Ban điệp báo Trị Thiên, do đồng chí Nguyễn Cảnh Xuân phụ trách cơ sở đi sâu Nguyễn Xuân Hòe, đã lấy được bản kế hoạch của cuộc hành binh Atlante đánh chiếm Quảng Ngãi, Bình Định.

Đồng thời, Ban điệp báo ở Nha Trang do đồng chí Thi phụ trách có cơ sở đi sâu vào Bộ Tham mưu địch lấy được phần kế hoạch Atlante đánh ra Phú Yên, do vợ chồng anh Kiều Xuân Cự chuyển về. Nhờ việc sớm nắm được đầy đủ kế hoạch Atlanta nên Bộ chỉ huy Liên khu 5 đã kiên trì thực hiện phương châm chiến lược do Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đề ra là “Phải tích cực và mạnh bạo phát triển vào Tây Nguyên, trước hết là phía Bắc, đồng thời tiếp tục củng cố vùng tự do hiện nay”.

Sau khi đập tan cuộc hành binh Hải Âu (Mouette) đánh ra Ninh Bình của địch, ngày 15-11-1953, lực lượng bộ đội chủ lực của ta theo kế hoạch tác chiến tiến lên Tây Bắc. Navarre vội đưa quân lên Điện Biên Phủ để bảo vệ Lai Châu và Thượng Lào.

Điện Biên Phủ được địch nhanh chóng xây dựng thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Như vậy, Điện Biên Phủ trở thành tâm điểm của Kế hoạch Navarre và được coi là “pháo đài bất khả xâm phạm”, “con nhím khổng lồ giữa núi rừng Tây Bắc” mà Navarre tự tin rằng sẽ “nghiền nát chủ lực Việt Minh” ở thung lũng Mường Thanh.

Tất cả những tin tức đó là cơ sở để Bộ Tổng Tham mưu hoạch định kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954, trình Quân ủy Trung ương báo cáo với Bộ Chính trị. Tại Hội nghị ở Tỉn Keo, Bác Hồ diễn đạt một cách kỳ diệu tư tưởng chỉ đạo tác chiến Đông-Xuân. Bác đã nắm chặt bàn tay rồi xòe ra và nói: “Địch tập trung lực lượng để giữ Đồng bằng Bắc Bộ, ta bắt nó phân tán ra các hướng để tiêu diệt”. Năm ngón tay Bác xòe ra ngẫu nhiên trùng hợp với năm đòn tiến công của quân ta sau này ở các hướng Tây Bắc, Trung Lào, Hạ Lào - Đông Miên, Tây Nguyên và ở vùng sau lưng địch.

(Còn nữa)

QUỲNH OANH - ĐỨC QUANG (Theo Hồi ký “Những ký ức không bao giờ quên” của Thiếu tướng Cao Pha, nguyên Phó tư lệnh Binh chủng Đặc công, nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, tư liệu của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, và tư liệu TC II)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.

Theo www.qdnd.vn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-1-tu-chuan-bi-luc-luong-den-khai-mo-ke-hoach-navarre-318469.html