Bác sĩ của những ca khó, việc khó

Là người gắn bó khá lâu với ngành hồi sức tích cực (HSTC) của Bệnh viện Quân y 175 (BVQY 175), Đại tá, Bác sĩ Chuyên khoa II (CK II) Vũ Đình Ân, Phó chủ nhiệm phụ trách Khoa HSTC được mệnh danh là bác sĩ của những ca khó, việc khó. Anh không chỉ nhận được sự kính trọng của đồng đội, đồng nghiệp mà được người bệnh rất quý mến. Có bệnh nhân quyết định đặt tên con theo tên 'Ân' như một sự tri ân sâu sắc về anh và những thầy thuốc Bộ đội Cụ Hồ đã cho họ cuộc sống thứ hai.

“Việc gì khó có bác Ân”

Khoa HSTC được ví như nơi “đầu sóng ngọn gió” của BVQY 175 khi phần lớn bệnh nhân vào khoa đều trong tình trạng ranh giới giữa sự sống và cái chết. Có chứng kiến được không khí làm việc của khoa mới cảm nhận hết được áp lực, cường độ làm việc cao của đội ngũ thầy thuốc của khoa với những cuộc chiến từng giây, từng phút giành lại sự sống cho người bệnh bất kể ngày hay đêm. Công tác tại khoa từ năm 2008 đến nay, trải qua nhiều cương vị, Đại tá, Bác sĩ CK II Vũ Đình Ân cùng tập thể khoa đã xây dựng phương châm làm việc “nhanh chóng, khẩn trương, chính xác, an toàn” làm nên thành công cho rất nhiều ca bệnh nặng. Anh luôn xông pha, tiếp lửa cả về chuyên môn, y đức cho đội ngũ y bác sĩ trẻ trong và ngoài khoa nên được mọi người ví von trìu mến rằng “việc gì khó có bác Ân”.

Nói về công tác chuyên môn, Đại tá, Bác sĩ CK II Vũ Đình Ân chia sẻ rằng, người thầy thuốc nào cũng mang tâm huyết cao nhất là cứu chữa, mang lại cuộc sống, sức khỏe tốt nhất cho nhân dân. Công tác ở khoa đặc thù như HSTC, các y bác sĩ phải nỗ lực nhiều hơn nữa, làm việc với tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm cao nhất để giúp người bệnh có cơ hội sống. “15 năm công tác tại bệnh viện, tôi may mắn được tham gia, xử lý thành công nhiều trường hợp khó, nguy hiểm, chưa có tiền lệ góp phần nâng cao uy tín của khoa HSTC nói riêng, BVQY 175 nói chung” – bác sĩ Ân bộc bạch.

 Bác sĩ Vũ Đình Ân (bên trái) cùng lãnh đạo Bệnh viện Quân y 175 thăm hỏi bệnh nhân trước khi xuất viện.

Bác sĩ Vũ Đình Ân (bên trái) cùng lãnh đạo Bệnh viện Quân y 175 thăm hỏi bệnh nhân trước khi xuất viện.

Bác sĩ Ân nhớ lại, năm 2014, khi một chuyên gia người Nga đang làm việc hỗ trợ tại Quân chủng Hải quân thì bị xuất huyết não nặng. Anh đã tham gia cùng kíp cấp cứu khẩn cấp của BVQY 175 ra TP Nha Trang (Khánh Hòa) để làm nhiệm vụ cấp cứu, điều trị. Sau đó, anh được giao nhiệm vụ trực tiếp vận chuyển bệnh nhân này bằng trực thăng vào BVQY 175 ở TP Hồ Chí Minh để điều trị. “Thời điểm đó, có nhiều chuyên gia không đồng ý vận chuyển vì sợ nguy hiểm tính mạng bệnh nhân, nhưng sau khi tôi xin ý kiến của các chuyên gia y tế trong đó có Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc BVQY 175 và Đại tá, TS Trần Quốc Việt, Phó giám đốc BVQY 175 (nay là Thiếu tướng, Giám đốc bệnh viện), chúng tôi xác định việc để bệnh nhân lại Nha Trang sẽ có nhiều nguy cơ hơn và khẳng định có thể bảo đảm an toàn người bệnh trong chuyến bay. Kết quả là đã vận chuyển an toàn được bệnh nhân về tới bệnh viện, bệnh nhân này sau đó ổn định và chuyển về bên Nga” – Bác sĩ Ân kể.

Câu chuyện cấp cứu góp phần làm nên thương hiệu, uy tín của BVQY 175 là chuyến vượt quãng đường 500 km từ TP Hồ Chí Minh đến Gia Lai mang máy lọc máu để cứu một quân nhân trẻ L.H.T (sinh năm 1996, công tác ở Quân đoàn 3) bị viêm não mô cầu nặng vào tháng 6-2018. Theo bác sĩ Ân, bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn do nhiễm mô não cầu, rối loạn chức năng đa cơ quan, đặc biệt là rối loạn động máu rất nặng, khi bác sĩ Ân cùng các đồng nghiệp của BVQY 175 tiếp cận bệnh nhân thì thấy tất cả các điểm tiêm truyền, mũi, miệng, kết mạc mắt đều bị chảy máu, bệnh nhân vị trụy tim mạch và suy hô hấp nguy kịch, nguy cơ tử vong rất cao.

Được sự chỉ đạo trực tiếp từ Ban giám đốc BVQY 175, bác sĩ Ân đã nhiều lần hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành về hồi sức trong và ngoài quân đội như: Bệnh viện Quân y 211, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115... Bác sĩ Ân nhớ lại: “Lúc này, chúng tôi đã phải huy động cán bộ, chiến sĩ đơn vị để cho máu và truyền máu tươi liên tục mới kiểm soát đông máu cho người bệnh. Do thời điểm này các tỉnh Tây nguyên chưa triển khai kỹ thuật lọc máu nên một quyết định lịch sử khác là tôi đã tham mưu cho BVQY 175 điều ê kíp lọc máu liên tục mang theo máy, vật tư y tế từ TP Hồ Chí Minh lên Gia Lai ngay trong đêm để triển khai lọc máu cho bệnh nhân. Sau 80 giờ lọc máu liên tục, kết hợp với các biện pháp hồi sức tối ưu khác, ngay khi đủ điều kiện vận chuyển an toàn, chúng tôi đưa về BVQY 175 tiếp tục điều trị đến khi xuất viện”.

Bác sĩ Ân nói vui: “Có thể nói đây là lần đầu tiên Việt Nam, chúng tôi gọi là đi “lọc máu dạo”, tức là triển khai kỹ thuật hồi sức công nghệ cao ở nơi vùng sâu, vùng xa, điều kiện còn nhiều khó khăn. Chúng tôi thấy hạnh phúc khi gia đình của thanh niên L.H.T luôn xem các y bác sĩ của khoa như người nhà, thường xuyên hỏi thăm, gửi tặng những sản vật do gia đình nuôi trồng đến chia vui với khoa”.

Lấy họ, tên bác sĩ đặt tên con

Khi thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở TP Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam, Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 của BVQY 175 được thành lập đi vào hoạt động từ tháng 7-2021. Với tính chất khốc liệt, phức tạp của dịch bệnh, bác sĩ Ân được điều động làm Phó giám đốc, Bí thư Đảng ủy Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19. Từ khi đảm nhiệm công tác ở trung tâm, anh chưa một ngày ngơi nghỉ, thường xuyên làm việc xuyên đêm cùng đồng đội, đồng nghiệp để giành lại sự sống cho các bệnh nhân Covid-19 vừa và nặng. Với bác sĩ Ân, những ngày dịch bệnh hoành hành là những hồi ức không thể nào quên trong cuộc đời. Bản thân dường như không ngủ được, cả trung tâm như một thế giới khác biệt với bên ngoài, mọi sự giao tiếp chỉ bằng ánh mắt, ký hiệu và một quy trình mà ai cũng phải hiểu, phải tuân thủ. Chính những lúc “dầu sôi lửa bỏng” như vậy, với bản lĩnh, sự quyết đoán cùng trình độ chuyên môn cao, bác sĩ Ân đã tham mưu, cùng Đảng ủy trung tâm ra nghị quyết lãnh đạo sát đúng, trực tiếp tham gia nhiều ca bệnh nguy kịch, tạo nên nhiều thành tích mới trong điều trị Covid-19 và y học.

Nói về sự sáng tạo, bản lĩnh chuyên môn của y bác sĩ BVQY 175, bác sĩ Ân nhớ lại, tháng 8-2021, trước yêu cầu cấp bách phải cứu sống sản phụ, ê kíp thầy thuốc của BVQY 175 thực hiện sáng kiến mang tính đột phá, lần đầu tiên triển khai, đó là “tách đôi” ECMO (phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể) để cùng lúc cứu chữa hai sản phụ Nguyễn Thị Thu Trinh (huyện Bình Chánh) và Ngô Thị Ngọc Hoài (Quận 12). Quyết định đưa ra nhanh nhưng đều có sự tham vấn chặt chẽ từ các chuyên gia hàng đầu, sự động viên khích lệ của lãnh đạo BVQY 175.

Theo bác sĩ Ân, mỗi máy ECMO thường chạy cho một bệnh nhân mà lúc đó trung tâm có hai máy đều đang sử dụng. Nếu không can thiệp ECMO kịp thời, bệnh nhân Ngọc Hoài có nguy cơ tử vong nhưng nếu tách ECMO thất bại thì cả hai bệnh nhân đều có thể tử vong. Giữa lằn ranh sự sống và cái chết, dưới sự chỉ huy trực tiếp của bác sĩ Ân, sau 45 phút trong đêm, ê kíp y bác sĩ đã thực hiện thành công kỹ thuật ECMO tách đôi cứu sống hai sản phụ mắc Covid-19 nặng đã gây tiếng vang lớn giới chuyên môn, tạo tiền đề tốt cho các kỹ thuật cao hơn, mang lại cơ hội sống tốt hơn cho người bệnh.

Đại tá, Bác sĩ CK II Vũ Đình Ân bế cháu Huỳnh Diệp Chung Ân, con của vợ chồng sản phụ Nguyễn Thị Thu Trinh kế bên.

Đại tá, Bác sĩ CK II Vũ Đình Ân bế cháu Huỳnh Diệp Chung Ân, con của vợ chồng sản phụ Nguyễn Thị Thu Trinh kế bên.

Cảm phục tài năng và để tri ân những thầy thuốc quân đội đã cứu sống mình trong đại dịch Covid-19, hai nữ bệnh nhân Thu Trinh và Ngọc Hoài đã quyết định đặt tên con của mình theo tên, họ của các bác sĩ BVQY 175 lần lượt là Huỳnh Diệp Chung Ân và Vương Diệp Chung Ân. Trong tên gọi của hai cháu thì các chữ Diệp – Chung – Ân được ghép từ họ và tên các bác sĩ gồm: Đại tá Vũ Đình Ân, Thiếu tá Diệp Hồng Kháng, Thượng úy Nguyễn Cảnh Chung. Với hai chị, đó là một cách bày tỏ lòng biết ơn các bác sĩ đã giúp bản thân còn cơ hội sống, hưởng niềm vui trọn vẹn với gia đình, được tiếp tục làm vợ, làm mẹ.

Chị Thu Trinh tâm sự: “Lúc đó, ai cũng mặc đồ bảo hộ, nhưng phía sau có ghi tên nên tôi nhớ rất rõ là bác sĩ Ân, bác sĩ Kháng, bác sĩ Chung. Vợ chồng tôi mong sao cháu Huỳnh Diệp Chung Ân sau này lớn lên noi gương các bác sĩ quân đội, luôn nỗ lực cống hiến phục vụ cộng đồng”. Anh Huỳnh Minh Tâm, chồng chị Trinh cũng bộc bạch rằng: “Những ngày Covid-19, tôi chăm sóc con và rất lo lắng không biết tình trạng của vợ ra sao. Mỗi lần thấy số điện thoại lạ gọi đến là tôi sợ nhận tin xấu. Đến khi có cuộc gọi của của bác sĩ Ân, tôi bật khóc vì vui mừng khi vợ được bác sĩ quân đội cứu sống”.

Còn với chị Ngọc Hoài, cái tên “Vương Diệp Chung Ân” sẽ nhắc nhớ cho con và gia đình về những ân nhân đã giành lại phút giây sum họp đầy đủ sau sự tàn phá khốc liệt của dịch bệnh, như được tái sinh trở lại. Khi các con lớn lên, gia đình sẽ kể lại về cái tên đặc biệt này để các con hiểu thêm bản thân đã ra đời, trưởng thành trong hoàn cảnh dịch bệnh đau thương. Nhớ ơn các bác sĩ để sống xứng đáng hơn, làm người tốt, có ích, biết yêu thương và giúp đỡ mọi người.

Chia sẻ cảm xúc khi người bệnh lấy tên mình đặt tên cho con, bác sĩ Vũ Đình Ân xúc động: “Khi biết cả hai gia đình đều lấy tên, họ các bác sĩ đặt cho con thì đó là niềm vui và tự hào của người thầy thuốc Bộ đội Cụ Hồ, là phần thưởng rất quý, là động lực để chúng tôi tiếp bước trên con đường cứu người, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Như có một sợi dây vô hình gắn kết, đến nay, chúng tôi với các gia đình thân nhau như người nhà. Chúng tôi cảm ơn hai chị, cũng như những người bệnh khác luôn có nghị lực sống mãnh liệt đã tiếp thêm sức mạnh để y bác sĩ dám nghĩ, dám làm”.

Làm tròn nhiều vai

Là đơn vị đầu ngành về hồi sức ở khu vực phía Nam, Khoa HSTC, BVQY 175 trở thành chốt chặn cuối cùng níu giữ sinh mệnh mong manh của các ca bệnh nguy kịch. Ở đây chỉ có tiếng tít tít phát ra từ những chiếc máy thở, thiết bị y tế và những bước chân vội vàng của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng. Khoa hiện có gần 70 bác sĩ, điều dưỡng hàng ngày tiếp nhận đa dạng các ca bệnh nội, ngoại, chấn thương nặng có suy hô hấp, sốc do các nguyên nhân khác nhau, suy đa cơ quan… Trưởng thành từ bác sĩ điều trị Khoa HSTC nên Đại tá, Bác sĩ CK II Vũ Đình Ân hiểu rõ đặc thù, hiểm nguy, vất vả của đồng đội, đồng nghiệp để lãnh đạo, điều hành khoa không ngừng vươn lên hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ.

Đại tá, Bác sĩ CK II Vũ Đình Ân trao đổi chuyên môn với các bác sĩ trẻ tại Khoa Hồi sức tích cực.

Đại tá, Bác sĩ CK II Vũ Đình Ân trao đổi chuyên môn với các bác sĩ trẻ tại Khoa Hồi sức tích cực.

Với anh, người lãnh đạo phải trở thành điểm tựa để cấp dưới dám dấn thân, tự tin cống hiến. Không chỉ là người chỉ huy, anh đã làm tròn nhiều vai khác, từ người chỉ huy, người thầy, người anh, người bạn, đồng nghiệp, thậm chí là người chị để hiểu, tháo gỡ vướng mắc và xây dựng đoàn kết nội bộ tốt cho toàn khoa. Chính vì vậy, khi từ Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 trở lại Khoa HSTC vào tháng 4-2022 với vai trò Bí thư Chi bộ, Phó chủ nhiệm khoa rồi Phó chủ nhiệm phụ trách khoa, anh đã cùng tập thể cấp ủy, chỉ huy lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất xắc nhiệm vụ, được công nhận là “Đơn vị Quyết thắng”.

Thiếu tá, bác sĩ Diệp Hồng Kháng chia sẻ: “Chúng tôi may mắn là cấp dưới, đồng nghiệp, đồng đội là học trò với bác sĩ Vũ Đình Ân. Bác sĩ Ân là minh chứng rõ nét cho người thầy thuốc có tâm và tài vẹn toàn, vừa trách nhiệm cao với công việc, vừa quan tâm sâu sắc với việc nâng cao chất lượng chuyên môn trong đó thường xuyên tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng trẻ. Mọi bác sĩ khi được bác sĩ Ân chỉ dạy đều tiến bộ rõ nét cả về kiến thức, tác phong, kỹ năng, thái độ và kinh nghiệm. Với chúng tôi, bác sĩ Ân là điểm tựa về chuyên môn và là hạt nhân tập hợp, phát huy sức mạnh của khoa”.

Trao đổi với chúng tôi về “bí quyết” thành công, Đại tá, BSCK II Vũ Đình Ân khiêm tốn rằng, bản thân anh gặp được nhiều may mắn nên nền tảng sự kiên trì, quyết tâm phấn đấu không ngừng. Anh luôn nhận được sự đoàn kết, đồng lòng của cả khoa trong các nhiệm vụ, cùng sự hỗ trợ các đơn vị bạn, sự ủng hộ của lãnh đạo bệnh viện. Phần thưởng lớn nhất cũng là động lực của anh, cả khoa cũng như bệnh viện chính là chất lượng điều trị được nâng lên, là niềm tin của bộ đội và nhân dân.

Bài và ảnh: HỒNG GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-14/bac-si-cua-nhung-ca-kho-viec-kho-719882