Bài 1: Phá vỡ cấu trúc truyền thống

Lời tòa soạn: Không đứng ngoài dòng chảy giao thoa trong xu thế mở cửa, tiếp nhận và dung nạp ảnh hưởng của các nền văn hóa khác, kiến trúc Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn - làm sao hội nhập, phát triển mà không hòa tan.

Toàn cầu hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa là ba yếu tố căn bản tạo nên sự chuyển dịch mạnh mẽ của văn hóa, trong đó có kiến trúc nhưng đồng thời cũng làm nảy sinh những tác động tiêu cực tới giá trị kiến trúc truyền thống.

Đô thị chuyển dịch thẳng đứng

Văn hóa hiện đại được định hình và dẫn dắt bởi ba xung lực: Toàn cầu hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. Sự chuyển dịch theo phương thẳng đứng là một biểu hiện rõ nét nhất của văn hóa hiện đại dưới tác động của ba xung lực trên. Theo đó, cộng đồng ngày một vươn lên cao khỏi mặt đất, khi các đô thị trở nên đông đúc, dân số tăng nhanh hơn tốc độ mở rộng, vượt quá khả năng dung nạp.

Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS. Hoàng Thúc Hào đã chỉ ra điều này tại hội thảo “Vai trò kiến trúc với phát triển bền vững văn hóa - kinh tế - xã hội” mới đây.

Bộ mặt đô thị Việt Nam đang có rất nhiều biến đổi - Nguồn: kienviet.net

KTS. Hoàng Thúc Hào dẫn chứng ở Hà Nội, những năm 1990 và 2000, chung cư cao nhất chỉ 15 - 20 tầng, đến những năm 2010 là 30 - 35 tầng và đến thời điểm cuối năm 2022 lên tới 40 - 50 tầng. Cuộc ganh đua về độ cao trong đô thị chưa có dấu hiệu suy giảm, các công trình xây sau thường phải cao hơn những tòa nhà trước đó. Ngoài vươn cao, các tòa nhà còn xây chen khiến mật độ xây dựng, mật độ cư trú tăng nhiều lần; không gian xanh và hạ tầng thiếu, môi trường đô thị ngột ngạt, ô nhiễm…

Không riêng Hà Nội, ở nhiều đô thị trên khắp cả nước, để đáp ứng nhu cầu về nhà ở ngày một bức thiết của lượng cư dân lớn, cùng với sự phát triển kinh tế ngày càng năng động, các công trình cầu, đường liên tục được xây mới, xây thêm, các khu đô thị hiện đại và những tòa nhà chung cư mọc lên nhanh. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự hiện diện của bản sắc kiến trúc dân tộc ở nhiều thành phố lớn.

Biến đổi cảnh quan làng

Kiến trúc, cảnh quan các làng quê cũng khác trước rất nhiều. Ở nhiều tỉnh, thành phố, không còn lũy tre xanh bao bọc, bảo vệ làng như trước. Đình làng, ngõ xóm được bê tông hóa toàn bộ thay cho những con đường lát gạch xưa kia. Ao, giếng làng bị san lấp hoặc nếu còn giữ, công năng sử dụng không như cũ.

Chưa kể, kiến trúc nhà dân hầu như bị nhuốm màu thành thị, chỉ còn lại số ít những ngôi nhà ba gian, năm gian truyền thống. Các biểu tượng như cây đa, giếng nước, sân đình, ao làng… từng làm nên hình ảnh đậm chất thôn quê Việt Nam đang dần bị xóa bỏ, thay thế bằng những công trình lớn, nhà cao tầng, nhà xây dựng theo kiểu nhà ống, chia lô, kiến trúc rập khuôn.

Đã có không ít nghiên cứu chỉ ra rằng tốc độ đô thị hóa, hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ dẫn đến nguy cơ xâm hại không gian, kiến trúc, cảnh quan đối với nhiều làng Việt hiện nay. KTS Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, nhận định: “Việc cải thiện, xây dựng cơ sở hạ tầng trong làng truyền thống, thay thế đường gạch vỉa nghiêng bằng đường bê tông, xây mới các kiến trúc cao tầng xen lẫn hay thay thế các ngôi nhà cổ, bê tông hóa kiến trúc, thu hẹp các không gian xanh, mặt nước… đã phá vỡ cấu trúc và cảnh quan không gian làng”.

Nhà mới phá vỡ khung cảnh truyền thống tại làng Cự Đà, Thanh Oai,
Hà Nội - Nguồn: tapchikientruc.com.vn

Đứt gãy truyền thống và hiện đại

Nhìn vào thực tế một số đô thị nổi tiếng về cảnh quan thơ mộng và kiến trúc đẹp ở Việt Nam cũng đang trong tình trạng biến đổi mạnh mẽ, KTS. Hoàng Thúc Hào dẫn chứng ở Đà Lạt, Lâm Đồng hay Sa Pa, Lào Cai giờ đã bị bê tông hóa trên 80%. Mặt biển Quảng Ninh bị san lấp, quy hoạch phân lô, vây hãm các đảo đá vôi. Bờ biển ở Đà Nẵng và Nha Trang bị “resort hóa”, “khách sạn hóa”, ngăn người dân từ phố bước ra dạo biển…

KTS Hoàng Thúc Hào thẳng thắn nhận định, đó chính là sự phá hủy nhân danh phát triển. Là sự phát triển chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt mà bỏ qua lợi ích lâu dài, lợi ích của toàn thể cộng đồng. Sửa chữa các sai lầm này mất nhiều thời gian, công sức và thậm chí không thể khôi phục những giá trị từng có.

“Nhìn lại sự phát triển của kiến trúc hơn 20 năm qua, có thể thấy những vấn đề tiêu cực biểu hiện trong kiến trúc nông thôn, bảo tồn di sản đô thị, phát triển nhà ở đô thị, cảnh quan đô thị… Dễ dàng nhận thấy yếu tố bản sắc - vốn được tích lũy bao năm, từng có vị trí và thành tựu đáng kể, chưa được phát huy trong xã hội hiện đại, thậm chí nảy sinh đứt gãy, biến dạng giữa truyền thống và hiện đại”, KTS. Hoàng Thúc Hào nói.

Cùng trăn trở về bức tranh kiến trúc Việt Nam, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn bày tỏ: “Kiến trúc truyền thống đang phải đối mặt với những áp lực bị xóa phẳng để nhô ra những đô thị mới, chung cư mới, thành phố mới của người Việt và xã hội Việt Nam đương đại. Những yêu cầu thiết kế mới thiếu tính đồng bộ, tùy tiện, không khoa học, không tuân thủ nguyên lý thiết kế quy hoạch và thiết kế công trình. Bởi vậy, kiến trúc Việt không thể hiện được bản sắc văn hóa của người Việt. Kiến trúc bước vội theo thị trường, pha tạp và lai căng, không phù hợp với từng thành phố, từng vùng miền trong cả nước”.

Thái Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/bai-1-pha-vo-cau-truc-truyen-thong-i325988/