Bác Hồ trong trái tim vị tướng trận mạc

'Với tôi, Người là một thần tượng, một tấm gương lớn về lòng yêu nước, đức hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc, về những giá trị nhân văn trong tư tưởng và tâm hồn của Người. Người rất xứng đáng là một Anh hùng dân tộc mà nhân dân ta cũng như bạn bè quốc tế tôn vinh.' Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu tâm sự.

Ở tuổi 70, hàng ngày Thượng tướng - Viện sĩ - Anh hùng LLVT Nguyễn Huy Hiệu vẫn đến văn phòng làm việc. Thực tế, ông đã được nghỉ hưu cách đây 5 năm, nhưng ông vốn là một vị “Tướng trận”, quen xông xáo, là nhà khoa học đam mê công việc, ông chưa muốn nghỉ ngơi.

Năm 2010, ông được Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự nước Cộng hòa Liên bang Nga bầu làm Viện sĩ. Đó là lý do hàng ngày ông đến văn phòng nghiên cứu khoa học quân sự, nghệ thuật chiến tranh, tiếp thu được những điều hay ông lại trao đổi với các tướng lĩnh đương nhiệm.

Điều khiến ông đau đáu không nguôi, ấy là môi trường sống của nhân dân ta trong các vùng bị ảnh hưởng bom đạn và chất độc do chiến tranh để lại, kể cả những vấn đề chỉ liên quan gián tiếp đến chiến tranh như nước biển dâng, bão lụt. Mỗi lĩnh vực ông đều viết thành một cuốn sách cho mọi người đọc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng về thăm, dự kỷ niệm ngày truyền thống Quân đoàn 1 (Thiếu tướng - Tư lệnh Quân đoàn 1 Nguyễn Huy Hiệu đứng giữa).

Vào những dịp kỷ niệm 30 tháng 4 (ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước), dịp 27 tháng 7 (ngày thương binh - liệt sĩ), dịp 22 tháng 12 (ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam), ông thường vào Quảng Trị, nơi mà trong chiến tranh chống Mỹ ông từng sống và chiến đấu nhiều năm.

Ông vào đó vận động các đồng đội, cùng với các tổ chức và nhân dân đi tìm, quy tập những hài cốt đồng đội đã hy sinh mà ông biết họ nằm ở những vị trí nào.

Ông vận động các địa phương, những nhà hảo tâm, doanh nhân xây dựng những công trình hoài niệm, tri ân, như: Công trình Tượng đài hoài niệm Quảng Trị để tri ân báo đáp Anh hùng liệt sĩ cả nước; 7 công trình khác cũng trên đất Quảng Trị: Cụm văn hóa tâm linh, trong đó có Cây Đa giếng Đìa ở Gia Bình - Gio An - Gio Linh; Đài Tưởng niệm và Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ tại Cao điểm 82 thuộc xã Gio An, nơi Trung đoàn 812 Sư đoàn 324 của ông đã đánh bại một tiểu đoàn của quân địch ở khu vực này.

Chính nơi này đã là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Huy Thục sáng tác bài hát Tiếng đàn ta lư, trong đó có câu “Tin thắng trận từ Gio An vọng tới…”; Cụm văn hóa tâm linh gồm đền và chùa Gio An: đền thờ các Anh hùng liệt sĩ, chùa thờ Phật, giúp các vong hồn Anh hùng liệt sĩ siêu thoát. Rồi công trình bia tưởng niệm ở Bia và đền thờ Cao điểm 31 - Phúc Sa, công trình bia tưởng niệm ở Ngô Xá Đông…

Hiện nay, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và đồng đội đã khởi công khu tưởng niệm ghi danh 2.352 liệt sĩ của Trung đoàn 27- B5 tại xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, Quảng Trị.

Tôi hỏi ông:

- Thượng tướng nghĩ sao khi nhân dân gọi ông là “Anh bộ đội Cụ Hồ”?

Không do dự, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu trả lời:

- Tôi rất vinh dự và tự hào khi được nhân dân gọi như thế. Ngay từ thuở còn là một thanh niên ở quê hương Hải Hậu - Nam Định tôi đã ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tôi, Người là một thần tượng, một tấm gương lớn về lòng yêu nước, đức hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc, về những giá trị nhân văn trong tư tưởng và tâm hồn của Người. Người rất xứng đáng là một Anh hùng dân tộc mà nhân dân ta cũng như bạn bè quốc tế tôn vinh.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, bà Nguyễn Thị Bình (nguyên Phó Chủ tịch nước) và đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cắt băng khánh thành Trung tâm Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội tại Quảng Trị.

Tôi sinh năm 1947 - Thượng tướng nói tiếp - thời bé thơ đã từng chứng kiến cảnh nhà tan cửa nát dưới gót giầy quân xâm lược, thấm thía thế nào là thảm cảnh của một người dân mất nước. Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” đã đi vào tâm khảm, vào trái tim tôi.

Năm 1965, khi mà cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ bắt đầu bước vào giai đoạn ác liệt, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Người, tôi viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Chúng tôi chiến đấu dưới ngọn cờ Tổ quốc, một Tổ quốc Việt Nam mới do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn dân tộc chiến đấu với giặc ngoại bang mà giành lại được. Nhân dân gọi chúng tôi bằng hình tượng “Anh bộ đội cụ Hồ” là hoàn toàn chính đáng và cũng rất đỗi thân thương.

- Hẳn rằng Thượng tướng có những kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông có thể kể …?

- Trong cuộc đời binh nghiệp của tôi có rất nhiều cái Tết. Nhưng những cái Tết của những năm Chủ tịch Hồ Chí Minh còn bình sinh bao giờ cũng gây cho tôi và đồng đội của tôi một niềm xúc động, một ấn tượng đặc biệt không thể quên. Cho dù khi ấy chúng tôi đóng quân ngoài vùng giải phóng hay trong vùng có địch chiếm đóng, chúng tôi cũng háo hức mong đợi đến thời khắc giao thừa để được nghe lời Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc Tết và nghe thơ của Người. Mỗi lần như thế lòng yêu nước và niềm tin vào Đảng, vào Cách mạng của chúng tôi lại được củng cố.

Đặc biệt, sau dịp Tết Mậu Thân 1968, quân giải phóng gặp rất nhiều khó khăn. Lương thực không đủ ăn. Quân trang không đủ mặc. Đơn vị tôi khi ấy ở chiến trường B5, được giao nhiệm vụ vừa phải cùng với các đơn vị bộ đội và du kích địa phương đánh địch giữ chiến trường, vừa phải chuẩn bị cho các chiến dịch tiếp theo. Bước vào cái Tết 1969, khi bài thơ chúc Tết của Bác được đọc trên đài tiếng nói Viêt Nam thì nhạc sĩ Huy Thục đã nhanh chóng phổ nhạc:

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Tiến lên chiến sĩ đồng bào

Bắc – Nam sum họp, xuân nào vui hơn!

Bài thơ hay, phổ nhạc cũng hay. Cả đơn vị chúng tôi hầu như ai cũng thuộc. Bài hát phổ thơ Bác như một lời hiệu triệu thúc giục chúng tôi vững tin bước vào những trận đánh mới. Nhưng thật không may, đúng vào cái năm 1969 ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại ra đi. Điều đó ít nhiều cũng gây cho chúng tôi một chút lo ngại.

Thoạt tiên, nghe đài Giải phóng báo tin về sức khỏe không được tốt của Bác, cả đại đội tôi thổn thức suốt đêm không ai ngủ, chỉ mong sao Bác khỏe lại để cùng với Trung ương lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến. Thậm chí, chúng tôi mong nếu như có một phép màu nhiệm, mình phải làm một việc gì đó đầy vất vả, hy sinh để Bác được khỏe mạnh trở lại, chúng tôi cũng sẵn sàng. Nhưng rồi cuối cùng chúng tôi đã phải lắng nghe tin buồn thông báo Bác đã ra đi.

Chúng tôi đứng xếp hàng nghiêm trang dưới những tán lá rừng theo dõi lễ tang qua chiếc đài bán dẫn. Trên đầu, lũ máy bay trinh sát của địch vẫn vè vè nhòm ngó. Thỉnh thoảng lại có tiếng bom, tiếng đạn pháo của địch nổ khi gần, khi xa. Có lúc cả đơn vị như chìm xuống, chết lặng. Nhất là khi đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư thay mặt Trung ương Đảng đọc điếu văn với lời lẽ truyền cảm, thống thiết thì cả đơn vị tôi không ai cầm nổi nước mắt.

Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu (bên phải) cùng các dũng sĩ diệt Mỹ tại chiến trường Quảng Trị, năm 1970.

Ngày hôm sau, cấp trên cho mang xuống đơn vị một tờ báo Quân Giải phóng. Chúng tôi chuyền tay nhau đọc lời di chúc của Bác. Rồi, chúng tôi phát động toàn đơn vị biến đau thương thành hành động, quyết tâm thực hiện di chúc của Người. Từ đó, đơn vị chúng tôi liên tiếp thực hiện những trận đánh, lập nhiều chiến công dâng lên vong linh Bác.

- Thượng tướng có thể kể về vài ba trận đánh tiêu biểu được không?

-Tất nhiên là được. Chẳng hạn như trận tiêu diệt cụm bộ binh cơ giới Mỹ ở Sáp Đá Mài – Tân Kim – Cam Lộ – Quảng Trị đêm ngày 4 rạng sáng ngày 5/4/1970. Lúc đó, tôi là Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27 của mặt trận B5. Tôi được cấp trên giao nhiệm vụ tiêu diệt một cụm bộ binh cơ giới Mỹ ở Sáp Đá Mài. Lúc đó có thể nói là thời điểm cực kỳ khó khăn kể từ sau Mậu Thân 1968.

Thời điểm này, Mỹ dùng chiến thuật “Trâu Rừng” của Tướng Abram, tức là dùng xe tăng để càn quét kết hợp với các hỏa lực cả ở trên không, dưới biển, mặt đất để tiêu diệt lực lượng của ta. Khi đó, nhiệm vụ của tôi là phải đưa một đại đội luồn vào bên trong, đánh sâu từ bên trong lòng địch.

Sau 4 ngày đêm bám sát, nắm quy luật của địch, đêm mùng 4 rạng sáng ngày 5/4/1970, đơn vị đã nổ súng chiến đấu, tiêu diệt gọn cụm bộ binh cơ giới ấy. Chính trận đánh này đã góp phần đánh bại chiến thuật “Trâu Rừng” của Tướng Abram – viên tướng nổi tiếng của Mỹ, buộc chúng phải rút về Đông Hà. Kết thúc trận đánh đó, đơn vị tôi được khen thưởng và cá nhân tôi được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 - Tiểu đoàn chủ công của Trung đoàn 27- B5.

Bước sang chiến dịch 1972, đơn vị tôi lại tổ chức những trận đánh ở cao điểm 322, 288 Đồi Tròn. Nhiệm vụ của Trung đoàn 27 là giải phóng hoàn toàn khu vực 544 (Phu-lơ). Trên cứ điểm này, địch bố trí 3 dàn ra-đa kiểm soát mọi chuyển động lớn nhỏ của quân ta. Trận địa pháo cối của địch luôn phát huy lợi thế trên cao để bắn phá các trận địa của ta trên toàn tuyến hành lang. Đây cũng là điểm nối của một con đường cho xe tăng lên căn cứ Phu-lơ từ Cam Lộ qua điểm cao 322 và điểm cao 288. Nhận lệnh tấn công Phu-lơ, ai cũng hồi hộp vì trước đó ta và địch đã giành giật nhau nhiều lần tại cứ điểm này.

Ngày 26-3-1972, công tác chuẩn bị cho chiến dịch đã cơ bản hoàn thành. Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định giờ nổ súng tiến công trên toàn mặt trận vào 11h30 ngày 30-3-1972.

Thế nhưng, đã xảy ra một tình huống bất ngờ đòi hỏi tôi phải đưa ra một quyết định táo bạo: 10h30, tức là trước giờ dự kiến nổ súng 1 tiếng thì Tiểu đoàn 3 Ngụy lọt vào trận địa phục kích. Khi đó, tôi rất băn khoăn, tôi và đồng chí Chính trị viên Trần Xuân Gứng trao đổi và cuối cùng quyết định báo cáo Trung đoàn trưởng qua điện thoại, xin cho nổ súng trước giờ G.

Mệnh lệnh tôi đưa ra khi ấy là đánh nhanh gọn, xóa sổ Tiểu đoàn 3 của Ngụy, không để địch kịp điều thêm xe tăng gây khó khăn cho trận địa. Các mũi tấn công đồng loạt bao vây, chia cắt, chặn đường rút lui của địch.

Trong trận đánh ấy, Tiểu đoàn do tôi chỉ huy đã làm chủ hoàn toàn khu vực phía Đông Nam căn cứ Phu- lơ và Đồi Tròn, cắt rời thế liên hoàn của các căn cứ Phu- lơ, Đồi Tròn, Cam Lộ, tạo điều kiện cho đơn vị bạn tiêu diệt địch ở căn cứ Phu-lơ. Khi đó, chiến sĩ Nguyễn Viết Mão - xạ thủ trung liên của Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 27 đã bắt sống Thiếu tá Hà Thúc Mẫn - Tiểu đoàn trưởng quân Ngụy Sài Gòn.

-Vâng, những trận đánh ấy thật có ý nghĩa trong quá trình thực hiện lời di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông nghĩ sao khi Trung ương Đảng đặt tên cho chiến dịch mùa xuân năm 1975 - chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước - là chiến dịch Hồ Chí Minh?

- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt cho đồng bào miền Nam ruột thịt - Thượng tướng nói - Miền Nam là một nửa Đất nước. Khi một nửa Đất nước còn nằm dưới ách thống trị của Mỹ - Ngụy thì trái tim Người luôn hướng về miền Nam, thương nhớ đồng bào ngày đêm trong cảnh máu chảy đầu rơi, cùng niềm mong mỏi ngày thống nhất Đất nước.

Tình cảm của Người dành cho đồng bào miền Nam được thể hiện qua câu nói giản dị mà rất nổi tiếng: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”. Trong hàng ngàn bức thư, bức điện, bài nói, bài viết, trả lời phỏng vấn…

Bác Hồ luôn dùng những lời lẽ cao quý nhất, trang trọng và tha thiết nhất để ca ngợi tinh thần bất khuất, kiên cường, lòng yêu nước của đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Người tặng danh hiệu cao quý “Thành đồng Tổ quốc” cho nhân dân miền Nam, tặng phụ nữ miền Nam tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Người kêu gọi: “Vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai”, dồn sức người, sức của để chi viện cho quân dân miền Nam chiến đấu. Tư tưởng được Bác quán xuyến suốt 24 năm làm Chủ tịch nước là sự toàn vẹn lãnh thổ, quét sạch giặc ngoại xâm, thống nhất Đất nước.

Trong di chúc của người, ngay dòng đầu tiên đã khẳng định như một lời tiên tri: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn”. Bởi vậy, chiến dịch 30 tháng 4 năm 1975 được mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh” là rất có ý nghĩa.

- Tôi được biết, Thượng tướng cũng có tham gia chiến dịch này?

- Đúng vậy - Tôi cũng có vinh dự tham gia chiến dịch lịch sử này. Khi ấy tôi giữ cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, trong đội hình Sư đoàn 320B, Binh đoàn Quyết Thắng. Trung đoàn tôi xuất phát từ Tam Điệp, hành quân thần tốc 1.700 km vào Đồng Xoài, tiến công tiêu diệt nhiều mục tiêu ở Lái Thiêu, Búng, cầu Vĩnh Bình rồi tiến vào nội thành chiến đấu giải phóng hoàn toàn Sài Gòn. Nghĩa là chúng tôi tham gia đến phút cuối cùng của cuộc chiến. Và đến giờ khắc cuối cùng của cuộc chiến, Trung đoàn của tôi vẫn có những cán bộ chiến sĩ hy sinh.

Tôi rất tiếc rằng chỉ được biết Chủ tịch Hồ Chí Minh qua phim ảnh và nghe giọng nói của Người trên sóng phát thanh. Bởi tôi liên tục chiến đấu trong chiến trường miền Nam. Khi tôi ra Bắc thì Bác đã đi xa. Bây giờ, tuy đã sang tuổi 70, tôi vẫn rèn luyện, học tập theo tấm gương của Bác, không chỉ bằng sách vở mà còn bằng những việc làm cụ thể như cống hiến cho khoa học, môi trường, đền ơn đáp nghĩa…

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nói đến đó rồi lấy cuốn “Vị tướng có duyên với con số 7” do nhà báo Lục Hường viết về ông mới được tái bản đưa cho tôi xem; ông ký tặng tôi một cuốn rồi nói:

-Hẳn là vì tôi thích văn học nên các nhà báo, nhà văn thích viết về tôi.

Hà Nội, tháng 5 năm 2017

Bút ký của Lê Hoài Nam

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/bac-ho-trong-trai-tim-vi-tuong-tran-mac-441898/