Bài 1: Thi đua là đoàn kết, thi đua là yêu nước

TS. Chu Đức Tính - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí MinhLTS: 75 năm qua, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng.

Phong trào phụ nữ "Ba đảm đang" tạo ra khí thế thi đua sôi nổi ở miền Bắc. Ảnh: TTXVN

Nhìn lại chặng đường 75 năm qua, có thể thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra vai trò, ý nghĩa, tác dụng của việc tổ chức thi đua. Người đã vận dụng quan điểm về tổ chức thi đua của V.I. Lênin một cách hết sức linh hoạt vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam lúc bấy giờ.

Nhân lên sức mạnh dân tộc

Theo Lênin, “Chủ nghĩa xã hội lần đầu tiên đã tạo ra khả năng áp dụng thi đua một cách rộng rãi, với quy mô thật sự to lớn, tạo ra khả năng thu hút thật sự đa số nhân dân lao động vào vũ đài hoạt động khiến họ có thể tỏ rõ bản lĩnh, dốc hết năng lực của mình, phát hiện những tài năng mà nhân dân sẵn có… chỉ có ngày nay mới có điều kiện cho tính tháo vát, tinh thần thi đua, óc sáng kiến mạnh dạn phát huy rộng rãi trên quy mô thật sự to lớn”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ đầu đã xác định rõ: thi đua là một tất yếu khách quan dưới chế độ xã hội mới; thi đua chính là đoàn kết; với thực tiễn đất nước ta là đa dân tộc, với rất nhiều thành phần giai cấp, tầng lớp khác nhau, phong trào thi đua “đã làm phát triển tinh thần đoàn kết giữa các tầng lớp nhân dân”. “Thi đua còn là yêu nước một cách thiết thực và tích cực”, làm cho mọi người ra sức phát huy tinh thần và sức lực của mình để cống hiến cho đất nước. Nếu mỗi người đều thi đua và cố gắng tăng năng suất của mình lên gấp đôi thì “Lực lượng của ta về mọi mặt đều tăng lên gấp đôi. Ta sẽ diệt giặc được gấp đôi, thắng lợi gấp đôi. Kết quả là kháng chiến sẽ thắng lợi gấp đôi, kiến quốc sẽ thành công gấp đôi”.

Chính vì vậy, ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945, khi Nhà nước Việt Nam mới thành lập, đối diện với nhiều khó khăn, thách thức: nền kinh tế bị đình đốn trong chiến tranh, tài chính đất nước kiệt quệ, nạn đói; trình độ dân trí thấp kém; chủ nghĩa đế quốc và phản động bao vây đe dọa... Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng và Chính phủ kêu gọi, động viên toàn dân tham gia chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Người đã phát động phong trào Hũ gạo cứu đói, Chống nạn thất học. Người ra Sắc lệnh số 84b, số 58 để tuyên dương, khen thưởng kịp thời những người có công. Người ký Sắc lệnh số 195 ngày 1.6.1948 thành lập Ban vận động thi đua các cấp, gửi thư tới ông Hoàng Đạo Thúy đề nghị ông làm Tổng thư ký Ban Thi đua Trung ương, gửi thư tới cụ Tôn Đức Thắng - Trưởng ban Trung ương vận động thi đua ái quốc trao đổi một cách cụ thể về việc cần huấn luyện cán bộ cho phong trào thi đua ái quốc cũng như về công tác khen thưởng.

Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn gay go ác liệt, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng đã ra chỉ thị “Phát động phong trào thi đua ái quốc” vào ngày 27.3.1948. Chỉ thị nêu rõ: mục đích của thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công. Sau đó, Người đã viết Lời kêu gọi thi đua yêu nước, kêu gọi “Sĩ, nông, công, thương, gái, trai, già, trẻ toàn quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì phải ra sức tham gia cuộc thi đua yêu nước; như thế thì: kháng chiến nhất định thắng lợi; kiến quốc nhất định thành công”.

Tiếp đó, ngày 11.6.1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, trong đó Người khẳng định rõ mục đích, cách làm của thi đua ái quốc, đồng thời động viên mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa...

Ngày 18.6.1948, Ban Vận động Thi đua ái quốc đã chính thức ra bản hiệu triệu quốc dân với khẩu hiệu: “Làm cho nhanh, làm cho tốt, làm cho nhiều” và mong muốn mọi người đều có thể góp sức vào việc cứu nước.

Nhiều hình thức thi đua phong phú

Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, với tinh thần “ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương”, phong trào thi đua với nhiều hình thức, chiến sĩ ở mặt trận “Thi đua diệt giặc lập công”, đồng bào ở hậu phương “Thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm”… lôi cuốn đồng bào, chiến sĩ cả nước “người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua” thúc đẩy sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc không ngừng phát triển, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Sau năm 1954, phong trào thi đua yêu nước hướng vào thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thời kỳ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Nhà nước ta tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh công tác thi đua, coi trọng xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến nhằm tạo ra động lực mới trong học tập, lao động, sản xuất và chiến đấu…

Người luôn nhắc nhở: “Toàn thể đồng bào miền Bắc phải luôn luôn nhớ rằng: trong lúc chúng ta đang sinh hoạt và xây dựng trong hòa bình, thì đồng bào miền Nam ta đang hy sinh, anh dũng chiến đấu chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Vì vậy, mỗi người chúng ta phải làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt”.

Với tinh thần đó, các phong trào thi đua yêu nước đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp ở tất cả các ngành, các giới; ở miền Bắc có phong trào “Ba sẵn sàng” trong thanh niên, “Ba đảm đang” của phụ nữ, “Ba quyết tâm” trong giới trí thức… Ở miền Nam, các phong trào “Thi đua ấp Bắc, giết giặc lập công”, “Thi đua yêu nước chống Mỹ” khẩu hiệu như: “Bám đất giữ làng”; “Một tấc không đi, một ly không dời”, “Giết giặc lập công”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”… cũng phát triển rộng khắp.

Từ đó, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu góp phần động viên mỗi người nỗ lực thi đua thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa làm chỗ dựa vững chắc cho tiền tuyến miền Nam; đưa kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thời kỳ đổi mới,Đảng và Nhà nước không ngừng đổi mới công tác thi đua khen thưởng, hướng đến thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với tinh thần “Tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”, nhiều phong trào thi đua được phát động và thực hiện hiệu quả như: “Xóa đói giảm nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Thi đua quyết thắng”, “Vì nước quên thân vì dân phục vụ”,“Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “5 xung kích, 4 đồng hành”, “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “5 không 3 sạch”, “Vì Trường Sa thân yêu”, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...

Hiện nay, nhân dân cả nước tập trung triển khai và thực hiện hiệu quả ba phong trào lớn: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”...

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/bai-1-thi-dua-la-doan-ket-thi-dua-la-yeu-nuoc-i332001/