Bác Hồ với công việc gốc của Đảng

Bác Hồ tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (5-9-1960).

Bác Hồ từng nói, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém; huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Người cho rằng, cán bộ cách mạng phải có đức và có tài, mà tài và đức đều phải qua học tập, rèn luyện mới có được. Vì thế mà Đảng cần phải tổ chức các lớp huấn luyện mà bồi dưỡng, đào tạo và đưa cán bộ vào hoạt động thực tiễn, vào các tổ chức chính trị, xã hội, vào phong trào quần chúng mà rèn luyện, trưởng thành. Hồ Chí Minh chỉ rõ, cần phải đào tạo một đội ngũ cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc, ham làm việc. Có thế Đảng mới thành công. Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo 'đập đi, hò đứng' không dám phụ trách, như thế là một việc thất bại cho Đảng. Trong công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ Bác Hồ nhấn mạnh đến tinh thần tự phấn đấu của mỗi người. Hồ Chí Minh cho rằng, xã hội ngày càng phát triển, công việc cách mạng ngày càng nhiều, khoa học, kỹ thuật ngày càng tiến bộ, người cán bộ không thể lãnh đạo chung chung, chỉ có nhiệt tình không thôi thì chưa đủ mà còn phải có tri thức, chuyên môn nghiệp vụ. Do đó, người cán bộ không chịu học tập, không chịu nghiên cứu, không bám sát thực tiễn cuộc sống thì trở nên lạc lậu và bị cuộc sống đào thải. Chính vì thế mà Bác thường khuyên cán bộ phải luôn luôn học tập, luôn luôn cầu tiến bộ. Người dạy rằng, học tập là để hiểu biết, học để làm người, làm cán bộ để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân và nhân loại. Một trong những việc mà Hồ Chí Minh quan tâm lớn là rèn luyện đội ngũ cán bộ có tác phong gần dân, liên hệ mật thiết với nhân dân. Người yêu cầu cán bộ, từ trên đến dưới phải có phong cách công tác sâu sát, tỉ mỉ, thiết thực, gần dân, hiểu dân để 'việc gì hại cho dân phải hết sức tránh, việc gì lợi cho dân phải gắng sức làm'. Bác Hồ chỉ rõ, bồi dưỡng, huấn luyện, đào tạo cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng và phải có chính sách sử dụng và đãi ngộ với từng loại cán bộ, từng người khác nhau. Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng chính sách đối với nhân tài để sự nghiệp kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công. Người cho rằng, hao phí nhân tài là lãng phí lớn nhất và 'muốn tránh khỏi lãng phí nhân tài, chúng ta phải sửa cách lãnh đạo. Thí dụ: Bắt buộc cán bộ trong mỗi ngành phải thiết thực báo cáo và cất nhắc nhân tài' (Hồ Chí Minh toàn tập, t5, tr233). Tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ, sử dụng cán bộ rất sâu sắc, có giá trị lâu dài, là những định hướng cơ bản và chỉ đạo thiết thực cho Đảng ta hiện nay khi đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập trong điều kiện toàn cầu hóa. Xin nêu một số nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ cần quán triệt và vận dụng. Trước tiên là phải hiểu và đánh giá đúng cán bộ. Hiểu đúng cán bộ là nhìn nhận cán bộ một cách toàn diện, hiểu đúng cả những mặt tốt và hạn chế của họ, cần có những chuẩn mực đánh giá phù hợp với từng loại cán bộ ở từng cấp. Có hiểu đúng cán bộ mới sử dụng và đề bạt đúng người, giao đúng việc. Tiếp đến là phải khéo dùng cán bộ. Cán bộ ai cũng có cái hay, cái dở, khéo dùng tức là bố trí, sắp xếp dùng chỗ hay của người và giúp người ta sửa chữa chỗ dở. Bác từng nói: Dụng nhân như dụng mộc. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được... Thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người, người thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, người thợ mộc thì bảo đi rèn dao, thành thử hai người đều lúng túng; nếu biết tùy tài mà dùng người thì hai người đều thành công. Bố trí và sử dụng cán bộ cần kết hợp cán bộ già và cán bộ trẻ để bổ sung cho nhau, giúp đỡ lẫn nhau, khắc phục những nhược điểm của từng loại cán bộ. Trong công tác cán bộ cần chú ý kết hợp cán bộ tại chỗ và cán bộ do trên điều về. Bác Hồ cho rằng xây dựng đội ngũ cán bộ tại chỗ là tốt nhất, nếu không đủ cán bộ thì trên phải điều về và phải kết hợp chặt chẽ hai loại cán bộ này với nhau để bảo đảm nâng cao hiệu quả công tác, nội bộ phải đoàn kết, thống nhất. Phải chống lại tính biệt phái, tư tưởng cục bộ địa phương, tránh đầu óc cánh hẩu, phe cánh, họ hàng, thân quen trong bố trí, sắp xếp, sử dụng cán bộ. Vấn đề quan trọng trong công tác cán bộ mà Bác Hồ đặc biệt coi trọng là 'cầu người hiền tài' và 'có gan cất nhắc cán bộ'. Hồ Chí Minh là tấm gương tiêu biểu nhất về trọng dụng nhân tài. Thời kỳ lập nước, Bác Hồ đã trọng dụng được rất nhiều nhân sĩ, trí thức, quan chức trong chế độ cũ tham gia công việc của đất nước và đi theo kháng chiến. Với những chính sách và sự quan tâm của Hồ Chí Minh đối với cán bộ và nhân tài mà đội ngũ cán bộ ngày càng phát triển, nhân tài nảy nở như hoa mùa xuân. Để có đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của cách mạng ở từng thời kỳ, Hồ Chí Minh dạy rằng, bồi dưỡng, huấn luyện, đào tạo cán bộ, trọng dụng nhân tài là 'công việc gốc' của Đảng. Trong tiến trình đổi mới, công tác này đã có nhiều chuyển biến nhưng còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Chế độ, chính sách chưa thu hút được người tài giỏi. Nhiều chủ trương để thu hút, trọng dụng nhân tài nhưng không khả thi và khó thực hiện, thậm chí bị bóp méo, biến dạng... Nhân tài, cán bộ giỏi ở nước ta không hiếm. Vấn đề là phải biết cách chăm lo, phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ cho đúng. Các cấp ủy và lãnh đạo các ngành cần thật sự thấm nhuần và vận dụng sáng tạo tư tưởng và tấm gương của Bác đối với công tác cán bộ. Cần phải thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ về đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong điều kiện lịch sử mới, khi toàn cầu hóa trở thành xu thế của thời đại, khoa học, công nghệ và nền kinh tế tri thức phát triển, Việt Nam muốn sớm sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Bác Hồ thì yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng cán bộ và thu hút nhân tài trở thành quốc sách hàng đầu.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhan-dan-h-ng-thang/nhan-dan-h-ng-thang/chinh-tr/bac-h-v-i-cong-vi-c-g-c-c-a-ng-1.282110