Bác kháng cáo kêu oan, cựu Tổng Giám đốc công ty Bình Hà y án 12 năm

Tòa cấp phúc thẩm xét thấy không có căn cứ chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Đinh Văn Dũng, theo đó cựu Tổng Giám đốc công ty Bình Hà vẫn y án 12 năm tù.

Chiều ngày 29/6, sau một ngày xét xử, tranh luận công khai theo trình tự phúc thẩm vụ án Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà (công ty Bình Hà) và công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng (công ty Trung Dũng), HĐXX của TAND Cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra phán quyết cuối cùng.

Phiên tòa phúc thẩm được mở do có kháng cáo kêu oan của bị cáo Đinh Văn Dũng (cựu Tổng Giám đốc công ty Bình Hà) và kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của hai bị cáo là Đoàn Hồng Dũng (cự Giám đốc công ty Trung Dũng) và Nguyễn Thị Thanh Sơn (thành viên góp vốn của công ty Trung Dũng).

Ngoài ra, trong vai trò người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, chị Trần Lan Phương (con gái ông Trần Bắc Hà – cố Chủ tịch BIDV ) đã thừa kế quyền và nghĩa vụ về việc kháng cáo của mẹ đẻ là bà Ngô Kim Lan (vợ ông Hà, đã mất). Chị Phương không đồng tình với việc tòa cấp sơ thẩm tuyên tiếp tục kê biên một số bất động sản đứng tên bà Lan vì cho rằng đó là tài sản riêng của mẹ mình, không liên quan tới ông Trần Bắc Hà. Chị Phương đề nghị được giữ lại một số nhà đất để gia đình có nơi sinh sống.

Căn cứ vào quá trình xét xử cùng việc nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ vụ án, HĐXX cấp phúc thẩm xét thấy tòa cấp sơ thẩm xử phạt các bị cáo là đúng người đúng tội. Theo đó, Ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, đã chết) chỉ đạo cấp dưới tại BIDV và BIDV Hà Tĩnh, Hà Thành cho công ty Bình Hà (công ty "sân sau" của Trần Bắc Hà) và công ty Trung Dũng vay trái quy định, gây thất thoát cho BIDV số tiền đặc biệt lớn là gần 1.700 tỷ đồng.

Trong khi đó, công ty Bình Hà mới thành lập, chưa có bất cứ hoạt động kinh tế phát sinh, thuộc doanh nghiệp chưa đủ điều kiện xếp hạng tín dụng theo tiêu chuẩn của BIDV...

Mặc dù đã đánh giá và thẩm định dự án có 8 yếu tố rủi ro có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án, nhưng theo sự chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà, BIDV đã thẩm định, đề xuất và phê duyệt cho công ty Bình Hà vay vốn.

Quá trình giải ngân, BIDV đã không kiểm soát dòng tiền có được sau kinh doanh, để các cổ đông công ty Bình Hà sử dụng vốn vay không đúng mục đích, thông qua các nhà thầu chiếm đoạt và chiếm dụng tiền giải ngân của BIDV... Tổng dư nợ của công ty Bình Hà tại BIDV không có khả năng thu hồi là hơn 799 tỷ đồng.

Tương tự, mặc dù thẩm định, đánh giá tình hình tài chính của công ty Trung Dũng gặp khó khăn... nhưng tháng 8/2011, nhóm cựu lãnh đạo ngân hàng BIDV vẫn thực hiện việc cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn 700 tỷ đồng cho công ty Trung Dũng...

Tòa phúc thẩm bác kháng cáo kêu oan của Đinh Văn Dũng.

Qua phiên tòa phúc thẩm, HĐXX nhận thấy bị cáo Đinh Văn Dũng là người tham gia chuyển dòng tiền của BIDV vào các tài khoản của mình. Bị cáo Đinh Văn Dũng cùng Trần Duy Tùng (con ông Hà), Trần Anh Quang (cháu ông Hà) sử dụng số tiền này. Do đó, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo kêu oan của Dũng.

Tương tự, HĐXX cấp phúc thẩm xét thấy không có căn cứ giảm nhẹ hình phạt cho hai bị cáo Đoàn Hồng Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn vì 2 người đã chiếm đoạt số tiền lớn của BIDV, thực tế công ty Trung Dũng cũng không trả số nợ lớn của ngân hàng. Bản án 18 năm tù cho bị cáo Hồng Dũng và mức án 3 năm tù cho bị cáo Sơn là quá nhẹ, không thể giảm hơn.

Do đó, tòa phúc thẩm quyết định giữ nguyên án sơ thẩm về phần hình phạt đối với 3 bị cáo. Cụ thể, bị cáo Đinh Văn Dũng y án 12 năm tù, bị cáo Đoàn Hồng Dũng lĩnh 18 năm tù và Nguyễn Thị Thanh Sơn lĩnh 3 năm tù cùng về tội Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản.

Riêng kháng cáo của bà Ngô Phương Lan – vợ ông Trần Bắc Hà (đã chết) ủy quyền cho con gái là chị Trần Lan Phương tham gia tố tụng, tòa cấp phúc thẩm ghi nhận chị Phương xuất trình các tài liệu thể hiện một căn nhà đứng tên bà Lan tại phố Bà Huyện Thanh Quan (TP.HCM) là tài sản riêng của bà Lan; được lập thỏa thuận với ông Hà theo đúng quy định. Bà Lan cũng có di chúc để lại căn nhà này làm nơi thờ cúng tổ tiên. Do đó, HĐXX quyết định giải tỏa kê biên với nhà đất của bà Lan tại phố Bà Huyện Thanh Quan.

Nguyễn Thị Thúy

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bac-khang-cao-keu-oan-cuu-tong-giam-doc-cong-ty-binh-ha-y-an-12-nam-a518573.html