“Bạc mặt” với vàng

(ĐTCK) Với số vàng trong dân lên tới hàng trăm tấn, nếu giá vàng không kịp phục hồi chiều 16/4, cả nghìn tỷ đồng đã bị "bốc hơi"!

6 triệu đồnglà mức giá vàng trong nước hiện cao hơn giá thế giới

Với mức giảm gần 200 USD/ounce xuống quanh 1.330 USD/ounce của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng đã giảm theo. Tuy nhiên, do giảm nhẹ hơn, giá vàng trong nước đã gia tăng khoảng cách với giá thế giới lên trên 6 triệu đồng/lượng.

Cầu tăng mạnh…

Thông tin từ Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, chỉ tính đến 15h ngày 16/4, Công ty đã bán ra khoảng 1.500 lượng vàng miếng, trong khi đó, doanh số mua vào chỉ đạt 400 lượng.

Mãi lực vàng miếng tăng mạnh trong ngày 16/4 khi giá vàng giảm và người dân đổ xô đi mua vàng, cho dù giá mặt hàng kim loại quý này bán ra ở thị trường nội địa cao hơn giá thế giới đến 6,2 triệu đồng/lượng. Theo đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc kinh doanh vàng PNJ, sở dĩ giá vàng trong nước không giảm tương ứng so với giá thế giới là do thị trường vàng trong nước và thế giới không được liên thông. Nhu cầu vàng của người dân tăng, trong khi cung về vàng SJC có phần hạn chế. Nhận định về giá vàng thế giới, ông Trọng cho rằng, nhiều khả năng mặt hàng kim loại quý này sẽ lấy đà tăng trở lại sau khi điều chỉnh. Bởi các nhà đầu tư và kể cả các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đang tìm cơ hội giá rẻ mua vào.

Tại SJC, lượng khách hàng đến mua vàng trong ngày 16/4 cũng gia tăng đáng kể, song theo ông Đỗ Công Chính, Tổng giám đốc SJC, các quy định của Nghị định 24 đã có những tác động hạn chế đối với thị trường vàng.

“Thị trường có nhu cầu vàng miếng SJC, nhưng cung không đáp ứng được, dẫn đến tình trạng xuất hiện vàng nhái, vàng giả nhiều hơn. Trước đây, vàng nhái, vàng giả chỉ là vàng thiếu tuổi, không đủ chất lượng, nhưng hiện vàng nhái, giả được làm đủ kiểu, rất tinh vi”, ông Chính nói.

Trên thực tế, nhu cầu vàng của người dân hiện chủ yếu tập trung vào thương hiệu SJC. Nhưng vàng SJC hiện thuộc độc quyền của NHNN và Công ty SJC chỉ là đơn vị gia công, thay vì sản xuất và trực tiếp đưa hàng ra thị trường như trước đây.

Để bình ổn thị trường và tăng cung, thời gian gần đây, NHNN đã tổ chức đấu thầu bán vàng. Tuy nhiên, giá vàng trong nước đã không vì thế mà thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới, trái lại, còn doãng ra.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết, cách tốt nhất để bình ổn thị trường vàng và ổn định cung - cầu hiện nay chính là khuyên người dân nên mua vàng nhẫn, thay vì chỉ chọn vàng miếng SJC. Vì theo quy định tại Nghị định 24 thị trường đã thu hẹp các đơn vị được kinh doanh vàng miếng, trong khi vàng nhẫn không bị kiểm soát. Tuy nhiên, việc mua vàng nhẫn cũng sẽ có nhiều rủi ro cho khách hàng.

Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGB) Trần Thanh Hải cho rằng, người dân nên bình tĩnh trước sự biến động của giá vàng hiện nay, vì giá vàng thế giới chưa biết rơi đến lúc nào. Mặt khác, với độ vênh hơn 6 triệu đồng/lượng, NHNN sẽ can thiệp vào thị trường và khi can thiệp thì giá sẽ xuống thấp hơn.

… nhưng cung không đủ

Nguyên nhân khiến giá vàng SJC cao hơn giá thế giới cũng như cao hơn so các nhãn hiệu vàng miếng khác là do vai trò độc quyền của NHNN.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc đấu thầu bán vàng được NHNN đưa ra trong thời gian qua, với tổng khối lượng bán được qua 7 phiên là 183.900 lượng vàng (tương đương 7 tấn vàng) vẫn không đủ để đưa được giá vàng trong nước về gần hơn với giá thế giới.

Theo TS Phạm Đỗ Chí, nguyên nhân khiến giá vàng SJC cao hơn vàng thế giới vẫn là cung chưa đáp ứng đủ cầu, phát sinh từ nhu cầu mua gom của các NHTM do tình trạng âm trạng thái vàng quá mức cho phép trong năm qua. Hạn chót để các ngân hàng tất toán các hợp đồng huy động vàng là 30/6 tới đây. Trong khi đó, vàng SJC (thương hiệu do NHNN độc quyền), chưa được gia công kịp so với nhu cầu hiện có của thị trường. Nhiều doanh nghiệp sở hữu các thương hiệu vàng miếng khác chưa kịp chuyển đổi sang vàng nhãn hiệu SJC.

Ông Chí dự báo, vàng còn đà lên trong 2 - 3 năm tới, nhưng các nhà đầu tư phải thận trọng chuyện đầu cơ hay lướt sóng vàng ngắn hạn. Vì giá trị tăng dài hạn từ nhiều năm trong lịch sử, vàng chỉ nên là công cụ chống lạm phát và “trú ẩn tài chính” (10 - 20%) trong một danh mục đầu tư cá nhân dài hạn hay là công cụ đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của một ngân hàng trung ương. Các lý do chính được ông Chí đưa ra là chứng khoán đang có giá rất hấp dẫn, nhưng vẫn chờ tín hiệu rõ ràng của tình hình vĩ mô được cải thiện trước khi có thể “bùng phát” và phát triển bền vững như kênh gây vốn dài hạn. Bất động sản còn đang trong tình trạng “đóng băng” và khó là cơ hội đầu tư ngắn hạn cho tới 2014 - 2015. Tuy nhiên, với các chính sách về quản lý thị trường vàng hiện nay còn bất cập.

Đối với việc đấu thầu vàng do NHNN thực hiện, đại diện một ngân hàng cho biết, Ngân hàng ông cũng liên tục trúng thầu trong các phiên đấu thầu vàng vừa qua, tuy nhiên, mục đích cuối cùng là để hưởng mức giá chênh lệch 100.000 đồng/lượng.

Vì thế, nguồn cung vàng được NHNN đưa ra dưới hình thức đấu thầu chưa thể đáp ứng được lực cầu, nhất là khi giá vàng giảm mạnh, mãi lực tăng cao như hiện nay.

“Giá vàng trong nước lên cao có lý do theo xu hướng của giá vàng thế giới, vì Việt Nam không phải là quốc gia có nhiều mỏ vàng, càng không là quốc gia có ngành công nghiệp khai thác hay sản xuất vàng xuất khẩu, mà chính là quốc gia nhập khẩu vàng. Tuy nhiên, khoảng cách giữa giá vàng nội địa và thế giới liên tục bị nới rộng là điều cần sớm xử lý”, một chuyên gia tài chính nhận xét.

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/GL/N/DJCHJI/bac-mat--voi-vang.html