Bắc Ninh lan tỏa các mô hình bảo đảm an toàn giao thông trong trường học

Ngành Giáo dục tỉnh Bắc Ninh sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng hơn nữa Bộ quy tắc 'Văn hóa giao thông của người Bắc Ninh' đến toàn bộ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, phụ huynh; thực hiện hiệu quả các chương trình phối hợp với các ngành, địa phương để củng cố, phát huy hiệu quả các mô hình về bảo đảm trật tự ATGT đã xây dựng.

Trường THPT Hàn Thuyên (TP. Bắc Ninh) được lựa chọn thí điểm là trường học đầu tiên xây dựng mô hình “Nhà xe học sinh, sinh viên ATGT” trong toàn tỉnh Bắc Ninh đã hoàn thành toàn bộ 17 tiêu chí đặt ra, đã tạo ra một môi trường tham gia giao thông an toàn cho học sinh và thuận tiện cho công tác quản lý phương tiện giao thông trong nhà trường đã được hình thành.

Bà Đặng Thị Bích Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Hàn Thuyên ( TP Bắc Ninh) cho biết, nhà trường luôn bám sát sự chỉ đạo sát sao của Sở Giáo Dục và Đào tạo, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, sự hướng dẫn chuyên môn của Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an thành phố Bắc Ninh.

Từ khi triển khai mô hình, ý thức tham gia giao thông của cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, tình trạng học sinh gửi xe ngoài trường học không còn nữa. Các em học sinh rất hào hứng tham gia quay, dựng các clip văn hóa giao thông, tình huống giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn để tuyên truyền trong các buổi ngoại khóa và trên nền tảng mạng xã hội…

"Trên mỗi xe của học sinh đều được dán logo ghi thông tin họ tên học sinh, thông tin trường, lớp tại vị trí dễ quan sát phục vụ cho công tác kiểm tra, quản lý tại nhà xe, đồng thời để lực lượng chức năng nhanh chóng hỗ trợ học sinh khi có sự cố xảy ra trên đường…", bà Vân cho biết.

Học sinh Bắc Ninh thực hành mô hình “Đi đến trường an toàn, về nhà an toàn”

Theo Đại tá Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh, mô hình “Nhà xe học sinh, sinh viên ATGT” hướng tới tuyên truyền, quản lý, kiểm soát chặt chẽ các điều kiện liên quan đến phương tiện, độ tuổi điều khiển phương tiện, việc chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên ngay từ trong nhà trường góp phần xây dựng văn hóa giao thông của người Bắc Ninh từ lứa tuổi học sinh.

Thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ tích cực phối hợp với các địa phương, trường học nghiên cứu, đánh giá để nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh, tuyên truyền, kiểm soát ngay từ trong nhà xe của mỗi trường học để giảm thiểu tối đa nguy cơ tai nạn khi tham gia giao thông, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh…

Cũng theo ông Lương, bên cạnh mô hình “Nhà xe học sinh, sinh viên ATGT”, thời gian qua, ngành Giáo dục - Đào tạo cũng tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng duy trì, nhân rộng nhiều mô hình bảo đảm ATGT khác phát huy hiệu quả tích cực như: Mô hình “Đi đến trường an toàn - về đến nhà an toàn” nhân rộng ra 100 trường Tiểu học, THCS; mô hình “Giáo dục ATGT” trang bị tại 108 trường Mầm non; mô hình “Cổng trường ATGT”, “Xếp hàng đón con”,“Nút giao thông an toàn”… được duy trì hiệu quả tại các cơ sở giáo dục góp phần giảm ùn tắc, nâng cao ý thức, trách nhiệm của học sinh, phụ huynh khi tham gia giao thông"

"Bên cạnh giải quyết các vấn đề giao thông ở khu vực trường học, các mô hình hướng tới đa dạng hoạt động tuyên truyền nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng tham giao giao thông an toàn cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, góp phần nâng cao tinh thần tự giác, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm mỗi cá nhân khi tham gia giao thông."- Đại tá Phạm Văn Lương nhấn mạnh.

Bắc Ninh lan tỏa các mô hình bảo đảm ATGT trong trường học

Bà Nguyễn Thị Ngọc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh khẳng định, văn hóa giao thông là cụm từ không mới và được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng, nó cho thấy trình độ văn hóa của người tham gia giao thông, trong đó việc hình thành văn hóa giao thông từ lứa tuổi học sinh đóng vai trò nền tảng quan trọng.

Ngành Giáo dục tỉnh Bắc Ninh sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng hơn nữa Bộ quy tắc “Văn hóa giao thông của người Bắc Ninh” đến toàn bộ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, phụ huynh; thực hiện hiệu quả các chương trình phối hợp với các ngành, địa phương để củng cố, phát huy hiệu quả các mô hình về bảo đảm trật tự ATGT đã xây dựng.

Khi đã có nhận thức tốt thì ý thức tự giác sẽ hình thành, đồng thời các học sinh có thể trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong mỗi gia đình, tổ dân phố, góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa giao thông trong cộng đồng.

Tiến Dũng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/bac-ninh-lan-toa-cac-mo-hinh-bao-dam-an-toan-giao-thong-trong-truong-hoc-post1091767.vov