Bác sĩ Bệnh viện 19-8 xuyên Tết cấp cứu người bệnh

Không khí Tết đã rộn ràng khắp các nẻo đường, nhưng các y, bác sĩ Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) vẫn luôn ứng trực 24/24h bận rộn cấp cứu, điều trị, chăm sóc cho người bệnh. Tết này, có gần 100 bệnh nhân phải ở lại bệnh viện.

Ngoài các ca cấp cứu, bệnh nhân ở lại bệnh viện dịp Tết đều là những bệnh nhân nặng như: Người bệnh chạy thân nhân tạo; bệnh nhân thở máy, thở oxy, lọc máu phải điều trị hồi sức tích cực; bệnh nhân ung thư cần sự giúp đỡ của nhân viên y tế...

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện 19-8 ứng trực đảm bảo công tác cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân trong dịp Tết.

Chăm sóc tốt nhất cho những bệnh nhân nặng

Có mặt tại Khoa Điều trị tích cực và Chống độc, Bệnh viện 19-8, theo ghi nhận của phóng viên Báo CAND, tại đây còn 15 bệnh nhân nặng ở lại điều trị qua Tết Nguyên đán. Các bệnh nhân chủ yếu mắc đột quỵ, chấn thương nặng, đa chấn thương, viêm phổi nặng, suy hô hấp, suy tim, sốc nhiễm khuẩn... phải hồi sức tích cực, thở máy, thở oxy, lọc máu.

Dù là ngày Tết, song các bác sĩ, điều dưỡng ở đây luôn bận rộn, chăm sóc tốt nhất cho từng bệnh nhân.

Các bác sĩ Khoa Điều trị tích cực và Chống độc đang chăm sóc và theo dõi các chỉ số của bệnh nhân nặng, phải thở máy.

Ca bệnh nặng nhất đang phải thở máy, điều trị hồi sức tích cực là bệnh nhân nam 68 tuổi (Tuyên Quang) bị TNGT khi điều khiển xe máy va chạm với xe buýt, bệnh nhân bị văng khoảng 30m và xe máy đè lên người.

Vào nhập viện trong tình trạng đa chấn thương (chấn thương sọ não, chấn thương ngực kín, vỡ xương chậu, gãy 12 xương sườn trái và 7 xương sườn phải), bệnh nhân được chẩn đoán tràn máu, tràn khí màng phổi 2 bên. Sau 7 ngày điều trị hồi sức tích cực, thở máy, bệnh nhân vẫn còn tiên lượng nặng.

Theo ThS.BS Bùi Nam Phong, Trưởng Khoa Điều trị tích cực và Chống độc, Bệnh viện 19-8, hoàn cảnh gia đình người bệnh hết sức khó khăn, bệnh viện và các khoa, phòng đã hỗ trợ, giúp đỡ thêm cho bệnh nhân.

Người bệnh được chăm sóc tận tình trong dịp Tết.

Đang điều trị tại Khoa Điều trị tích cực và Chống độc, Đại úy Nguyễn Văn Thưởng, cán bộ Đội CSGT trật tự, Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) được các y bác sĩ chăm sóc tận tình. Đồng chí
Thưởng bị thương nặng vào tối 7/1 khi cùng tổ công tác của Công an huyện Sóc Sơn thực hiện xử lý vi phạm giao thông và kiểm tra nồng độ cồn tại tuyến đường 35, thôn 3, xã Hồng Kỳ.

Khi đó, tài xế xe ô tô Huyndai Tucson, BKS 30G-730.13 thấy tổ công tác đã bất ngờ quay đầu bỏ chạy và chèn qua người Đại úy Nguyễn Văn Thưởng. Hậu quả khiến đồng chí Thưởng bị chấn thương sọ não. Ngay sau đó, Công an huyện Sóc Sơn nhanh chóng đưa đồng đội đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức.

ThS.BS Bùi Nam Phong và các y, bác sĩ đang chăm sóc, điều trị cho Đại úy Nguyễn Văn Thưởng.

Đồng chí Thưởng đã được các bác sĩ giàu kinh nghiệm của Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật sọ não và điều trị hồi sức tích cực, rồi chuyển về Bệnh viện 19-8 điều trị tiếp.

Hơn 1 tháng sau tai nạn, đồng chí Thưởng đang được chăm sóc tận tình tại Khoa Điều trị tích cực và Chống độc, Bệnh viện 19-8. Theo ThS.BS Bùi Nam Phong, Đại úy Nguyễn Văn Thưởng hiện vẫn còn hôn mê, mở nội khí quản và đang tự thở. Các bác sĩ đang điều trị viêm phổi và chấn thương sọ não cho anh. Do bị thương nặng nên anh vẫn phải chăm sóc toàn diện.

Đại úy Nguyễn Văn Thưởng được chăm sóc toàn diện, đang có dấu hiệu chuyển biến tốt.

Kể từ khi được chuyển về Bệnh viện 19-8, lãnh đạo Bộ Công an, Công an TP Hà Nội, đồng đội thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên thân nhân của anh giữ sức khỏe để chăm sóc anh tốt nhất. Đồng thời, lãnh đạo Bộ Công an, Ban Giám đốc Bệnh viện 19-8, các bác sĩ trong Khoa Điều trị tích cực và Chống độc đặc biệt quan tâm, bảo đảm công tác điều trị tốt nhất cho anh. Đến nay, Đại úy Nguyễn Văn Thưởng đang có dấu hiệu chuyển biến tốt.

Bác sĩ hỏi thăm bệnh nhân.

Là một trong những Khoa trực Tết vất vả, theo BS Phong, ngày Tết số lượng bệnh nhân nặng nhập viện nhiều hơn, những ca vào viện chủ yếu là TNGT, ngộ độc rượu, ngộ độc thực phẩm, đột quỵ… Mỗi kíp trực Khoa bố trí 1 bác sĩ, 4 điều dưỡng, khi cần thiết, sẽ tăng cường thêm kíp trực ngoại trú nếu có cấp cứu hàng loạt hoặc những ca nguy kịch phải cần can thiệp ECMO, lọc máu.

Tai nạn giao thông do rượu bia giảm mạnh

Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện 19-8 vào ngày Tết, bệnh nhân vào cấp cứu không nhiều như ngày thường, nhưng các ca đến viện chủ yếu là nặng.

BSCKII Mạch Thọ Thái, Trưởng Khoa Cấp cứu cho biết, tỷ lệ bệnh nhân bị TNGT do rượu bia vào nhập viện giảm hơn một nửa so với trước. Đặc biệt, các ca TNGT nặng do rượu bia trước hay gặp như chấn thương sọ não, thì nay cũng giảm mạnh.

Nhiều ca bệnh nặng, sau khi cấp cứu được chuyển vào Khoa Điều trị tích cực và Chống độc.

“Trước đây, những ngày Tết, chúng tôi trực cấp cứu rất vất vả, nhiều ca vào viện mùi rượu bia nồng nặc, nôn mửa, đưa đi chụp chiếu rất khó khăn. Người bị TNGT do rượu bia chủ yếu nửa đêm về sáng, đi đường trúng gió tự ngã, hoặc say quá không tự chủ được tay lái, hoặc va chạm xe máy với xe máy, xe máy với ô tô…Các ca này vào viện hầu hết đều nặng. Là bác sĩ, tôi rất đồng tình với quy định người điều khiển phương tiện giao thông trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì không lái xe. Đặc biệt, kể từ khi Bộ Công an triển khai quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn, các ca TNGT do rượu bia vào cấp cứu tại Bệnh viện 19-8 giảm mạnh. Điều này đã mang lại hiệu quả rất tốt”, BS Thái cho hay.

Tết năm nay, bệnh nhân vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện 19-8 do TNGT giảm mạnh.

Hơn chục năm trực cấp cứu Tết, BS Thái cho biết, những năm trước, trung bình 1 ngày đêm, Bệnh viện 19-8 cấp cứu khoảng hơn 30 đến hơn 40 ca TNGT do rượu bia, thì nay giảm xuống dưới 20 ca. Mặc dù bệnh nhân có uống rượu nhưng không say, nên vào viện cũng nhẹ hơn. “Việc ra quân xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn không những đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, đỡ vất vả cho ngành y tế, mà còn đỡ tốn kém cho nhà nước, đặc biệt di chứng của bệnh nhân sau tai nạn cũng giảm đi rất nhiều”, BS Thái nói.

Ngoài TNGT, Khoa Cấp cứu còn tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị tai nạn sinh hoạt như ngã cao 5m, nhưng rất tiếc bệnh nhân tử vong ngoại viện; chấn thương bụng kín vỡ lách, gan; chấn thương ngực, gãy xương sườn…Đặc biệt, mùa đông xuân nhiều ca bệnh mãn tính như tăng huyết áp, tim mạch, đột quỵ não, đột quỵ tim, nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim, cúm A, viêm phế quản, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, khớp mãn tính…thường vào cấp cứu . “Nhiều ca nhồi máu não đến viện trong “giờ vàng”, chúng tôi đã cấp cứu thành công, hồi phục tốt”, BS Thái chia sẻ.

Một ca TNGT nhẹ được đưa vào cấp cứu

Theo khuyến cáo của BS, ngày Tết mọi người thường tiệc tùng, chúc tụng, liên hoan, gặp gỡ đầu Xuân, vì vậy, người dân đã uống rượu, bia thì tuyệt đối không lái xe. Nhất là đối với những người thức khuya, gặp trời lạnh, bị viêm dạ dày dễ dẫn đến biến chứng thủng dạ dày. Thời gian vừa qua, Bệnh viện 19-8 đã tiếp nhận nhiều ca vào cấp cứu do thủng dạ dày. Triệu chứng viêm dạ dày không điển hình, chỉ tới khi người bệnh đau bụng dữ dội, khi tới viện thì dạ dày đã thủng.

Để đảm bảo tất cả người bệnh đến Bệnh viện 19-8 đều được tiếp đón khám, cấp cứu trong dịp Tết Nguyên đán, Bệnh viện đã bố trí các kíp ứng trực tại tất cả các khoa, phòng, cũng như chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư y tế đảm bảo công tác cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất.

Theo BS Thái, Khoa Cấp cứu sáng đèn 24/24h, mỗi kíp trực có 2 bác sĩ, 6 điều dưỡng sẵn sàng ứng trực cấp cứu người bệnh hiệu quả nhất.

Trung tâm Ung bướu ứng trực Tết.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/bac-si-benh-vien-19-8-xuyen-tet-cap-cuu-nguoi-benh-i722507/