Bác Hồ với Đại đoàn quân Tiên phong

Sư đoàn 308 hay Đại đoàn quân Tiên phong là sư đoàn bộ binh chủ lực được thành lập đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, được sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng và quân đội.

Đồng chí Ngọc Diệp, nguyên diễn viên của đoàn Văn công Sư đoàn 308 nhớ lại ngày trước buổi Sư đoàn 308 lên đường đi tham gia chiến dịch: Khi ấy trời bắt đầu vào đông, bầu trời xám xịt và gió thổi buốt giá trên những hàng cây. Trên một khu đồi rộng, đại diện các đơn vị toàn Đại đoàn có mặt, đội ngũ chỉnh tề.

Các đơn vị xếp đội ngũ theo các khối: bộ binh, trợ chiến, công binh, thông tin. Khối trợ chiến trông oai phong nhất, các loại súng đại liên, súng cối, bazoca, DKZ đặt trước hàng quân, còn bộ binh thì ngồi súng kề vai, các đơn vị thông tin thì tua tủa cần ăng ten râu của đài 25 oát chọc thẳng lên trời.

Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với một đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 - Ảnh: T.L

Bỗng có tiếng vỗ tay khi hai thủ trưởng Đại đoàn là Song Hào và Vương Thừa Vũ tiến vào. Nhưng dường như không ai tin nổi mắt mình nữa, bởi đi giữa hai thủ trưởng Đại đoàn là Bác, Bác Hồ, Bác Hồ thật rồi. Tiếng vỗ tay giữa ngọn đồi mênh mông mà rền vang như sấm dậy. Bác bước lên giơ cao hai tay, rồi dập xuống dứt khoát. Thế là im phăng phắc. Bác hỏi ở đây có các cháu gái không? Ngọc Diệp và chị nuôi Lan đồng thanh thưa:

- Có ạ.

Bác bảo:

- Các cháu ngồi lên chỗ cao nhất đây.

Ngọc Diệp và Lan được ngồi cách Bác độ vài mét, sung sướng quá. Các chị chăm chắm nhìn Bác, vị lãnh tụ thiêng liêng, thấy Bác mặc bộ quần áo kaki màu vàng nhạt, và chiếc áo bông cũng đã cũ, cổ quấn khăn, đầu đội chiếc mũ cát két. Càng nhìn càng thấy Bác giống trên ảnh treo. Bác có quyển sổ nhỏ, Diệp thấy chi chít toàn chữ nho. Bác nhìn một lượt rồi nói:

- Nào, bây giờ các cô các chú hát đi, hát cho Bác nghe với nào!

Thế là mọi người cùng đồng thanh hát, vang khắp cả quả đồi. Lúc này trời đã tối hẳn. Ngọn đèn măng sông bên Bác càng sáng tỏ, tỏa ra một màu trắng huyền ảo. Bác đứng lên bảo, các cô các chú múa hát xong rồi, bây giờ đến lượt Bác, Bác chúc tất cả khỏe mạnh, chúc quân Tiên phong luôn tiên phong, quyết chiến quyết thắng, giữ vững kỷ luật chiến trường, chấp hành tốt chính sách thương binh liệt sĩ, chính sách tù hàng binh. Khi gặp khó khăn không được nản. Chiến thắng không được chủ quan, khinh địch. Tất cả rõ chưa?

Toàn Đại đoàn hô vang trả lời Bác: “Rõ ạ”, rồi hô vang tiếp: “Hồ Chủ tịch muôn năm, Hồ Chủ tịch muôn năm!...”.

Bác giơ tay bắt nhịp bài hát Kết đoàn, tất cả hát trong niềm hân hoan vui sướng. Bác rời khỏi Chủ tịch Đoàn lúc nào không ai biết, chỉ còn lại ánh đèn măng sông và ánh trăng huyền ảo sáng khắp vùng đồi...

*

Trong giai đoạn 1951- 1954, Tư lệnh Sư đoàn 308 là đồng chí Vương Thừa Vũ và Chính ủy Sư đoàn là đồng chí Song Hào. Kể từ khi thành lập, Đại đoàn 308 đã tham gia 13 chiến dịch, tiêu biểu nhất chính là Chiến dịch Điện Biên Phủ

Nhớ ngày lên đường vào chiến dịch, cả Đại đoàn đã vinh dự được Bác Hồ về thăm và trao nhiệm vụ; trước lúc bước vào chiến dịch Đại đoàn lại vinh dự cùng 4 sư đoàn khác tham gia chiến dịch (các sư đoàn 308, 316, 312, 351, 320), thư của Bác Hồ động viên, khích lệ chiến sĩ Điện Biên hết sức tình cảm: "Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang. Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật.

Nhiều đơn vị đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới. Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất. Chúc các chú thắng to. Bác hôn các chú".

Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong tại đền Giếng, Đền Hùng, Phú Thọ, ngày 19/91954 - Ảnh: T.L

Bước vào chiến dịch, Sư đoàn 308 đã lập nhiều chiến công vẻ vang, xứng đáng với tên gọi quân Tiên phong: Mở đầu là trận tiêu diệt địch ở đồi Độc Lập, rồi bức hàng quân Pháp ở đồi Bản Kéo góp phần đập tan tấm lá chắn phía Bắc. Tiếp đó, với trận chiến đấu quyết liệt trên đồi A1, Đại đoàn tham gia cùng các đơn vị bạn phá vỡ khu phòng ngự phía Đông của tập đoàn cứ điểm địch, vừa đánh vừa phản kích, phụ trách cánh quân phía Tây...

“Từ đêm 1 đến đêm 6/5, các đơn vị của Đại đoàn hoàn thành việc “đánh bóc sườn” phía Tây. Trận địa vây lấn của Đại đoàn chỉ còn cách sở chỉ huy của tướng De Castries khoảng 400m. Trên tấm bản đồ căng ở vách hầm, đồng chí Vũ Yên, Tham mưu trưởng Đại đoàn, căn cứ vào quyết tâm của Bộ chỉ huy chiến dịch đã vạch 3 mũi tên đỏ thể hiện 3 mũi tham gia “tổng công kích” của Đại đoàn 308 nhằm vào khu trung tâm Mường Thanh: Mũi thứ nhất từ cứ điểm 311B, mũi thứ hai từ cứ điểm 310, mũi thứ ba từ Nà Noọng đánh sang. Các bàn đạp tấn công này đã có đầy đủ hầm hào để bố trí các loại hỏa lực, kể cả pháo 75mm, chỉ cách tuyến phòng ngự ngoài cùng của trung tâm Mường Thanh hơn 200m.

Trưa ngày 7-5, quân ta diệt tiếp các vị trí 507, 508 và 509 ở bên bờ sông Nậm Rốm, địch đối phó yếu ớt. Nắm chắc thời cơ, đúng 15 giờ ngày 7/5/1954, Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh tổng công kích. Từ phía Tây, Đại đoàn 308 đánh thẳng vào sở chỉ huy địch ở Mường Thanh, cùng các đơn vị bạn ở phía Đông tiêu diệt những vị trí cuối cùng của giặc.

Mặc dù địch còn hơn 10.000 quân nhưng tinh thần đã hoàn toàn tan rã nên quân ta đánh đến đâu địch đầu hàng đến đó. Đến 17 giờ 30 phút, quân ta đánh chiếm sở chỉ huy địch, bắt sống tướng De Castries. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Sau 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng, Đại đoàn 308 cùng với các đơn vị đã tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954”.

Một ngày nắng rất đẹp (19/9/1954), Bác Hồ đến thăm khu Đền Tổ Hùng Vương ở Phú Thọ. Tại Đền Giếng trong khu di tích Đền Hùng thuộc núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, Bác gặp gỡ cán bộ chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên phong (Sư đoàn 308 ) đang trên đường chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô.

Bác xúc động nói với cán bộ chiến sĩ sư đoàn: “Bác cháu ta gặp nhau ở đây rất có ý nghĩa. Ngày xưa các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước... Trải qua bao thời đại đấu tranh, ông cha ta mới giữ được Thủ đô, tám chín năm nay, do quân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế các chú được Trung ương và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự lớn...”.

Chính ủy Song Hào đã thay mặt cán bộ chiến sĩ sư đoàn bày tỏ niềm vui sướng xúc động khi sư đoàn trước lúc vào chiến dịch Điện Biên được Bác đến thăm, động viên và trao nhiệm vụ, và nay khi đã hoàn thành nhiệm vụ, chuẩn bị bước vào nhiệm vụ mới về tiếp quản Thủ đô, lại được gặp gỡ Bác và nghe thêm những lới huấn thị của Bác.

Câu chuyện trên đây và những tấm ảnh quý này, tôi được nhận từ tay đồng chí Song Tùng, cháu ngoại của Thượng tướng Song Hào, nguyên chính ủy Đại đoàn 308 những ngày tham gia chiến dịch Điện Biên (Sau này đồng chí Song Hào là Thượng tướng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội, rồi Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng).

Tấm ảnh Bác về thăm sư đoàn trước ngày vào chiến dịch, tấm ảnh Bác đến thăm sư đoàn và căn dặn, huấn thị cán bộ chiến sĩ quân đội về nhiệm vụ mới và đặc biệt nhiệm vụ lớn lao suốt cuộc đời của người chiến sĩ và của toàn dân ta: “Ngày xưa các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta mãi mãi ghi lòng tạc dạ lời huấn thị này của Người, mãi mãi làm tròn nhiêm vụ cao quý của non sông đất nước, của ông cha và của vị lãnh tụ thiêng liêng đã trao gửi...

Trương Nguyên Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chinh-tri/bac-ho-voi-dai-doan-quan-tien-phong/184760.htm