Bắc Kinh náo loạn khi Covid-19 tấn công trường học ở Trung Quốc

Sau khi phát hiện một giáo viên mắc Covid-19, Trung Quốc đã cách ly hàng trăm học sinh. Thế nhưng bất chấp các biện pháp mạnh tay, nước này vẫn đối mặt với làn sóng dịch tồi tệ.

Tối muộn ngày 1/11, nhiều cha mẹ vẫn tập trung bên ngoài một trường tiểu học ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Họ đang chờ con của mình, những đứa trẻ mắc kẹt trong vụ phong tỏa chớp nhoáng sau khi một giáo viên được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2.

Sau nửa đêm, hiệu trưởng đi ra và thông báo rằng một số học sinh sẽ phải cách ly. Mỗi đứa trẻ có một phụ huynh đi cùng trong thời gian cách ly hai tuần. Đối với những học sinh chưa có kết quả, phụ huynh được yêu cầu mang chăn và gối đến để các em qua đêm ở trường.

Các học sinh trường trung học gần đó cũng phải cách ly. Con của giáo viên bị nhiễm bệnh nêu trên đang học ở đó và đã có các triệu chứng.

Trong khi đó, 16 trường học khác ở Triều Dương, Bắc Kinh phải đóng cửa vì các nhân viên có thể đã tiếp xúc với mầm bệnh khi họ tiêm mũi thứ ba tại cùng điểm tiêm chủng với giáo viên bị nhiễm bệnh. Tổng cộng, hơn 400 người đã được yêu cầu cách ly.

Có lẽ không nơi nào trên thế giới mà một ca mắc Covid-19 có thể kích hoạt hệ thống kiểm dịch và truy vết trên diện rộng như ở Trung Quốc, Bloomberg nhận định.

 Người đi đường đeo khẩu trang ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AP.

Người đi đường đeo khẩu trang ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AP.

Ngày càng nghiêm ngặt

Trung Quốc đang tăng cường đối phó với sự trỗi dậy của làn sóng dịch mới. Giới chức nước này cố gắng áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Delta. Tuy nhiên, thủ đô Trung Quốc vẫn không tránh được đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất kể từ đầu năm tới nay với khoảng 39 trường hợp có triệu chứng đã được ghi nhận.

Bất chấp các đợt bùng phát dịch đang tăng với tốc độ nhanh hơn, lan rộng hơn và vượt qua nhiều biện pháp từng được áp dụng để kiểm soát dịch bệnh trước đó, không dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc có ý định từ bỏ chiến lược “Zero Covid-19”.

Trong động thái gần nhất, Bắc Kinh dường như sẵn sàng chịu đựng cái giá lớn để đẩy lùi dịch bệnh. Vừa qua, Bộ Thương mại Trung Quốc đã kêu gọi người dân tích trữ nhu yếu phẩm. Tờ báo nhà nước Economic Daily đánh giá cách tiếp cận này sẽ giúp người dân Trung Quốc sẵn sàng trong các trường hợp khẩn cấp để đối phó với tình trạng phong tỏa.

Và mặc dù thế giới chứng kiến “sự xoay trục" của nhiều quốc gia từng theo đuổi chính sách “Zero Covid-19” chuyển sang sống chung với dịch bệnh, chính phủ Trung Quốc vẫn cam kết siết chặt các biện pháp để ngăn chặn sự bùng phát hiện nay.

Trong lúc các nước như Singapore và Australia chịu nhiều thiệt hại về mặt kinh tế và xã hội khi phong tỏa, Trung Quốc vẫn nhận thấy đây là khoản phí “tích cực".

Gần đây, một trong những cố vấn hàng đầu Trung Quốc, ông Chung Nam Sơn, cho biết các biện pháp nghiêm ngặt được thực hiện để ngăn chặn virus còn ít tốn kém hơn so với cái giá mà quốc gia đông dân nhất thế giới phải trả nếu mở cửa biên giới và gây ra đợt bùng phát mới.

“Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài chính sách ‘không khoan nhượng' vì virus lây lan và nhân bản nhanh chóng”, ông Chung cho biết. “Việc mở cửa và để Covid-19 lây lan không kiểm soát trên thực tế còn tốn kém hơn”.

 Nhân viên y tế xét nghiệm cho trẻ em ở Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Nhân viên y tế xét nghiệm cho trẻ em ở Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Sự xuất hiện của biến chủng Delta đã buộc nhiều quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải từ bỏ chính sách "không khoan nhượng". Tuy nhiên, những thách thức trong việc ngăn chặn dịch bệnh lại có tác động ngược lại ở Trung Quốc.

Các nhà chức trách đã tăng gấp đôi nỗ lực, ra lệnh phong tỏa nhanh, truy vết tích cực và xét nghiệm hàng loạt sau khi phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng. Nước này đã thành công dập tắt ba đợt dịch lớn kể từ khi biến chủng Delta lần đầu tiên xuất hiện ở tỉnh Quảng Đông vào tháng 5.

Tuy nhiên, Delta vẫn đang tìm cách lách qua các khe hở và khiến giới chức y tế trên toàn quốc phải “căng mình” giải quyết các ca mắc mới. Thời gian giữa các đợt bùng phát đang ngắn hơn bao giờ hết và hiện Trung Quốc phải đối phó với đợt bùng phát thứ 4 trong những tuần gần đây.

Suy thoái tài chính

Vào tháng 8, khi Trung Quốc sắp kiểm soát được làn sóng dịch đầu tiên do biến chủng Delta gây ra, bộ trưởng Y tế nước này nói với hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã rằng kiểm soát Covid-19 là “ưu tiên số một” của đất nước. Ông cho biết cách tiếp cận này hỗ trợ mạnh mẽ sự phát triển kinh tế và cung cấp một môi trường lành mạnh để đầu tư.

Thế nhưng, trong khi cách chống dịch của Trung Quốc vẫn đang phát huy hiệu quả, thị trường tài chính bắt đầu trở nên “khó chịu” với phương thức tiếp cận này.

Trung Quốc đang phải áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt thường xuyên hơn, dẫn đến những gián đoạn đè nặng lên nền kinh tế và cuộc sống của người dân.

“Các nhà đầu tư lo ngại rằng các biện pháp của Bắc Kinh có thể làm hạ nhiệt hoạt động kinh tế của Trung Quốc và cản trở sự phục hồi của nước này”, Steven Leung, Giám đốc điều hành tại UOB Kay Hian ở Hong Kong, cho biết.

Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đã giảm 1,9% vào chiều 3/11, trong khi chỉ số Nhóm các doanh nghiệp Trung Quốc trên Hang Seng của Hong Kong lao dốc, mất 2,2% vừa tăng trước đó.

 Người dân xếp hàng để tiêm mũi thứ ba ở Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Người dân xếp hàng để tiêm mũi thứ ba ở Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Theo Bloomberg, cuộc sống hàng ngày của nhiều người Trung Quốc cũng đang ngày càng chịu ảnh hưởng nặng nề từ các biện pháp chống dịch.

Một số biện pháp mới được cho là “phi lý", từ việc hàng chục nghìn khách bị nhốt tại Disneyland ở Thượng Hải, đến chuyển mọi đèn tín hiệu giao thông sang màu đỏ để hạn chế đi lại sau khi phát hiện một ca dương tính ở huyện Duyên Sơn, tỉnh Giang Tây.

Dẫu vậy, ông Chung vẫn nhận định tỷ lệ tử vong toàn cầu ở khoảng 2% là không thể chấp nhận được. Vì vậy, sự thay đổi chiến lược đối phó Covid-19 của các quốc gia từng theo đuổi “Zero Covid-19” khiến phát sinh lượng lớn ca nhiễm, dẫn đến một sự kiện nguy hiểm.

“Họ phải thắt chặt (các biện pháp) một lần nữa, và trước sau điều này cũng sẽ gây ra chi phí và tác động tâm lý còn lớn hơn đối với người dân”, ông Chung nói.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bac-kinh-nao-loan-khi-covid-19-tan-cong-truong-hoc-o-trung-quoc-post1275070.html