Bắc Ninh: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp và đô thị gắn với giải quyết an sinh xã hội

Văn miếu Bắc Ninh (Ảnh ST)

(ĐCSVN)- Bắc Ninh là tỉnh mang đặc trưng của nền kinh tế nông nghiệp. Trong quá trình hội nhập, phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nông dân là đối tượng chịu nhiều tác động, đồng thời đây cũng là đối tượng có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hội nhập, phát triển. Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua cùng với phát triển công nghiệp và đô thị, tỉnh Bắc Ninh bước đầu đã quan tâm triển khai công tác đảm bảo an sinh xã hội cho đối tượng nông dân trên địa bàn. Là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, nằm trong tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và là cửa ngõ phía Bắc của thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Với chủ trương và giải pháp khá hợp lý, trong những năm qua kinh tế - xã hội của Bắc Ninh phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng luôn ở mức cao và ổn định. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 (2005-2010), tổng sản phẩm GDP bình quân ước tăng 15,1%/năm. Trong đó, công nghiệp, xây dựng tăng 18,3%, dịch vụ tăng 19,4%, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng 0,4%. Đây là mức tăng trưởng bình quân cao nhất trong các kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm từ khi tái lập tỉnh tới nay. Năm 2009, GDP bình quân đầu người đạt 1500 USD/năm. Cơ cấu ngành kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, năm 2009 tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn 12,7%; công nghiệp, xây dựng và dịch vụ lên 87,3%. Hoạt động văn hóa- xã hội có nhiều kết quả, đời sống nhân dân được cải thiện. Chất lượng giáo dục và đào tạo, công tác khám chữa bệnh cho nhân dân được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 15,2% năm 2005 xuống còn 5,58% năm 2009… Có được kết quả nêu trên là do ngay sau khi tái lập tỉnh (năm 1997), Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh quá trình phát triển công nghiệp và đô thị. Bắc Ninh đã và đang khai thác có hiệu quả các tiềm năng hiện có để trở thành một trung tâm kinh tế - văn hóa, một thành phố vệ tinh của Thủ đô Hà Nội và là một điểm nhấn trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Cùng với việc khai thác lợi thế của các làng nghề thủ công truyền thống, tỉnh đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư, mở rộng về quy mô sản xuất, tiến hành quy hoạch các khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, cụm công nghiệp làng nghề, phấn đấu đến năm 2015 Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Đến nay, tỉnh đã quy hoạch và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 15 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích 7.525 ha, trong đó 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy so với diện tích quy hoạch đạt 42,4%, so với diện tích đã thu hồi đạt 61%. Các khu công nghiệp tập trung đã thu hút gần 200 dự án đi vào hoạt động, trong đó 50% là các dự án đầu tư nước ngoài. Năm 2009: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 20.000 tỷ đồng, đưa công nghiệp Bắc Ninh từ vị trí thứ 19 (năm 2004) lên vị trí thứ 10 (năm 2009) trong toàn quốc, giá trị xuất khẩu công nghiệp đạt gần 1 tỷ USD, nộp ngân sách trên 1 tỷ đồng. Đến nay các khu công nghiệp đẫ giải quyết việc làm cho trên 20.000 lao động là người địa phương góp phần đưa cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng lao động ngành công nghiệp tăng từ 22,3% năm 2005 lên 32% năm 2009, ngành nông nghiệp giảm từ 63,2% năm 2005 xuống còn 46% năm 2009. Cùng với phát triển khu công nghiệp, tỉnh cũng quan tâm đến quy hoạch, phát triển các đô thị, tạo động lực đẩy mạnh phát triển kinh tế thông qua đầu tư vào các đô thị trung tâm. Đến nay, toàn tỉnh có một đô thị loại 3 và một đô thị loại 4 (thành phố Bắc Ninh và thị xã Từ Sơn), 6 thị trấn và nhiều khu đô thị mới khác… Từ năm 1997 đến năm 2008, tỉnh Bắc Ninh đã thu hồi trên 7000 ha đất nông nghiệp, chiếm 15% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh, đã tác động và ảnh hưởng tới gần 30% số hộ, trên 25% số nhân khẩu. Thu hồi đất sản xuất nông nghiệp đồng nghĩa với việc nông dân thiếu việc làm ổn định lâu dài, phải chuyển đổi nghề nghiệp, kéo theo thu nhập, đời sống cũng thay đổi gây khó khăn cho không ít hộ dân. Sớm nhìn nhận đúng vấn đề, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, những năm qua cùng với việc đẩy nhanh phát triển kinh tế, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chính sách quan tâm, hỗ trợ nhằm đảm bảo đời sống cho người nông dân trong diện phải thu hồi đất: Trước hết, tỉnh thực hiện chính sách bồi thường đất nông nghiệp, hoa màu trên đất cho nông dân có đất nông nghiệp thu hồi đảm bảo chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật, có vận dụng phù hợp với đặc điểm và điều kiện của tỉnh theo hướng có lợi cho nông dân. Các quy định về đơn giá bồi thường đất, tài sản trên đất, hỗ trợ các khoản được công khai và khá dân chủ, mức bồi thường bằng hoặc cao hơn các địa phương lân cận cùng điều kiện. Cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp phải thu hồi đất được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm với mức 14.700 đồng/m2 (trước ngày 28/12/2009) và bằng 2,5 lần giá trị đất nông nghiệp từ 28/12/2009 trở đi. Ngoài ra còn hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ xây dựng các công trình phúc lợi thiết yếu khu vực phải thu hồi đất với tỷ lệ tăng dần, năm 2009 tỉnh đã hỗ trợ tới 70% giá trị dự toán các công trình như: đường giao thông, nhà sinh hoạt thôn, khu phố, trường học, hệ thống nước sạch nông thôn… Đối với khu vực nông thôn và nông dân có đất nông nghiệp Nhà nước thu hồi, vấn đề đặt ra là phải chuyển đổi nghề và tạo đủ việc làm mới, ổn định đời sống cho họ. Để thực hiện điều này, từ năm 2000 đến năm 2008, tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp quyết liệt. Công tác đào tạo nghề được chú trọng, thông qua các trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm, nhiều nông dân có đất nông nghiệp thu hồi được hỗ trợ học nghề ngắn hạn tại trung tâm khuyến công, được tư vấn, môi giới tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 21,6% năm 2000 lên 37% năm 2008. Các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh tuyển dụng người địa phương cũng đã góp phần giải quyết số đông lao động là nông dân, nhờ biện này mà tỷ lệ lao động người Bắc Ninh làm trong các doanh nghiệp đóng trên địa bàn chiếm trên 50%. Ngoài ra trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, tỉnh đã hỗ trợ đối tượng cận nghèo đến 70% mức đóng góp, trợ cấp thường xuyên cho người cao tuổi (diện không có lương hưu và phụ cấp) thấp hơn 5 tuối so với quy định của Chính phủ. Cùng với những giải pháp thiết thực, cụ thể trên đây, từ năm 2008 đến nay, Tỉnh ủy đã chủ trương chỉ đạo chính quyền các cấp tổ chức xây dựng và thực hiện quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp nhằm hình thành vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp công nghệ cao, có giá trị thu nhập lớn trên diện tích canh tác; phát triển ngành nghề phi nông nghiệp trong nông thôn để thu hút lao động phải chuyển đổi nghề do chuyển đất nông nghiệp cho phát triển khu công nghiệp và đô thị. Những chủ trương này đang từng bước đi vào cuộc sống và có ý nghĩa khá sâu sắc. Kết quả bình quân mỗi năm có gần 20.000 lao động được giải quyết việc làm mới góp phần tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn từ 73,6% lên 81,2%, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm. Tuy nhiên, thực tế ở Bắc Ninh cũng đang đặt ra những vấn đề bất cập đó là: Việc làm đối với nông dân sau thu hồi đất, nhất là lao động nông nghiệp nữ trên 35 tuổi, trình độ văn hóa thấp. Các chính sách chưa đủ mạnh và chưa đồng bộ, đặc biệt còn thiếu nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù với lao động nông thôn vùng phải thu hồi đất. Tổ chức bộ máy và cán bộ theo dõi,đề xuất vấn đề an sinh xã hôịcho nông dân diện phải thu hồi đất còn rất mỏng,năng lực chuyên môn hạn chế… Bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo ổn định đời sống cho nông dân có đất nông nghiệp Nhà nước thu hồi là quá trình lâu dài, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống thống chính trị nhằm đảm bảo quyền lợi cho nông dân có ý nghĩa thiết thực, thể hiện tầm nhìn vừa sát thực tiễn, vừa hướng tới sự bền vững, lâu dài. Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh trong thời gian qua, những chính sách đảm bảo an sinh xã hội đã bước đầu đem lại hiệu quả, góp phần từng bước ổn định đời sống của người nông dân trong diện phải thu hồi đất. Để người nông dân thực sự yên tâm, phấn khởi trước những thành quả của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, vấn đề đặt ra rất cần có sự quan tâm, chỉ đạo nhiều hơn nữa thông qua việc khảo sát thực trạng đời sống, việc làm cũng như nguyện vọng chính đáng của họ. Qua đó, sớm bổ sung và hoàn thiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội với người nông dân phải thu hồi đất. Việc làm đó cũng chính là nhân tố quan trọng đảm bảo phát triển bền vững của tỉnh Bắc Ninh nói riêng và của đất nước nói chung trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=410039&co_id=30361