Bắc miền Trung lại “oằn mình” chống lũ

TRẮNG ĐÊM ĐÓN LŨ

(Cadn.com.vn) - Chưa kịp khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, trong đêm 31-10 đến sáng 1- 11 người dân vùng “rốn lũ” Hương Khê (Hà Tĩnh) nháo nhào chạy lũ trước nguy cơ lũ chồng lũ.

Sáng ngày 1- 11, ông Lê Quang Vinh- Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão H.Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết, mưa lớn đã khiến 14 xã với khoảng hơn 1.200 hộ bị ngập trong nước lũ, trong đó, hàng trăm hộ bị ngập sâu từ 1- 2m. Mưa lớn kèm theo thủy điện Hố Hô xả lũ khiến người dân ở vùng rốn lũ xã Hòa Hải, Phương Điền và Phương Mỹ phải di dời người và tài sản trắng đêm.

Lũ nhấn chìm nhà dân ở xã Hòa Hải, H.Hương Khê.

Sáng 1- 11, có mặt tại xóm 8 xã Hòa Hải, có hơn 100 hộ dân bị nước lũ vào nhà cao khoảng 1m. Ghi nhận tại đây, chúng tôi thấy gia đình nào cũng tất bật, hối thúc nhau thu dọn, di dời tài sản. Nhiều hộ gia đình phải di dời trâu, bò lên núi để tránh lũ, còn lợn, gà và đồ dùng sinh hoạt được người dân đưa lên nhà bè hoặc chòi tránh lũ. “Đợt lũ này nước không lên nhanh như lần trước. Rút kinh nghiệm đợt lũ trước, tối qua chúng tôi phải thức trắng đêm để di chuyển lợn, gà lên nhà bè. Các đồ dùng sinh hoạt được đưa lên gác xép tránh bị ngập”- anh Phạm Văn Bảo, trú xóm 8 xã Hòa Hải nói. Nước lũ dâng ngập mấp mé thềm nhà, nhiều gia đình ở xã Hà Linh (Hương Khê) bị nước tràn vào.

“Rốn lũ” Phương Mỹ, H.Hương Khê.

Khoảng 9 giờ sáng, nghe tiếng kẻng báo động, nhiều người dân xóm 4 xã Hà Linh đã dùng thuyền, xe bò chở người và vật dụng đi “chạy lũ”. Người dân đưa ti-vi đi gửi ở các nhà cao tầng, trâu bò được đưa lên vùng cao để tránh lũ. Chị Nguyễn Thị Lượng cho biết, vào tối qua gia đình đã sơ tán tài sản đem gửi về nhà ngoại ở vùng cao, sáng nay chị cố di dời một số vật dụng còn lại để tránh nước tràn vào nhà gây hư hỏng.

“Mực nước đang có dấu hiệu dâng cao, chúng tôi lo ngại một trận lũ tiếp theo đổ về. Cách đây hai tuần, gia đình tôi cũng bị lũ tràn vào, gia đình vừa dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, vật dụng để sinh hoạt thì bây giờ lại phải đối mặt với một cơn lũ mới”- anh Nguyễn Văn Việt (trú xã Hà Linh) nói.

Cũng do mưa lớn, nước dâng cao khiến hàng ngàn nhà dân tại Hà Tĩnh bị ngập nước. Trong đó, Hương Khê có 1.200 hộ bị ngập sâu từ 1- 2m; thị xã Kỳ Anh có 547 hộ bị ngập; H.Kỳ Anh có 197 hộ ngập từ 0,5- 1m; Cẩm Xuyên có 885 hộ bị ngập từ 0,5- 1m. Ông Trần Trung Dũng- Giám đốc GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh cho biết, do nước lũ chia cắt nhiều địa bàn ở một số huyện nên ngày 1- 11, toàn tỉnh có hơn 30.000 học sinh thuộc 84 trường ở các bậc học phải nghỉ học.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn kiểm tra tình hình lũ lụt tại H.Hương Khê.

Thuyền đánh cá của anh Nguyễn Tiến Dũng bị sóng đánh chìm, 7 ngư dân được cứu thoát.

Người dân xã Hà Linh, H.Hương Khê chở xe máy chạy lũ.

PHÊ BÌNH THỦY ĐIỆN HỐ HÔ

Chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ trên địa bàn Hà Tĩnh, sáng ngày 1- 11, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Hà Tĩnh đã có chuyến thị sát tại các hồ đập, nhà máy thủy điện Hố Hô và các vùng thấp trũng tại H.Hương Khê.

Kiểm tra quy trình vận hành xả lũ tại hồ Kẻ Gỗ, Bí thư Lê Đình Sơn chỉ đạo cần linh hoạt vận hành xả lũ để đạt mục tiêu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hồ và người dân vùng hạ du. Các địa phương trong vùng ảnh hưởng phải thông báo cho người dân vùng hạ du về lưu lượng xả lũ để người dân chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn về người và tài sản. Tiếp đó, đồng chí Bí thư tiến hành kiểm tra, giám sát quy trình xả lũ tại Nhà máy Thủy điện Hố Hô. Qua kiểm tra nhật ký quy trình xả lũ cho thấy, thủy điện Hố Hô đã tăng lưu lượng xả từ 300 m3/s lên 450m3/s vào 1 giờ sáng và hiện tại đang xả trên 1.000 m3/s. Bí thư Tỉnh ủy nghiêm túc phê bình lãnh đạo Nhà máy Thủy điện Hố Hô không tuân thủ ý kiến chỉ đạo của tỉnh về việc không được nâng mức xả tràn trong tối qua và yêu cầu đơn vị đặc biệt quan tâm việc điều tiết xả lũ gắn với cảnh báo ngập lụt vùng hạ du vì Thủy điện Hố Hô chưa có bản đồ ngập lụt, còi báo động. Nhà máy Thủy điện Hố Hô cần chủ động kết hợp với các địa phương xây dựng kịch bản trong việc xả tràn để thông báo vùng ngập lụt cho người dân chủ động ứng phó.

Cũng tại Hương Khê, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đã kiểm tra công tác phòng chống mưa lũ tại xã Lộc Yên, nơi có 300 hộ bị ngập nước từ 0,5 đến 1,2m. Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao công tác phòng chống mưa lũ của địa phương, đồng thời chỉ đạo chính quyền và người dân không được chủ quan, lơ là; phải luôn trong thế chủ động ứng phó kịp thời khi có tình huống bất thường, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

QUẢNG BÌNH - 2 NGƯỜI CHẾT, 2 NGƯỜI BỊ THƯƠNG VÌ MƯA LŨ

Mưa lớn kéo dài cộng với lượng nước thượng nguồn đổ về, nhiều làng mạn ven sông Gianh ở các xã vùng Nam như Quảng Hải, Quảng Lộc, Quảng Trung (thị xã Ba Đồn); Phù Hóa, Quảng Trường, Cảnh Hóa (H.Quảng Trạch) và Châu Hóa, Văn Hóa, Đức Hóa (H.Tuyên Hóa) ngập, chìm trong biển nước. Nhiều thôn làng bị chia cắt, cô lập hoàn toàn. Nước dâng lên bất thường khiến tuyến đường dẫn qua cầu Quảng Hải nối đôi bờ sông Gianh qua các xã vùng Nam thị xã Ba Đồn bị ngập nặng. Tại xã Quảng Hải do hệ thống đê đất ở thôn Tân Thượng bị sạt lở, hư hại nặng do ảnh hưởng của trận lũ ngày 15- 10 và triều cường cộng thêm mưa lớn kéo dài khiến hàng ngàn nhà dân bị ngập cục bộ.

Tại các xã miền núi Liên Trạch, Sơn Trạch, Phúc Trạch (H.Bố Trạch) cũng bị ngập nặng, lượng nước sông Son đổ về ầm ầm như thác dữ khiến người dân nơi đây không kịp trở tay rơi vào cảnh bấn loạn phải tìm đường lên các ngọn đồi để tránh trú, phó mặc tài sản cho ông Trời.

Tại H.Tuyên Hóa, đợt lũ lụt này đã khiến 2 người dân bị thương là anh Cao Văn Khương ở xã Tiến Hóa và Nguyễn Văn Thìn ở xã Phong Hóa. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có 2 nhà dân bị sập do lũ (1 nhà ở của chị Nguyễn Thị Mai ở xã Thuận Hóa bị sập trong lũ đợt trước, vừa dựng lại thì bị sập tiếp và 1 nhà bếp của 1 hộ dân ở thị trấn Đồng Lê). Tổng số nhà bị ngập lũ toàn huyện đến thời điểm này là 6.128 nhà (trong đó nhà ngập trên 3m: 150 nhà; ngập từ 1 đến 3m: 3.116 nhà; dưới 1m: 2.862 nhà). Số nhà ngập sâu tập trung ở các địa phương: Ngư Hóa, Cao Quảng, Kim Hóa, Lê Hóa, Phong Hóa, Thuận Hóa, Đồng Hóa, Thạch Hóa, Đức Hóa, Mai Hóa, Châu Hóa, Tiến Hóa, Văn Hóa...

2 người tử vong được xác định là ông Trần Minh Hoạch (1963, trú thôn Phú Xuân, xã Quảng Phú, H.Quảng Trạch). Trước đó, vào khoảng 5 giờ sáng 31- 10, ông Hoạch đến tàu cá tát nước để tránh nước ngập máy thì bị ngã, ngay sau đó ông được chuyển vào Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình để cứu chữa nhưng không qua khỏi. 7 giờ sáng 1- 11, người dân đã tìm thấy thi thể của cụ Dư Văn Thử (78 tuổi, trú thôn Vĩnh Phú, xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn) sau 2 ngày mất tích. Trước đó, khoảng 17 giờ 30 ngày 30- 10, cụ Thử đi xe đạp đến hội trường UBND xã Quảng Hòa để nhận quà cứu trợ, trên đường trở về đã bị lũ cuốn trôi.

6 giờ ngày 1- 11, khi đang điều khiển tàu vào bờ neo đậu để tránh lũ thì tàu cá mang số hiệu QB 987.50-TS của ngư dân Nguyễn Tiến Dũng (1982, ở thôn Tân Mỹ, P.Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn) bị sóng đánh chìm tại cửa Gianh, cả 7 ngư dân trên tàu đều rơi xuống sông. Nhận được tin báo, lực lượng Hải đội 2- BĐBP đã đến tiếp cận tàu cá và đưa tất cả 7 thuyền viên vào bờ an toàn. Ngoài ra, còn có 3 tàu cá bị sóng đánh chìm có công suất từ 16- 24 CV của các ngư dân Hoàng Trung Đức, Nguyễn Đình Hợi, Tưởng Hoàng Thành, đều trú tại thôn Xuân Hải, xã Quảng Phú (H.Quảng Trạch).

Xuân Sơn

Quảng Trị ngập nặng

Mưa lớn liên tục trong đêm 31 – 10 và kéo dài đến sáng 1 – 11 đã khiến mực nước sông Hiếu qua H. Cam Lộ dâng cao lên mức báo động 3. Gần 2.000 nhà dân thuộc các xã Cam Thủy, Cam Tuyền, Cam Hiếu, TT Cam Lộ và Cam Thành dọc đôi bờ sông này bị ngập lũ nặng, nhiều thôn xóm bị cô lập, giao thông chia cắt. “Trời vừa sáng là nước đã dâng đột ngột, lấn vào nhà. Nhiều nơi như thôn Tam Hiệp, Lâm Lang 1 và Lâm Lang 2 của xã Cam Thủy lũ “với” gần nóc, nước hỗn dữ lắm, cuốn phăng heo, gà”, ông Nguyễn Văn Loan kể.

Ông Nguyễn Thế Vỹ, Bí thư Đảng ủy xã Cam Thủy cho biết do mực nước dâng cao và đập Tân Kim (ở Cam Tuyền) đã có thông báo kế hoạch xả tràn vào 14 giờ ngày 1 – 11. Trước thời điểm này, xã huy động lực lượng CA, dân quân tự vệ, thanh niên phối hợp cùng với các lực lượng vũ trang đến những địa bàn ngập nặng là Tam Hiệp, Lâm Lang 1 và Lâm Lang 2 để sơ tán, di chuyển toàn bộ người dân đến nơi an toàn. “Công tác này được thực hiện khẩn trương và yêu cầu hoàn thành trước khi đập Tân Kim xả tràn”, ông Nguyễn Thế Vỹ nhấn mạnh.

Ghi nhận tại vùng lũ Cam Thủy vào gần trưa 1 - 11, CAH Cam Lộ, Sư đoàn 968 (QK4) và Ban chỉ huy Quân sự H. Cam Lộ tiếp tục điều động lực lượng và nhiều ca nô thực hiện cứu hộ và sơ tán nhằm đảm bảo tính mạng của nhân dân. Tại TT Cam Lộ, chợ Phiên là chợ trung tâm huyện cũng bị ngập sâu từ 1 đến 2m. Trước tình hình này, lực lượng vũ trang trên địa bàn đã tham gia ứng cứu, di chuyển tài sản, hàng hóa cho tiểu thương. Ông Ngô Quang Chiến, Chủ tịch UBND H. Cam Lộ cho biết tình hình lụt diễn ra nghiêm trọng, thiệt hại về tài sản là rất lớn. Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, giao thông chia cắt, công tác cứu hộ cứu trợ gặp nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần chủ động, chính quyền và các lực lượng H. Cam Lộ nỗ lực đảm bảo lương thực, nhu yếu phẩm cho bà con vùng lũ.

LLVT sơ tán người dân vùng ngập Cam Lộ đến nơi an toàn.

Cũng theo Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Trị, mưa lớn đã khiến một số nơi trong địa bàn tỉnh bị ngập cục bộ, giao thông chia cắt như ở Đakrông, Hướng Hóa. UBND H. Đakrông đã chỉ đạo các lực lượng kiểm soát đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại tại các ngầm, tràn, đường ngập nước khi có lũ. Không cho người và phương tiện qua lại ở những nơi có dòng chảy xiết, cấm nhân dân vớt củi trên các sông, suối. Nhiều hộ dân tại các bản, thôn có nguy cơ sạt lở nặng tại địa bàn miền núi cũng đã được các lực lượng di dời lên vị trí an toàn.

Lực lượng vũ trang trên địa bàn H. Cam Lộ sơ tán người dân vùng ngập nặng
đến nơi an toàn. Ảnh: Bảo Hà

Chủ tịch UBND xã Cam Hiếu (H.Cam Lộ, Quảng Trị) Hoàng Quang Thắng cho biết đến hơn 17 giờ ngày 1 – 11, công tác tìm kiếm nạn nhân Hoàng Hữu Th. (1977, trú thôn Vĩnh An, xã Cam Hiếu) bị lũ cuốn trôi vào trưa cùng ngày vẫn chưa có kết quả. Theo bà con, khi anh Th. và một người nữa thực hiện di chuyển trâu bò trong rốn lũ Vĩnh An lên vị trí an toàn thì không may gặp nạn, bị nước cuốn. 1 người đã được cứu còn anh Th. mất tích. Quá trình tìm kiếm, các lực lượng cứu hộ đã sử dụng nhiều ca nô mở rộng khu vực rà soát. “Nước đang rút dần nên mặc dù đêm tối, bà con của xã và lực lượng cứu hộ sẽ nỗ lực hết mình, tiếp tục đội đèn tìm kiếm nạn nhân”, ông Thắng cho biết thêm.

Bảo Hà

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_157006_ba-c-mie-n-trung-la-i-oa-n-mi-nh-cho-ng-lu-.aspx