Bác Hồ với đất và người Thái Nguyên, kỳ 2

Thời kỳ tiền khởi nghĩa, khi Bác về Pác Bó đã có ngay ý định phát triển cơ sở xuống Thái Nguyên, bởi Người biết rằng Thái Nguyên là một địa bàn quan trọng: 'Tiến có thể đánh, lui có thể giữ' và mảnh đất, con người nơi đó trọng nghĩa khí, có truyền thống cách mạng.

“Non xa xa, nước xa xa

Nào phải thênh thang mới gọi là

Đây suối Lê Nin, kia núi Mác

Hai tay xây dựng một sơn hà”

Thời kỳ tiền khởi nghĩa, khi Bác về Pác Bó đã có ngay ý định phát triển cơ sở xuống Thái Nguyên, bởi Người biết rằng Thái Nguyên là một địa bàn quan trọng: “Tiến có thể đánh, lui có thể giữ” và mảnh đất, con người nơi đó trọng nghĩa khí, có truyền thống cách mạng.

Di tích Tổng Luyên, huyện Ba Bể (Bắc Kạn). Ảnh: T.L

Từ tầm nhìn như vậy, sau 4 tháng từ khi về nước và sau Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941), Bác đã cử 2 cán bộ là Nông Văn Quang và Trương Văn Thiết về Định Hóa tìm và liên lạc, chuyển thư của Bác cho đồng chí Vũ Hưng (năm 1931-1932 là Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam, năm 1932 lên Định Hóa gây dựng cơ sở cách mạng).

Thời kỳ này, việc liên lạc giữa căn cứ Cao Bằng với các tỉnh miền xuôi được Bác coi là đặc biệt quan trọng. Bác giao cho các đồng chí Võ Nguyên Giáp và Lê Thiết Hùng phụ trách Ban xung phong Nam tiến, có nhiệm vụ khơi thông, phát triển con đường Nam tiến.

Con đường Nam tiến bắt đầu được các đồng chí thực hiện theo 2 hướng. Ở hướng Thái Nguyên, con đường xuất phát từ Đông Khê (Cao Bằng) tới Bắc Sơn (Lạng Sơn), Đình Cả (Võ Nhai - Thái Nguyên). Theo chỉ thị của Bác, hướng này sẽ Bắc tiến để hội quân với đoàn Nam tiến ở Chợ Chu (Định Hóa).

Ở hướng Tây, các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Thiết Hùng phụ tránh Ban xung phong Nam tiến, mở con đường từ Nguyên Bình qua Ngân Sơn, Chợ Rã, Chợ Đồn, lối liền với Định Hóa, Đại Từ (Thái Nguyên) và Sơn Dương (Tuyên Quang).

Đến tháng 10-1943, 2 đội quân của 2 trung tâm Cao Bằng và Bắc Sơn –Võ Nhai đã thông với nhau tại Nghĩa Tá (Bắc Kạn).

Sau khi rời Cao Bằng, đoàn cán bộ tháp tùng Bác đi đến Lũng Sao, xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn, rồi Bác đến Tổng Luyên thuộc thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể. Ngày 17/5/1945, Bác Hồ và đoàn công tác dừng chân nghỉ tại Nà Pay, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn và tại đây đã diễn ra cuộc gặp giữa Bác và đồng chí Võ Nguyên Giáp. Bác giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tìm một địa điểm có dân tốt, có cơ sở cách mạng tốt, địa hình tốt có thể làm trung tâm liên lạc giữa miền xuôi và miền ngược, và gợi ý có thể là khu vực Chợ Chu.

Sau cuộc gặp mặt này, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã trở lại Kim Quan Thượng (Tân Trào) bàn với đồng chí Song Hào, quyết định chọn Tân Trào làm Trung tâm liên lạc.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Bác và Trung ương có ngay Chỉ thị: “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng kể: Sau ngày 9-3, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chúng tôi về đến Chợ Chu (Định Hóa - Thái Nguyên) và tổ chức Lễ sáp nhập với Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân, tại Làng Quặng, xã Định Biên Thượng (Định Hóa).

Ngày 14/8/1945, Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng Minh, Bác ra lời kêu gọi: Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Ngày 16/8/1945, từ Tân Trào phát đi lệnh Tổng khởi nghĩa. Cùng ngày, Đội Việt Nam Giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp và Đàm Quang Trung chỉ huy vượt đèo Khế qua các xã của huyện Đại Từ, tập kết tại chùa Đán (khi đó thuộc Đồng Hỷ), chuẩn bị đánh chiếm tỉnh lỵ Thái Nguyên.

Chiều 20-8, tại Sân vận động thị xã, Ủy ban Khởi nghĩa do đồng chí Võ Nguyên Giáp đứng đầu tổ chức cuộc mít tinh thành lập Chính quyền cách mạng tỉnh Thái Nguyên, do đồng chí Trung Đình làm Chủ tịch.

Tối muộn ngày 22/8/1945, trên con đường vừa được giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến thị xã Thái Nguyên. Dù còn rất mệt do trận ốm trước đó và chặng đường mấy ngày vừa đi, nhưng Bác vẫn gặp gỡ lãnh đạo tỉnh, căn dặn những việc cần làm ngay và cả những việc tiếp theo như một sự tiên tri.

Vậy là, sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển; sau 5 năm tiếp tục theo dõi phong trào ở Thái Nguyên, lần đầu tiên Bác đến Thái Nguyên sau ngày có chính quyền cách mạng. Nhân dân Đại Từ, Đồng Hỷ, thị xã Thái Nguyên, Phổ Yên, Sông Công có vinh dự lần đầu tiên đón Người trên đường về Thủ đô trong những ngày tháng Tám lịch sử năm 1945.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh/202312/bac-ho-voi-dat-va-nguoi-thai-nguyen-ky-2-f37229f/