Bạch Thông chuyển đổi cơ cấu cây trồng giá trị cao

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp đem lại lợi ích kinh tế cao hơn trên một diện tích đất sản xuất, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và xu thế của thị trường. Thời gian qua người dân trên địa bàn huyện Bạch Thông đã chủ động thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khắc phục diện tích đất khô hạn, thiếu nước, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Chị Nguyễn Thị Điểm, thôn Bản Luông, xã Mỹ Thanh chuyển hơn 2.000m2 ruộng lúa không chủ động nước tưới sang trồng dong riềng.

Cánh đồng thôn Bản Luông, xã Mỹ Thanh tương đối màu mỡ, phù hợp với trồng lúa nước, tuy nhiên vẫn có phần diện tích nằm trên cao không chủ động được nước sản xuất, nhất là trong vụ xuân. Do vậy, những năm gần đây, một số hộ dân ở Bản Luông đã chủ động chuyển diện tích trên sang trồng cây dong riềng. Theo người dân so với trồng lúa nước thì trồng dong riềng có giá trị kinh tế cao hơn, không mất nhiều công chăm sóc.

Anh Hoàng Văn Huấn, thôn Bản Luông, xã Mỹ Thanh cho biết: “Chất đất ở đây trồng cây gì cũng được, tuy nhiên gia đình chọn trồng dong riềng vì dễ làm mà hiệu quả kinh tế lại cao hơn cây lúa”.

Sau khi thu hoạch khoai tây vụ đông, gia đình chị Nguyễn Thị Điểm, thôn Bản Luông chủ động làm đất lên luống để trồng dong riềng. Theo tính toán của chị Điểm, dù trồng dong riềng mất nhiều thời gian, giá bán năm trước cũng không cao (1.500 đồng/kg) nhưng so với trồng lúa vẫn hiệu quả hơn, cũng đỡ tốn công chăm sóc.

Phần diện tích đất trồng lúa tại thôn Nà Vài, xã Quang Thuận được Hợp tác xã Kiên Anh chuyển đổi sang ươm trồng cây gai xanh.

Tính từ năm 2016 đến nay, xã Quang Thuận chuyển đổi khoảng 20ha đất lúa khô hạn, năng suất thấp sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn như: Ổi, cam, thanh long. Riêng năm 2021, Hợp tác xã Kiên Anh thuê 2,5ha đất trồng lúa của người dân thôn Nà Vài để làm vườn ươm cây gai xanh. Gai xanh là cây đa tác dụng, nhưng sản phẩm chủ yếu là vỏ. Cây gai xanh AP1 là cây lưu gốc, việc đầu tư làm đất, cây giống và công trồng chỉ thực hiện 1 lần nhưng cho thu hoạch trong vòng từ 8 - 10 năm, trồng và chế biến gai xanh sẽ mang lại thu nhập cao gấp 3 - 4 lần so với một số cây trồng khác.

Còn tại xã Cẩm Giàng, xã Quân Hà, nhiều hộ dân đã mạnh dạn trồng táo lê Đài Loan, so với trồng lúa đem lại giá trị cao gấp 5 - 6 lần. Sau khi thu hoạch quả, có thể trồng xen cây màu khác dưới gốc táo. Như vậy giá trị kinh tế lại tăng thêm nhiều lần.

Bà Lường Thị Lập, thôn Nà Búng, xã Quân Hà cho biết: “Những năm trước gia đình tôi để đất hoang phí vì chưa biết trồng cây gì phù hợp, mấy năm trở lại đây gia đình tôi bắt đầu trồng giống cây ngô lai cho năng suất cao, mỗi năm thu được hơn một tấn ngô giúp cải thiện cuộc sống”.

Những năm qua, huyện Bạch Thông khuyến khích các xã, thị trấn chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phù hợp với chất đất, khí hậu, điều kiện cụ thể của từng địa phương và nhu cầu của thị trường tiêu thụ. Riêng năm 2022, huyện có kế hoạch chuyển đổi 30ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị. Diện tích đất chuyển đổi chủ yếu là đất soi bãi, đất trồng lúa một vụ, đất ruộng ven đồi rừng khó khăn về nguồn nước. Các cây trồng được người dân chuyển đổi bao gồm: Dong riềng, cây ăn quả, rau màu…

Đồng chí Hoàng Văn Kiệm- Phó Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông cho biết: Trong những năm qua, huyện đã chỉ đạo người dân các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng gắn với quy hoạch vùng sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa của từng địa phương. Năm 2021 huyện đã thực hiện chuyển đổi được 30ha chủ yếu là chuyển đổi sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Cây ăn quả, cây chè, một số diện tích chuyển sang kết hợp sản xuất ba vụ màu, đặc biệt là tại các xã mà huyện quy hoạch sản xuất cây màu đã chuyển đổi sang trồng ba vụ, đem lại hiệu qua kinh tế cao cho người dân.

Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân thay vì trồng lúa nước truyền thống. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cần hài hòa, nằm trong sự quy hoạch và quản lý của địa phương. Đặc biệt là cần nghiên cứu thị trường trước khi đầu tư để chuyển đổi cây trồng giúp người nông dân tiêu thụ được nông sản một cách thuận lợi./.

Xuân Nghiệp

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202203/bach-thong-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-gia-tri-cao-99b1b65/