Bắc Kạn: Đa dạng hóa sinh kế để giảm nghèo bền vững

Cùng với các chương trình, dự án khác, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất để từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Bế giảng lớp đào tạo nghề cho người dân xã Dương Quang, TP. Bắc Kạn.

Đây cũng là việc cụ thể hóa Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (Dự án 2 - Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025). Thực tế, đã có hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo được thụ hưởng nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế.

Cụ thể như tại huyện Na Rì, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Quang Kế, thực hiện Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, trong năm 2022 huyện lựa chọn 06 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng gồm 01 dự án hỗ trợ công cụ, dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và 05 dự án chăn nuôi lợn bản địa tại 06 xã (Đổng Xá, Dương Sơn, Xuân Dương, Văn Minh, Văn Vũ và Lương Thượng); năm 2023 thực hiện 09 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng gồm 04 dự án chăn nuôi, 02 dự án trồng dong riềng, 03 dự án hỗ trợ công cụ, dụng cụ phục vụ sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt; 07 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị.

Quá trình tổ chức hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế trên địa bàn huyện Na Rì đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần đưa số hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm 2,6% so với đầu kỳ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tham gia vào các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế còn thấp. Điều này ít nhiều ảnh hưởng tới kết quả thực hiện các chính sách liên quan tới công tác giảm nghèo ở địa phương; ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân nguồn vốn.

Trên phạm vi toàn tỉnh, để bảo đảm việc tổ chức Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đạt hiệu quả thiết thực, tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển tập trung tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng các mô hình, dự án phát triển sản xuất liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đồng thời, nhằm khơi dậy trách nhiệm của người dân, khi tổ chức thực hiện, Nhà nước hỗ trợ theo dự án, theo đề xuất của nhóm cộng đồng cùng sở thích, tự nguyện tham gia và đóng góp một phần kinh phí đối ứng với phần ngân sách Nhà nước.

Đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai 140 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất về nông nghiệp với hơn 2.800 hộ tham gia. Các dự án triển khai bảo đảm quy trình, đối tượng tham gia theo quy định. Kết quả đạt được đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của toàn tỉnh giảm 2,66% so với đầu kỳ (giảm từ 27,37% xuống còn 24,71%), đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Một điều khá quan trọng là quá trình thực hiện người dân làm quen với hình thức phát triển sản xuất tập thể, tổ hợp tác, nhóm hộ, liên kết, đối ứng, ràng buộc trách nhiệm lẫn nhau.

Từ kết quả đạt được, để thực hiện có hiệu quả Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, thời gian tới, yếu tố rất quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, tích cực tham gia các dự án, mô hình liên kết sản xuất, tích cực học nghề. Các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả các dự án; xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất, đa dạng sinh kế phù hợp với nhu cầu của người dân và thực tế từng địa phương nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, thường xuyên tổ chức đánh giá kết quả thực hiện để kịp thời khắc phục những mặt hạn chế và nhân rộng các cách làm hay, mô hình hiệu quả…/.

Hoàng Vũ

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/bac-kan-da-dang-hoa-sinh-ke-de-giam-ngheo-ben-vung-post57734.html