Bắc Trung Bộ thích ứng với biến đổi khí hậu

Hầu như năm nào, người dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh cũng phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề do thiên tai, mưa lũ gây ra. Vì vậy, bên cạnh sự chủ động phòng vệ của người dân, các địa phương đang nỗ lực thực hiện đồng bộ giải pháp công trình, phi công trình nhằm nâng cao khả năng thích ứng, 'sống chung với lũ'.

Công an tỉnh Nghệ An vận chuyển nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn ổn định cuộc sống sau trận lũ vừa qua.

Bài 1: Nỗi lo chưa dứt

Hơn chục năm nay, thời tiết cực đoan tại Bắc Trung Bộ đã tàn phá nặng nề bao thành quả mà người dân gây dựng lên. Nếu các huyện miền núi phía tây bị lũ ống, lũ quét tàn phá, thì vùng đồng bằng, hạ du, dọc theo triền các con sông lại bị ngập lũ. Chưa kể các nhà máy thủy điện xả lũ cho dù đúng quy trình kỹ thuật cũng góp phần thêm lũ chồng lũ ở hạ du.

Nhiều trận lũ bất thường

Những ngày đầu tháng 10, địa danh xã Tà Cạ, thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) được nhắc đến như nỗi kinh hoàng bởi những trận lũ ống, lũ quét. Cả một khu vực kéo dài từ khe Huồi Giảng xuống đến quốc lộ 7A tan hoang với nhiều khối đá lớn nằm ngổn ngang, vương vãi như bị ai ném xuống... Trong đêm định mệnh ấy, chị Và Y Dở, trú tại bản Sơn Hà (xã Tà Cạ) đã mất đi đứa con vừa mới chào đời khi cháu chưa kịp gọi tiếng "Mẹ ơi".

Trận lũ lịch sử quét qua xã Tà Cạ và một phần thị trấn Mường Xén, huyện miền núi rẻo cao 30a Kỳ Sơn bị nhấn chìm trong nước lũ. Tuyến quốc lộ 7A đoạn qua khối 1, thị trấn Mường Xén trở lên phía tây ngập trong bùn đất, đá, có nơi cao hàng mét. Những ngôi nhà dân, trụ sở công nằm dọc theo quốc lộ 7A cũng đều ngập trong bùn đất, đá. Cả tuyến đường từ cầu qua khe Huồi Giảng đến ngã ba thị trấn ở khối 1 đã trở thành dòng sông bùn đất. Ông Lô Quang Vinh, ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) thốt lên: 70 năm qua tôi chưa từng chứng kiến một trận lũ quét nào kinh hoàng đến thế. Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, Thò Bá Rê cho rằng, sự hỗ trợ tích cực của lực lượng chức năng, các nhà hảo tâm mới chỉ giúp người dân ổn định cuộc sống trước mắt, riêng những thiệt hại nặng nề về nhà cửa của hàng trăm hộ dân, cùng hạ tầng kỹ thuật, công sở liên quan sẽ cần rất nhiều thời gian, công sức để khắc phục như trạng thái ban đầu.

Không riêng huyện rẻo cao Kỳ Sơn, hơn chục năm qua, thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đã tàn phá nặng nề bao thành quả mà người dân gây dựng. Gặp lại bà Lương Thị Hoa ở xã Trí Nang, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) tại nơi tái định cư mới cạnh chân núi Hin Pun thuộc bản Hắc, chúng tôi vẫn cảm nhận được nỗi ưu tư trên khuôn mặt sạm nắng của người phụ nữ đã mất đi bốn người thân sau đêm lũ ống. Bà Lương Thị Hoa nhớ lại: Khoảng 20 giờ ngày 19/7/2018, trời đổ mưa to nhưng con khe nước trước nhà lại cạn nước. Khoảng 22 giờ bất ngờ phát sinh những tiếng động lớn, nước, đất, đá từ trên cao đổ xuống cuốn đổ nhà cùng các thành viên trong gia đình và các gia đình lân cận. Bà may mắn mắc lại, bám vào nóc nhà tắm xây chắc chắn nên không bị dòng nước cuốn đi nhưng nỗi đau trĩu nặng: Chồng, mẹ chồng, con dâu, cháu nội của bà bị lũ dữ, đất đá cướp đi mạng sống.

Các lực lượng chức năng hỗ trợ người dân thị trấn Mường Xén dọn dẹp nhà cửa khắc phục hậu quả lũ ống.

Ẩn họa khó lường

Sau nỗi đau khôn tả của chị Và Y Dở và bà Lương Thị Hoa còn đó nỗi lo chung của người dân vùng "chảo lửa, túi mưa" Bắc Trung Bộ trước những diễn biến khó lường siêu bão, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, nắng nóng… với cường độ và tần suất ngày càng lớn. Chỉ tính riêng địa bàn Hà Tĩnh, từ năm 2010-2019, thiên tai làm 105 người chết, 344 người bị thương; hàng nghìn ngôi nhà bị sập, trôi, tốc mái; sản xuất nông nghiệp, kết cấu hạ tầng... bị ảnh hưởng nặng nề. Cá biệt, trong tháng 10/2020, tại Hà Tĩnh liên tiếp xảy ra các đợt mưa lớn lịch sử. Lượng mưa đo được từ ngày 15/10 đến 21/10/2020, có nơi gần 1.400mm, gây ngập lụt 42.456 hộ thuộc 118/216 xã, phường, thị trấn, nhất là các huyện: Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh; tình trạng sạt lở đất xảy ra ở nhiều nơi. Mưa lũ đã làm 6 người chết; hơn 6.980ha lúa, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản, rau màu bị hư hại, mất trắng; hàng nghìn gia súc, gia cầm bị chết. Tổng thiệt hại hơn 5.300 tỷ đồng.

Theo Chi cục trưởng Thủy lợi Nghệ An Nguyễn Trường Thành, sau mỗi trận mưa lũ thì lại tiếp diễn tình trạng sạt lở tại hàng chục điểm dọc bờ sông Lam ở các huyện: Anh Sơn, Thanh Chương, Hưng Nguyên… Hệ thống đê biển Nghệ An được xây dựng từ khá lâu, đã xuống cấp chỉ chống đỡ được bão cấp 10 trở xuống cùng với triều cường tần suất 5%; nếu gặp bão cấp 11, cấp 12 hay siêu bão cộng với triều cường thì hệ thống đê biển "bó tay" để sóng biển vượt qua các đoạn đê xung yếu.

Bên cạnh đó, tác động của các nhà máy thủy điện đang hoạt động trên hệ thống sông Cả, sông Chu… cũng gây nhiều lo lắng. Mặc dù vấn đề xả lũ của nhà máy thủy điện trong mưa lũ đều đúng quy trình, quy phạm, nhưng thực tế cho thấy, việc xả lũ này góp phần làm ngập lụt hạ du hay gây sạt lở bờ sông, cuốn trôi hay làm hư hỏng không ít nhà dân dọc hai bờ sông. Một lãnh đạo huyện miền núi Nghệ An tâm tư: Ðối với nhà máy thủy điện, nước là tiền. Tích càng nhiều nước vào mùa lũ đồng nghĩa sẽ thu được nhiều tiền; việc xả nước không qua các tổ máy phát điện là vạn bất đắc dĩ… nên nhà máy thủy điện chỉ xả nước khi hồ chứa đã gần đầy hoặc đã đầy nước và nước lũ trên thượng nguồn đang đổ về với lưu lượng lớn. Việc xả lũ ngoài mong muốn này đã "góp phần" làm trầm trọng thêm lũ lụt ở hạ du.

Còn nhớ, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, đã gây ra trận lũ lịch sử vào cuối tháng 8/2018, hồ thủy điện Bản Vẽ xả lũ với cường độ hơn 4.000m3/s-lớn nhất trong lịch sử xả lũ của thủy điện Bản Vẽ từ trước đến nay. Các nhà máy thủy điện khác dọc sông Nậm Nơn, Nậm Mô cũng đồng thời xả lũ. Việc xả lũ, với lưu lượng xả bằng lưu lượng nước lũ về vô cùng lớn trong cùng một lúc của nhiều nhà máy thủy điện lại trong lúc mưa lớn đang làm ngập lụt ở vùng hạ du nên đã gây lũ chồng lũ. Ðến nay, việc khắc phục trận lũ lịch sử này vẫn chưa hoàn tất.

Tại vùng duyên hải tỉnh Thanh Hóa, điều dễ nhận thấy là thảm rừng phi lao phòng hộ ven biển dần co hẹp. Nước biển tiếp tục xâm thực, gây sạt lở bờ biển ở thành phố Sầm Sơn, xâm thực, cuốn trôi cát, xô đổ phi lao ven biển ở xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương. Từng tham gia trồng rừng PAM 4304 và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển, ông Bùi Công Kiều ở thôn Tân, xã Quảng Nham trao đổi: Trung bình mỗi năm bờ biển ở thôn Tân bị triều cường, nước biển gây sạt lở, lấn vào từ 5-10m. Có năm triều cường xâm nhập mạnh, tràn qua mặt tuyến đường cơ động quốc phòng ven biển, làm nhiễm mặn gần 100ha đất canh tác. Thảm rừng phi lao trồng trên bãi cát ven bờ dài hơn 2km dần bị cuốn đổ, xói lở sâu vào đất liền 150m.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: Ngô Tuấn, Thành Châu và Mai Luận

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bac-trung-bo-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-post720254.html