Bài 1: Không nhiều người đọc sách

Văn hóa đọc, nói nôm na, là thói quen đọc sách trong đời sống hiện nay như thế nào, những mục tiêu trong quyết định của Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh sẽ thực hiện được tới đâu?

Các em học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP. Tây Ninh) đọc sách tại Thư viện trường (ảnh chụp trước 27.4.2021). Ảnh: Ngọc Bích

Các em học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP. Tây Ninh) đọc sách tại Thư viện trường (ảnh chụp trước 27.4.2021). Ảnh: Ngọc Bích

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 329/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng năm 2030. Trên cơ sở Quyết định 329, vừa qua, UBND tỉnh ban hành kế hoạch tiếp tục triển khai đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

Văn hóa đọc, nói nôm na, là thói quen đọc sách trong đời sống hiện nay như thế nào, những mục tiêu trong quyết định của Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh sẽ thực hiện được tới đâu?

Nói về thói quen đọc sách trong nhà trường, ông Cao Văn Chung- Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Thạnh (huyện Châu Thành) cho biết, trường có 4 lớp, 130 học sinh. Thư viện trường được công nhận đạt chuẩn từ lâu, nhưng không có giáo viên chuyên trách phụ trách thư viện, công việc này được giao cho một giáo viên (kiêm nhiệm).

Ngày nào giáo viên đó có giờ dạy, phòng thư viện mới mở cửa (thường mở trong giờ ra chơi). Theo quy định, nhân viên chuyên trách phụ trách thư viện mới có phụ cấp độc hại, còn giáo viên kiêm nhiệm chỉ được giảm tiết dạy, không có phụ cấp độc hại. “Được giao kiêm nhiệm phụ trách thư viện, giáo viên cũng không mặn mà, vì công việc này thường liên quan hồ sơ sổ sách, thống kê, báo cáo, trong khi phụ cấp độc hại không có”- ông Chung nói.

Vị hiệu trưởng này thẳng thắn thừa nhận, Trường THCS Hòa Thạnh có phòng thư viện riêng nhưng số lượng học sinh đến đọc sách rất ít. Hỏi thăm học sinh lớp 9 của trường này, một số em cho biết, thích đọc sách trên điện thoại nhiều hơn, đọc bằng sách in (giấy) cũng có, nhưng ít. “Thích đọc trên điện thoại vì tiện, nhiều tính năng hơn. Thỉnh thoảng em đọc một số sách có sẵn trong thư viện như truyện tranh, sách văn học Việt Nam, chẳng hạn tác phẩm Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố”- một học sinh cho biết.

Tại Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Châu Thành), ông Đặng Quang Danh- Hiệu trưởng thông tin, trường có một phòng thư viện, phòng đọc, kho sách, có nhân viên thư viện chuyên trách. “Học sinh vẫn đọc sách nhưng ít hơn trước, ước chỉ khoảng 40% học sinh có thói quen đến thư viện”- ông Danh nói. Kho sách của Trường THPT Lê Hồng Phong có khoảng 7.000 cuốn, phần lớn sách xuất bản đã lâu, “học sinh nào có nhu cầu đọc sách, các em đều mượn về nhà chứ ít đọc tại trường, vì không có thời gian”.

Kho sách của nhà trường phần lớn là sách tham khảo trong chuyên môn. Ngoài ra, trường còn có “tủ sách tình thương”, đây là những loại sách huy động, kêu gọi học sinh đóng góp. Tủ sách này, ngoài sách giáo khoa còn có một số thể loại sách, đầu sách khác.

Em nào muốn mượn đem về nhà đọc đều được đáp ứng vô điều kiện, không cần làm thủ tục rườm rà. “Trường có gần 400 học sinh nhưng bình quân mỗi ngày chỉ khoảng 15 lượt học sinh vào thư viện đọc sách, dù thư viện mở cửa ngày hai lần”- nhân viên thư viện cho biết.

Đại diện Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Châu Thành nhìn nhận, Thư viện huyện vẫn hoạt động, có viên chức phụ trách, hằng năm nhận sách từ Thư viện tỉnh về bổ sung cho huyện. Ở cấp xã có tủ sách pháp luật đặt tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng. Trước đây, có giai đoạn, Châu Thành có cả thư viện tư nhân nhưng nay đã ngừng hoạt động.

Học sinh Trường THCS Hòa Thạnh đọc sách trong thư viện. Ảnh: Việt Đông

Học sinh Trường THCS Hòa Thạnh đọc sách trong thư viện. Ảnh: Việt Đông

Theo Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện, năm 2021, Thư viện Châu Thành tổ chức các hoạt động tuyên truyền, trưng bày giới thiệu sách, báo; kết hợp với cơ quan liên quan đi phục vụ sách tại các điểm vùng sâu, giới thiệu sách mới, trưng bày triển lãm sách chuyên đề Mừng Đảng- mừng Xuân 2021, chào mừng bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; các ngày lễ lớn của đất nước, Ngày Sách Việt Nam 21.4...

Theo số liệu thống kê của Thư viện huyện Châu Thành, năm 2021, đơn vị cấp mới 200 thẻ bạn đọc cộng với 299 thẻ hiện có, tổng cộng gần 500 bạn đọc có thẻ. Trong năm, có hơn 4.600 lượt bạn đọc đến thư viện và các điểm phục vụ sách lưu động. Tổng lượt sách báo phục vụ tại thư viện là 7.359 lượt; giới thiệu 14 quyển sách (đầu sách) trên đài truyền thanh.

“Sau khi sáp nhập ba đơn vị hành chính thành một đơn vị, chỉ có một cán bộ phụ trách mảng thư viện quản lý 15 tủ sách xã và 3 tủ sách khác, vì thế, công tác phục vụ bạn đọc có những hạn chế nhất định.

Cán bộ phụ trách phòng đọc không ổn định, thường xuyên thay đổi làm ảnh hưởng đến việc phát triển phong trào đọc sách ở cơ sở. Trong năm 2021, do dịch bệnh Covid-19, thời gian thực hiện giãn cách xã hội kéo dài làm hạn chế công tác phục vụ sách tại chỗ và lưu động tới các điểm trường vùng sâu, vùng xa”- đại diện Thư viện Châu Thành nêu.

Học sinh người dân tộc Khmer ở xã Ninh Điền, huyện Châu Thành háo hức đọc sách, truyện tranh. Ảnh: Nguyễn Nhật Quang

Học sinh người dân tộc Khmer ở xã Ninh Điền, huyện Châu Thành háo hức đọc sách, truyện tranh. Ảnh: Nguyễn Nhật Quang

Ông Nguyễn Tấn Tài- Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (thị xã Hòa Thành) nhìn nhận, trường có thư viện, phòng đọc riêng, có kho sách hơn 7.000 cuốn nhưng học sinh ít đọc. Học sinh nào có nhu cầu mượn sách về nhà đều được nhà trường tạo điều kiện tối đa.

Trường tổ chức ngày đọc sách, cho học sinh tham gia giới thiệu sách. “Thói quen đọc sách đã thay đổi, phần lớn người đọc hiện nay đọc trên các nền tảng công nghệ, chúng tôi đang xây dựng thư viện điện tử, tối ưu hóa chất lượng, hình thức phục vụ, sao cho việc đọc sách, tra cứu danh mục hoặc mượn sách được thuận tiện nhất”- ông Tài thông tin.

Một số em học sinh lớp 12 của trường này cho biết, thói quen đọc sách vẫn còn nhưng không như trước. “Thư viện trường em có nhiều đầu sách, trong đó sách tham khảo nhiều nhất. Em thì chỉ thích đọc “Hạt giống tâm hồn”. Trường em cũng có phong trào đọc sách, phong trào viết thơ văn, em có tham gia, tuy không đoạt giải nhưng vui”- Nguyễn Phạm Huyền Trân, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Chí Thanh nói.

Một học sinh khác, em Nguyễn Phương Thúy cho biết, do đây là năm học cuối, ngoài phần lớn thời gian dành cho việc học, em đọc sách như một cách thư giãn. “Tính bình quân, hai tuần em đọc một cuốn sách tham khảo để phục vụ cho việc học.

Thỉnh thoảng em có tham gia phong trào viết văn, làm thơ do nhà trường phát động, còn phần lớn thời gian chỉ dành cho việc học các môn văn hóa, vì đây là năm cuối cùng ở bậc học phổ thông”- Phương Thúy cho biết.

Từ những điều vừa trình bày, có thể nhận thấy văn hóa đọc, thói quen đọc sách vẫn còn, không mất đi và không thể mất, nhưng rõ ràng đã có sự thay đổi về cách thức tiếp cận tri thức, tiếp cận thông tin.

Việt Đông

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-1-khong-nhieu-nguoi-doc-sach-a143374.html