Bác sĩ Mỹ bị giết ở Sudan 'không vì gì cả'

Lo cha mẹ ốm yếu và thương xót người bệnh nghèo, bác sĩ người Mỹ Bushra Ibnauf Sulieman tiếp tục làm việc lâu nhất có thể sau khi giao tranh nhấn chìm thủ đô Sudan.

 Bác sĩ Bushra Ibnauf Sulieman (trái) và đồng nghiệp Mohamed Eisa. Ảnh: AP.

Bác sĩ Bushra Ibnauf Sulieman (trái) và đồng nghiệp Mohamed Eisa. Ảnh: AP.

Trong nhiều ngày sau khi giao tranh giữa quân đội và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh bán quân sự Sudan nổ ra ở Khartoum vào ngày 15/4, bác sĩ Sulieman (49 tuổi) vẫn quyết định ở lại lâu nhất có thể trước khi bị giết vào ngày 25/4, theo AP.

Bác sĩ Sulieman và nhiều bác sĩ khác đã mạo hiểm ra ngoài để điều trị cho những người bị thương trong thành phố giữa lúc bom đạn làm rung chuyển các ngôi nhà.

“Hãy nghĩ chúng ta sẽ không sao trừ khi Chúa đã sắp đặt”, vị bác sĩ viết trên Facebook và đó là một trong những thông điệp cuối cùng của ông khi cuộc chiến vẫn tiếp diễn.

Bị giết ngay khi chuẩn bị rời đi

Bác sĩ Sulieman sinh ra ở Mỹ, làm việc thay phiên ở cả Iowa của Mỹ và Khartoum của Sudan.

Hai tuần giao tranh ở Khartoum đã giết chết hơn 500 người, theo Bộ Y tế Sudan. Các bác sĩ cho biết chiến binh đã bắt cóc ít nhất 5 bác sĩ, đưa họ đi chữa trị thành viên bị thương.

 Bác sĩ Bushra Ibnauf Sulieman (phải) chụp ảnh với một người bạn học. Ảnh: Khidir Dalouk/AP.

Bác sĩ Bushra Ibnauf Sulieman (phải) chụp ảnh với một người bạn học. Ảnh: Khidir Dalouk/AP.

Yasir Elamin, một bác sĩ người Mỹ gốc Sudan ở Houston, cho biết Sulieman là một trong số nhiều bác sĩ liên tục có mặt tại các bệnh viện.

Sulieman và các bác sĩ khác ở Khartoum đã điều trị cho những người bị thương, đỡ đẻ và cung cấp các dịch vụ chăm sóc khẩn cấp khác cho đến khi thành phố trở nên quá nguy hiểm buộc ông quyết định rời khỏi nhà.

Bạn bè và đồng nghiệp nói rằng bác sĩ bị giết vào chính buổi sáng ông quyết định mạo hiểm rời khỏi thủ đô của Sudan cùng với cha mẹ và vợ con.

Các đồng nghiệp cho biết việc chạy thận nhân tạo của cha đã ngăn cản ông Sulieman rời Khartoum sớm hơn.

Ông quyết định đưa cha đi chạy thận nhân tạo hôm 25/4, trước khi rời Khartoum cùng gia đình.

Một nhóm người lạ mặt đã bao vây ông trong sân nhà, đâm dao vào ngực ông trước mặt người thân. Bạn bè nghi ngờ động cơ của nhóm người này là cướp bóc. Ông trở thành một trong hai người Mỹ được xác nhận thiệt mạng ở Sudan trong cuộc giao tranh, cả hai đều mang hai quốc tịch.

"Không vì gì gì cả”, bác sĩ Mohamed Eisa, đồng nghiệp của ông Sulieman ở Sudan, nói về việc ông bị giết.

 Một ngôi nhà bị phá hủy trong giao tranh ở Khartoum, Sudan, ngày 25/4. Ảnh: AP.

Một ngôi nhà bị phá hủy trong giao tranh ở Khartoum, Sudan, ngày 25/4. Ảnh: AP.

Mất mát lớn

Người Sudan ở đất nước họ và ở Mỹ nói việc ông Sulieman bị giết là một mất mát đáng chú ý.

Chủ tịch Phòng khám Tiêu hóa và Bệnh viện Mercy ở thành phố Iowa Tom Clancy cho biết Sulieman là bác sĩ được kính trọng tại đây.

Các đồng nghiệp kể rằng ông quay lại Sudan vài lần trong năm với một số vật tư y tế.

Một y tá tại phòng khám thành phố Iowa gọi ông là một trong những người giỏi nhất. Y tá nói: “Tình yêu của ông dành cho bệnh nhân là trên hết. Các đồng nghiệp coi ông là một bác sĩ mạnh mẽ và đầy nhân đạo, một người đàn ông lạc quan với tiếng cười dễ khiến người ta cười theo”.

Tại Sudan, bác sĩ Sulieman làm việc trong khoa y tại Đại học Khartoum, đồng thời là người sáng lập của một nhóm bác sĩ nhân đạo có tên Hiệp hội Y khoa Mỹ Sudan.

Ông giúp tổ chức vận chuyển thuốc men và đồ tiếp tế đến vùng nông thôn của Sudan, đào tạo các nữ hộ sinh ở nông thôn, và giúp đưa các bác sĩ tim mạch đến thực hiện các ca phẫu thuật miễn phí.

 Khói và lửa bốc lên ở Khartoum, Sudan, ngày 22/4. Ảnh: AP.

Khói và lửa bốc lên ở Khartoum, Sudan, ngày 22/4. Ảnh: AP.

Những nỗ lực của ông vẫn tiếp tục sau khi hai chỉ huy quân sự Sudan bất ngờ xung đột giành quyền lực.

Tại Washington, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby bày tỏ “sự cảm thông sâu sắc nhất” tới gia đình ông Sulieman.

“Các người biết mình đã giết ai không? Các người đã giết hàng nghìn bệnh nhân. Các người đã giết hàng nghìn người nghèo khổ. Các người đã giết hàng nghìn học trò”, Hisham Omar, một đồng nghiệp, viết trên Facebook về mất mát từ sự ra đi của bác sĩ Sulieman.

Hồng Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bac-si-my-bi-giet-o-sudan-khong-vi-gi-ca-post1427210.html