Bài 1: Mạng ảo, hậu quả thật

Những năm qua Đà Nẵng luôn dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và được ứng dụng rộng rãi nhiều mặt từ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của TP đang gặp thách thức lớn bởi vấn đề an ninh mạng và các hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng (tội phạm mạng). Đấu tranh phòng, chống loại tội phạm phi truyền thống này là hành trình gian nan, cam go, cần chung sức đồng lòng của mọi người, vì một Đà Nẵng an toàn để phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Bắt nhóm đối tượng Võ Trần Đình Dương dùng súng bắn người đi đường.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại nhiều tiện ích phát triển kinh tế, đời sống nhưng cũng là môi trường mới để tội phạm lợi dụng hoạt động phi pháp, để lại nhiều hậu quả nặng nề, gây bất an cho người dân.

Nhức nhối tội phạm mạng

Thượng tá Nguyễn Đức Thành- Phó trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (ANM) Công an TP Đà Nẵng cho biết, trong khoảng 1 năm qua tại Đà Nẵng có hơn 12 ngàn lượt tấn công khai thác các lỗ hổng bảo mật, tấn công mã độc, tấn công từ chối dịch vụ. Hậu quả của các cuộc tấn công trên đã phát sinh những gián điệp mạng đánh cắp dữ liệu số, thu thập thông tin bí mật, chiếm quyền kiểm soát, điều khiển hệ thống thông tin…, từ đó làm gia tăng tội phạm sử dụng công nghệ cao. Trong đó, hình thức tội phạm phổ biến là giả danh các cơ quan thực thi pháp luật tiến hành các hoạt động lừa đảo qua mạng, giả mạo website của các ngân hàng để lừa người truy cập, yêu cầu cung cấp thông tin giao dịch trực tuyến, sau đó chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tài sản.

Mới đây, chị Nguyễn Ngọc Ngân (trú phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) nhận được điện thoại từ đối tượng lừa đảo tự xưng là Công an để hướng dẫn cài đặt ứng dụng định danh điện tử (VNeID) rồi chiếm đoạt hơn 20 triệu đồng. Đối tượng gửi cho chị Ngân đường link lạ yêu cầu chị nhập vào để cài đặt ứng dụng. Tuy vậy, sau khi chị cài ứng dụng đã bị đối tượng chiếm quyền kiểm soát thiết bị điện thoại thông minh và chuyển tiền trong tài khoản ngân hàng của chị qua ví điện tử. Theo Thượng tá Nguyễn Đức Thành, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo thường là lợi dụng các lỗ hổng bảo mật của mạng wifi công cộng để đánh cắp dữ liệu; lây nhiễm phần mềm độc hại vào ứng dụng để đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, điều khiển thiết bị điện thoại thông minh. Do vậy, người dùng điện thoại thông minh kết nối mạng không nên truy cập vào các trang mạng có nội dung xấu, đồi trụy (các trang này đều chứa mã độc), các tài liệu không rõ nguồn gốc để tránh nguy cơ bị nhiễm mã độc.

Phạm Ngọc Sơn và số súng được chế tạo để bán qua mạng.

Từ mạng đến… thiệt mạng

Tại Đà Nẵng, tội phạm mạng diễn ra nhiều lĩnh vực từ kinh tế, ma túy, hình sự với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi. Số vụ tội phạm mạng ngày càng gia tăng gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản, tính mạng, khiến người dân bất an, lo lắng. Trung tá Trần Ngọc Thành- Phó trưởng phòng Cảnh sát sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Cảnh sát hình sự) Công an TP Đà Nẵng cho biết, việc sử dụng công nghệ cao và lợi dụng không gian mạng để hoạt động hiện nay đã trở thành một xu hướng tất yếu ở hầu hết các giai đoạn của quá trình thực hiện phạm tội. Các đối tượng đã lợi dụng công nghệ để tạo thuận lợi trong phạm tội, đồng thời gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình phát hiện, xử lý.

Đáng báo động hiện nay là tình trạng mua bán súng trên mạng rồi gây hậu quả thực ngoài đời. Nhiều người dân Đà Nẵng hẳn vẫn chưa quên cảnh tượng khiếp vía khi 4 đối tượng trong nhóm của Võ Trần Đình Dương (2000, trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) dùng súng truy đuổi, tấn công người đi đường. Khẩu súng bắn đạn bi sắt được Dương mua trên mạng, khi đi trên đường, gặp anh N.V.H.V (2004, trú phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) thì đem ra truy đuổi bắn nhiều lần. Điều đáng nói, anh V. không quen biết, cũng chẳng mâu thuẫn gì, chỉ là người đi đường, bị nhóm của Dương áp sát, đe dọa hoảng sợ mà phóng xe bỏ chạy. Vụ việc này chưa lắng xuống thì 3 tuần sau đó, tại phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, Võ Minh Đức (1998) đã lên mạng đặt mua khẩu súng săn bắn đạn chì giá 15 triệu đồng rồi bắn tử vong thanh niên trộm gà trú quận Liên Chiểu.

Công nghệ phát triển làm gia tăng các hoạt động, giao dịch trên không gian mạng, đồng thời cũng là môi trường mới để "làm ăn" của tội phạm. Phạm Ngọc Sơn (2000, trú phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) lên mạng tìm hiểu thấy nhiều trang web nước ngoài giới thiệu về các vũ khí quân dụng được làm từ nhựa, thông qua máy in 3D. Từ đó, Sơn đã mày mò, tìm cách chế tạo, lắp ráp thành những khẩu súng hoàn chỉnh để bán cho đối tượng ở nhiều địa phương. Giữa tháng 8-2023, khi Sơn đến một bưu cục trên đường Nguyễn Lương Bằng gửi 6 bưu kiện thì bị lực lượng Công an phát hiện 3 bưu kiện có chứa đủ linh kiện để lắp ráp thành 4 khẩu súng hoàn chỉnh. Sơn bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi "Chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng".

Theo Trung tá Trần Ngọc Thành, các đối tượng đã lợi dụng những tiện ích của mạng Internet, viễn thông, mạng xã hội để thực hiện các loại phạm tội như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc -đánh bạc, trộm cắp, mại dâm, buôn bán các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ. Thậm chí, gần đây tại Đà Nẵng liên tiếp xảy ra tình trạng các nhóm thanh thiếu niên lên mạng hẹn hò "hỗn chiến" để giải quyết mâu thuẫn bằng hung khí. Thống kê trong khoảng 3 năm qua, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an TP Đà Nẵng đã phá 15 chuyên án, khởi tố 35 vụ, 103 đối tượng phạm tội sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng.

(còn nữa)

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/bai-1-mang-ao-hau-qua-that-post293271.html