Bài 1: Liên kết xuất bản: Được và mất!

LTS: Những năm qua, ngành xuất bản có sự phát triển khá toàn diện, nhưng chưa vững chắc. Nhiều tồn tại, bất cập của ngành xuất bản cần có sự chấn chỉnh, đổi mới quyết liệt, nhằm 'xốc lại' vị thế, vai trò quan trọng của ngành, qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu văn hóa đọc lành mạnh của nhân dân.

Trò chuyện với những nhà quản lý, lãnh đạo các nhà xuất bản (NXB) và đối tác liên kết, chúng tôi ghi nhận một ý kiến tương đồng: Chủ trương xã hội hóa gắn với mô hình liên kết xuất bản là xu thế tất yếu để giúp ngành xuất bản phát triển toàn diện. Song, sự liên kết này cũng tạo ra những “lỗ hổng” cần phải ngăn chặn, xử lý nhằm hạn chế những hệ lụy không mong muốn.

Từ một chủ trương đúng...

Mô hình liên kết xuất bản ra đời từ chủ trương xã hội hóa ngành xuất bản được nêu ra lần đầu tiên tại Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, ngày 25-8-2004 và sau đó được cụ thể hóa ở Luật Xuất bản năm 2004. Từ đây, các cá nhân, tổ chức (gọi chung là đối tác liên kết) không còn phải “núp bóng” các NXB với danh xưng là “đại lý phát hành” mà hoàn toàn được công khai tham gia vào quy trình xuất bản, được đứng tên chung với NXB khi “trình làng” xuất bản phẩm. Mục đích ban đầu của mô hình liên kết xuất bản là mời gọi khối tư nhân tham gia góp công, góp của kết hợp với các NXB để nâng cao số lượng và chất lượng toàn diện các xuất bản phẩm. Trong mối quan hệ liên kết, các NXB được xác định là chủ thể, kiểm soát nội dung, chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Hiệu sách của Công ty Nhã Nam tại phố sách Hà Nội. Ảnh: TRẦN HOÀNG.

Từ chính sách cởi mở kể trên, một loạt công ty, nhà sách ra đời như: Alpha, Nhã Nam, Bách Việt, Minh Long, Thái Hà... TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sách Thái Hà, khẳng định: “Nếu không có Luật Xuất bản năm 2004 và việc Công ước Bơn (Berne) về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật có hiệu lực tại Việt Nam cũng trong năm 2004, chắc chắn cá nhân tôi và nhiều đồng nghiệp sẽ không thành lập công ty sách. Các công ty sách ra đời với mục đích kinh doanh lành mạnh, mong muốn mang đến cho bạn đọc những cuốn sách bổ ích. Sự đón nhận, ủng hộ của bạn đọc và sự tồn tại, phát triển không ngừng của nhiều công ty sách là minh chứng cho cách làm sách lành mạnh của nhiều đơn vị tư nhân”.

Hiệu quả liên kết xuất bản đến ngay tức thì khi số lượng sách tăng vọt, chủng loại sách bớt đơn điệu, các sách đa phần đều có bản quyền. Đặc biệt, xuất hiện nhiều kỳ tích xuất bản mà trước đây khó xảy ra, tiêu biểu nhất là cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” (NXB Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam, năm 2005), với gần 500.000 bản sách được phát hành, kéo theo một loạt hiệu ứng xã hội và dư luận có ý nghĩa tích cực.

Thạc sĩ Nguyễn Nguyên, Phó vụ trưởng Vụ Báo chí-Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, đánh giá: “Sau hơn 10 năm, khối tư nhân tham gia liên kết xuất bản, gần 50% số sách trên thị trường là sách liên kết, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng ngành xuất bản là 4%/năm. Có thể khẳng định, chủ trương xã hội hóa ngành xuất bản gắn với mô hình liên kết xuất bản là xu hướng tất yếu, đúng đắn, sẽ tiếp tục được Đảng, Nhà nước ủng hộ, tạo điều kiện để phát triển”.

Đến hệ lụy không ngờ

Bên cạnh những thành tựu lớn, làm “thay da đổi thịt” ngành xuất bản, mô hình liên kết xuất bản cũng gây ra nhiều hệ lụy vẫn còn tồn tại dai dẳng. Hệ lụy thấy rõ và gây bức xúc trong dư luận là các vi phạm liên tiếp, có tính hệ thống và mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng của các xuất bản phẩm liên kết. Có thể kể ra hàng loạt vi phạm về mặt nội dung, đáng chú ý như: Nội dung không chuẩn xác về mốc thời gian và sự kiện lịch sử; đề cập những vấn đề nhạy cảm chính trị mà không được kiểm chứng hoặc thẩm định nội dung; nêu những tư tưởng trái với quan điểm của Đảng và Nhà nước, phủ nhận thành tựu cách mạng thông qua những đánh giá thiếu khách quan; nội dung nhảm nhí, không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt Nam... Đành rằng, số lượng xuất bản phẩm vi phạm chỉ dao động 200-300 xuất bản phẩm/năm so với con số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu dưới dạng sách giấy xấp xỉ 30.000 cuốn/năm; tuy nhiên, sẽ ra sao nếu bạn đọc, nhất là lớp trẻ tiếp xúc với sách lịch sử của nhân vật từng chống phá cách mạng trong quá khứ với những câu từ phản động...

Hệ lụy không ngờ của liên kết xuất bản là việc nhiều NXB đã yếu kém về tài lực trong khi các đối tác liên kết lại vươn lên mạnh mẽ. Điều tất yếu là đa phần các NXB dần mất đi quyền làm chủ quy trình xuất bản, bán giấy phép với giá rẻ, trở thành “làm thuê” ở khâu “xương xẩu” nhất là biên tập và thẩm định nội dung. Một số đối tác liên kết thường chạy theo lợi nhuận thuần túy, cẩu thả trong biên tập sơ bộ, bỏ qua nhiều khâu trong quy trình xuất bản. Không ít NXB có đội ngũ biên tập viên yếu kém cả về nghiệp vụ lẫn bản lĩnh chính trị và sự buông lỏng quản lý của lãnh đạo các NXB. Cho nên, sai sót trong liên kết xuất bản là điều khó tránh khỏi.

Nhận thấy những bất cập trong liên kết xuất bản, Nhà nước đã có nhiều biện pháp để chấn chỉnh, khắc phục khi có riêng điều luật về liên kết xuất bản trong Luật Xuất bản năm 2012 (sửa đổi, bổ sung). Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: “Luật Xuất bản năm 2012 quy định rất rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, sự ràng buộc của các bên trong liên kết xuất bản. Nếu có vi phạm, đối tác liên kết sẽ bị xử lý ngang bằng với NXB chứ không chỉ liên đới trách nhiệm như trước đây. Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, trong đó có điều luật quy định riêng về xử phạt vi phạm trong liên kết xuất bản. Thông qua các điều luật, quy trình cho ra đời một xuất bản phẩm để đến tay người dân đã được làm rõ, nếu đối tác liên kết cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm”.

Các điều luật khống chế sai phạm ra đời, cùng sự bám nắm kịp thời, vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý Nhà nước, nhiều vi phạm đã bị xử lý đích đáng với số tiền phạt lên đến hàng trăm triệu đồng, buộc các tổ chức phải dừng hoạt động một thời gian dài nên vi phạm trong năm 2016 chỉ còn 163 xuất bản phẩm, giảm 52,3% so với năm 2015. Tuy nhiên, những vi phạm không vì thế mà mất hẳn, những vi phạm nghiêm trọng như việc tái bản cuốn sách “Miếng ngon Hà Nội” (NXB Dân trí và Công ty Minh Tân-Nhà sách Minh Thắng) gần đây là bài học đắt giá.

(còn nữa)

TRẦN HOÀNG HOÀNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/bai-1-lien-ket-xuat-ban-duoc-va-mat-514435