Bác sĩ ơi: Bệnh máu nhiễm mỡ có nguy hiểm không, điều trị ra sao?

Vừa qua tôi đi khám tổng quát và kết quả cho thấy bị bệnh máu nhiễm mỡ. Bệnh máu nhiễm mỡ có nguy hiểm không và điều trị bệnh có khó không thưa bác sĩ? (hoangttxc...@gmail.com)

Có dấu hiệu thừa cân cần xem xét lại chế độ ăn uống và vận động để tránh nguy cơ bị máu nhiễm mỡ - Ảnh: ShutterStock

PGS-TS-BS Nguyễn Hoài Nam - Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP.HCM:

Máu nhiễm mỡ hay (mỡ máu cao) là tình trạng dư thừa mỡ trong máu. Bình thường trong máu luôn có một tỷ lệ mỡ nhất định, được đánh giá thông qua chỉ số xét nghiệm của cholesterol, triglycerid... Nếu những chỉ số này cao hơn mức cho phép thì được gọi là mỡ máu cao. Khi cơ thể có lượng cholesterol trong máu vượt quá mức cho phép, bệnh nhân có thể mắc nguy cơ phát triển xơ vữa động mạch bệnh, làm gia tăng huyết áp, tắc nghẽn các mạch máu đặc biệt mạch máu ở não và mạch vành, làm tăng thêm nguy cơ bị suy tim, đột quỵ về sau.

Khi được chẩn đoán máu nhiễm mỡ, bạn cần đi kiểm tra và theo dõi định kỳ từ 3 - 6 tháng một lần, hoặc mỗi năm tùy theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Ngoài ra, bạn nên kiểm soát cân nặng hằng tháng, nếu thấy có dấu hiệu thừa cân thì cần xem xét lại chế độ ăn uống và vận động để giảm bớt trọng lượng. Chọn một môn thể thao yêu thích và phù hợp đối với sức khỏe và tập luyện thường xuyên. Tránh các thói quen xấu như: hút thuốc lá, uống bia, rượu. Hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo. Lựa chọn những thực phẩm có hàm lượng cholesterol thấp, như: rau xanh, bí đỏ, nấm hương, các sản phẩm được làm từ lạc, đậu, thịt nạc... Đây là nguyên tắc hàng đầu và thiết yếu đối với người bị bệnh mỡ máu cao. Bạn cũng có thể dùng thêm thuốc nếu đã áp dụng những phương pháp ăn uống, tập luyện... mà lượng mỡ trong máu vẫn còn cao.

Cẩm Nhung

Cẩm Nhung

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/suc-khoe/bac-si-oi-benh-mau-nhiem-mo-co-nguy-hiem-khong-dieu-tri-ra-sao-870453.html