Bắc Yên đẩy mạnh phát triển kinh tế các xã vùng cao

Bắc Yên hiện có 13/16 xã, 67/103 bản đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, kinh tế giữa các vùng chênh lệch, nhất là ở các xã vùng cao. Những năm qua, huyện đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện hỗ trợ nhân dân các xã vùng cao phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập.

Người dân xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên thu hoạch quả sơn tra.

Kinh tế của huyện Bắc Yên trong những năm qua có bước phát triển nhưng chưa vững chắc, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên; cơ sở hạ tầng, đầu tư hỗ trợ sản xuất còn ít; công tác chuyển đổi ngành nghề thay thế cho sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế; tốc độ giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng trong huyện. Ông Lê Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, cho biết: Để giảm sự chênh lệch về kinh tế - xã hội giữa các vùng, huyện đã xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể và xác định các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho ba khu vực là vùng ven sông, vùng cao và vùng giữa, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng xã. Đặc biệt ở các xã vùng cao như Tà Xùa, Háng Đồng, Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú, huyện tập trung phát triển cây sơn tra, cây chè, cây ăn quả ôn đới; phát triển kinh tế rừng, trồng rừng và cây dược liệu dưới tán rừng.

Thực hiện chủ trương phát triển cây sơn tra, huyện Bắc Yên đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển cây sơn tra theo hướng hiệu quả, bền vững phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn cải tạo, lai ghép giống cây sơn tra, để đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng thành vùng nguyên liệu tập trung. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân kỹ thuật đốn tỉa, thu hái, phòng trừ sâu bệnh và các phương pháp bảo quản kéo dài thời gian lưu quả để nâng cao chất lượng sản phẩm sơn tra nguyên liệu.

Từ năm 2015 đến nay, Bắc Yên đã trồng mới 500 ha sơn tra, nâng tổng số diện tích sơn tra hiện có gần 2.600 ha, trong đó, 1.530 ha cho thu hoạch, sản lượng ước đạt khoảng 1.900 tấn/năm, tập trung chủ yếu tại các xã Háng Đồng, Làng Chếu, Xím Vàng và Hang Chú. Quả sơn tra được các HTX và các doanh nghiệp trên địa bàn thu mua để chế biến thành rượu vang sơn tra và chế biến khô để đem đi tiêu thụ tại các tỉnh đem lại nguồn thu nhập, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo cho người dân các xã vùng cao.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Yên hướng dẫn người dân xã Tà Xùa chăm sóc chè.

Còn đối với cây chè tại xã Tà Xùa, từ năm 2016 đến nay, thông qua các nguồn vốn Chương trình 30a, 135 của Nhà nước, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cùng các nguồn vốn đầu tư của tỉnh, huyện, xã Tà Xùa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chăm sóc giống chè đặc sản. Đồng thời, chuyển đổi cây trồng không phù hợp, không mang lại hiệu quả kinh tế, đưa vào trồng giống chè Shan tuyết chất lượng cao. Đến nay, xã có gần 200 ha chè Shan tuyết, 1.650 cây chè cổ thụ đang cho thu hoạch, tập trung tại các bản Bẹ, Tà Xùa, Chung Chinh, sản lượng chè búp tươi đạt gần 1.000 tấn/năm. Hiện, người dân trong xã đang áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất; chủ động tìm mối liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm chè đem lại thu nhập cao.

Ông Mùa A Sang, Chủ tịch UBND xã Tà Xùa, cho biết: Xã đang phối hợp với các đơn vị chuyên môn của huyện quy hoạch cây chè thành từng vùng trồng sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung với quy trình sản xuất sạch, an toàn. Khuyến khích bà con tham gia vào HTX để mở rộng vùng nguyên liệu, gắn vùng sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, xã phấn đấu đến hết năm 2025 trồng mới 50 ha chè, nâng diện tích chè đặc sản của xã lên 300 ha, để tạo việc làm, tăng thu nhập. Qua đó, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 3%-4%/năm và phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới.

Là người dân hưởng lợi từ mở rộng diện tích trồng cây chè đặc sản của xã Tà Xùa, anh Mùa A Châu, bản Bẹ, xã Tà Xùa, chia sẻ: Hiện nay, sản phẩm chè Tà Xùa đã trở thành đặc sản của huyện Bắc Yên nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Vì vậy, búp tươi thu hái đến đâu luôn được các công ty, hợp tác xã bao tiêu hết sản phẩm. Với hơn 2 ha chè của gia đình, sản lượng chè búp tươi đạt gần 10 tấn/năm, mỗi năm thu về hơn 300 triệu đồng. Nhờ cây chè mà đời sống của gia đình được cải thiện hơn rất nhiều.

Người dân bản Bẹ, xã Tà Xùa thu hái chè.

Có thể thấy, việc phân thành các vùng để phát huy tiềm năng, thế mạnh đã và đang mang lại tín hiệu tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bắc Yên. Đến nay, các xã vùng cao đã đạt bình quân 11,5 tiêu chí/xã trong xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân ngày càng được cải thiện; khoảng cách chênh lệch của các xã vùng cao đã dần được thu hẹp lại với các xã vùng thấp. Thời gian tới, huyện Bắc Yên tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư, phát triển cơ sở tầng, tiếp tục phát triển các loại cây trồng chủ lực; đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, phấn đấu đưa huyện Bắc Yên thoát nghèo vào năm 2025.

Minh Tuấn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/bac-yen-day-manh-phat-trien-kinh-te-cac-xa-vung-cao-48193