Bắc Hà - Miền đất của mật men tình Tây Bắc

Cao nguyên trắng Bắc Hà khiến người ta say tình si mộng, từ loại rượu ngô Bản Phố mềm môi, bao món ăn hương vị lạ lùng đến trái mận tam hoa và những phiên chợ độc đáo…

Hơn 100 năm trước, khi người Pháp tới Lào Cai phát hiện ra Hồng Hồ - Sa Pa, biến nơi đây thành khu du lịch trong mây tuyệt đẹp thì đồng thời cũng khám phá thung lũng Pạc Ha - Bắc Hà, xây dựng thành phố núi mờ sương kỳ ảo.

Khi chúng tôi đến Bắc Hà là lưng lửng chiều phố núi, không khí bàng bạc màu sương mỏng mọng hơi nước cho cảm giác đang bước vào một thoáng xa xưa trong mấy bức ảnh màu rêu xám nâu của các nhà du thám người Pháp hơn trăm năm trước khi phát hiện ra thung lũng này.

“Vương quốc” mận tam hoa

Bắc Hà là một thị trần nhỏ xinh, cao hơn mặt biển 900m, nép dưới dãy Hoàng Liên Sơn, thuộc Đông Bắc tỉnh Lào Cai, cách TP Lào Cai khoảng 70km, phía bắc giáp huyện Si Ma Cai, phía nam giáp 2 huyện Bảo Yên và Bảo Thắng, phía đông giáp với huyện Xín Mần tỉnh Hà Giang và phía tây giáp huyện Mường Khương.

Nguyên gốc tên gọi Bắc Hà từ tiếng dân tộc Tày “Pạc Ha” nghĩa là “Trăm bó gianh”- có thể ngày xưa là thung lũng có nhiều cây gianh dùng để lợp nhà. Khi người Pháp tới đây, ghi âm Pạc Ha thành Pakha, được “Việt hóa” thành Bắc Hà, và trở thành tên gọi chính thức của vùng đất này.

Bắc Hà còn được gọi với tên “Cao nguyên trắng” đầy gợi cảm, khởi thủy ngày xưa nơi này là “thủ phủ” của của cây anh túc - thuốc phiện, nhưng rồi cây này được thay thế bằng những rừng mận tam hoa, mỗi mùa hoa mận nở trắng tuyết mê mải, tạo nên khung cảnh tuyệt mỹ, thu hút du khách bốn phương tìm về thưởng ngoạn.

Mùa này là mùa có thời tiết ôn hòa dịu mát, đêm về chỉ hơi se lạnh đủ để cho có cớ bạn bè xích lại gần nhau ấm áp. Thi thoảng vài cơn mưa như một kiểu gột rửa hanh hao phố núi, nhanh đến nhanh đi, rồi nắng đổ xuống ánh vàng mật trong suốt, để không gian như được lọc trong veo, ngắm núi ngắm rừng cây như qua một lăng kính pha lê lấp lánh tuyệt mỹ.

Mận tam hoa

Bắc Hà được mệnh danh là “Vương quốc mận tam hoa” đang vào mùa thu hoạch trái. Đây cũng là một loài cây trái- niềm tự hào của Bắc Hà, loài trái mang đến phồn thịnh cho nhân dân cả vùng. Trái mận tam hoa khi chín, vỏ mỏng, bóng, mang sắc tím hồng pha xanh, ruột tím đỏ, giòn, ngọt. Cắn một miếng, tươm vị ngọt đầu lưỡi là một sự thích thú tươi ngon.

Mận tam hoa xuống chợ

Thú vị nhất là vào vườn mận rộng mênh mông như rừng, tự tay hái trái. Những cây mận tam hoa cũng khéo chiều lòng người, không quá vươn cao, trái trĩu cành gần như ngang tầm tay tầm mắt, để khách dễ dàng hái, còn thêm tạo dáng để chụp vài khoảnh chắc chill cùng cây cùng trái như một kỷ niệm trải nghiệm. Thích hơn là nhà vườn tính giá rất mềm với số mận mình vừa hái, xem như một thành quả lao động.

Xuống chợ xem… trâu

Trong nhóm chúng tôi có một cô bé nhà văn, người có chút éc, xinh xắn, e lệ, nhưng khá lạ cứ đòi đi xem chợ trâu Cán Cấu, không biết có gì hấp dẫn. Ừ thì chiều, mà cũng đúng thứ 7, là ngày phiên chợ trâu theo thông lệ hàng trăm năm nay ở Bắc Hà. Nhóm chúng tôi khám phá chợ trâu với một sự tò mò của những chàng trai cô gái phố gần như chỉ thấy trâu trên tivi.

Đúng nghĩa “xuống chợ”, chúng tôi lạc vào một thế giới kỳ lạ chưa bao giờ trải nghiệm. Chợ trâu Cán Cấu- Bắc Hà, cảm giác như đang xuyên không vào miền cổ tích đồng quê miền núi nhộn nhạo lạ lùng. Chen vào các sắc màu váy áo, ô che rực rỡ của người Dao, người H’Mông, khách du lịch, những tiếng nói lao xao nhiều giọng điệu, rải rác là những lồng gà ô, giống gà đen từ chân đến mỏ nhìn lạ lẫm như chúng cũng thuộc về một thế giới kỳ ảo nào đó.

Chợ trâu Cán Cấu

Và nổi bật trên toàn bộ cái nền sắc màu, âm thanh đó là những tấm lưng trâu trưởng thành đen thẫm, những mảng lưng vàng nhạt của mấy chú nghé con. Mỗi con mang một dáng vẻ từ ánh nhìn đến kiểu đứng - nằm khác nhau. Mỗi phiên chợ có đến hàng trăm con trâu được tuyển lựa từ nhiều nơi đến. Một người mua trâu nhưng có đến chục người vây quanh để cùng ngắm và nghe bình phẩm về con trâu đó. Và người đi mua trâu có khi vòng vèo ngắm suốt lượt trâu trong chợ để rồi không ưng con nào.

Gian bán và cho thuê trang phục

Giá một con trâu có thể là cả cơ nghiệp, trâu đực tơ loại to có thể bán với giá từ 35, 40 triệu đồng, một con nghé đẹp có khi lên đến 10 triệu đồng/con, trâu thịt giá cao nhất cũng chỉ 20 triệu đồng, trong khi trâu mẹ có bầu có thể bán với giá 30 triệu đồng. Cô bé nhà văn, lững thững ngó nghiêng những con trâu, và tần ngần thương cảm nhìn cặp trâu mẹ - nghé sắp lẻ bầy khi người mua chỉ mua mẹ không mua con, con nghé cứ rúc vào con trâu mẹ không muốn xa…

Trải nghiệm ẩm thực có một không hai

Ẩm thực Bắc Hà là một trong những khám phá lạ lùng nhất. Chỉ là những món thông thường của vùng cao Tây Bắc nhưng với những “chàng- nàng” thành phố dưới xuôi, lại là người phương Nam như chúng tôi, thì đúng là cả một trải nghiệm có một không hai. Ngay bữa sáng ở khu chợ Bắc Hà, chúng tôi đã nếm thử món “mèn mén” - bột bắp bung, một món ăn thường ngày của người H’Mông, giống như dưới xuôi ăn cơm gạo, bột bung chín, chan nước súp vào, ăn hơi là lạ.

Một bữa cơm ở Bắc Hà

“Thắng cố”, một trong những “đặc sản” của vùng cao, nguyên gốc là món ăn “canh thịt” truyền thống của người H’Mông, nghe nói có từ hơn 200 năm, ban đầu nấu bằng thịt ngựa cả nội tạng và xương, sau biến tấu nấu cả thịt trâu, bò, heo. Gia vị cho vào nồi “thắng cố” ít nhất 12 loại lá hoa hạt quả như: thảo quả, tiêu, quế chi, hồi, lá chanh nướng… Món này, nói chung có gan thì hãy thử, bởi nó được gắn một cái nick từ dân phượt thủ “đừng thử”, bởi hương vị khá đặc biệt.

Sâu tre rang lá chanh

“Sâu tre rang lá chanh”, là món thứ ba đầy độc lạ mà chúng tôi muốn giới thiệu. Đây thật sự là món ăn không dành cho những người yếu tim và sợ sâu, nhưng là món cực dinh dưỡng, nghe nói rất tốt cho gân cốt và hồi phục sức khỏe rất nhanh. Từ ấu trùng sâu tre - sùng tre, trong các đốt tre, trắng, dài 2-3cm, được chao mỡ và rang giòn cùng với tiêu, nước mắm, lá chanh…

Ngoài ra, chúng tôi còn được thưởng thức các món ăn Tây Bắc vừa quen vừa lạ như xôi ngũ sắc được đồ bằng nếp nương trộn với màu của các loại lá thiên nhiên, bí đỏ non đập ra rồi luộc, trứng chiên cùng lá ngũ gia bì, khâu nhục, phở cuốn Bắc Hà, cá suối nướng, canh rêu đá…

Xôi ngũ sắc

Không nhắc tới rượu Bản Phố - Bắc Hà là thiếu một hương vị đặc sản “danh bất hư truyền” mang danh của miền này. Loại rượu làm bất cứ ai một lần nếm thử phải ngây ngất, càng uống càng “vào”, uống mềm môi nên say hồi nào không biết. Bản Phố là một bản nhỏ của người H’Mông, cách thị trấn Bắc Hà 4 km, đường đi lên bản quanh co uốn lượn theo sườn núi, phía dưới là những thung lũng xanh mượt màu lúa, bắp, bên đường là những cánh rừng mận Tam hoa ngút mắt đang mùa trái.

Đến Bản Phố, vào bất cứ nhà nào, ở một góc rộng trong bếp lửa là lò nấu rượu, không phải lúc nào lò cũng đỏ lửa. Một tuần một lần, họ chỉ nấu một ngày, thường vào thứ Sáu, để có rượu mới mang xuống chợ phiên Cán Cấu - thứ Bảy, Bắc Hà - Chủ nhật

Rượu Bản Phố được làm không cầu kỳ phức tạp ở cách thức, nhưng có bí quyết riêng mà nếu có đem công thức đến nơi khác làm cũng không ra được cái hương vị rượu như ở nơi này. Theo như người dân ở đây nói, rượu Bản Phố phải lấy nước từ suối Hang Dế, phải thấm cái sương núi khí trời ở Lùng Phình cao chót vót vào hạt ngô (bắp) vàng, phải ngấm cái nắng cái gió của núi Hoàng Liên vào hoa, hạt hồng mị, thứ hạt làm men rượu chỉ có ở đây, thì mới ra loại rượu có hương thơm nồng, hậu vị ngọt.

Vào bếp những nhà người H’Mông Bản Phố đang nấu rượu cũng là một khám phá thích thú. Bếp nhà nào phía trên cũng treo lủng lẳng nhiều xâu thịt cả trâu, bò, dê, heo…, thứ thịt xông khói nấu rượu này có hương vị cũng rất đặc biệt mà có lẽ không đâu có được. Không những thế người chủ nhà còn cho khách thưởng thức kiểu uống rượu, ăn thịt rất Bản Phố.

Rượu vừa cất xong còn ấm, đựng trong coóng gỗ, lấy ít rượu đổ vào cái đĩa sành châm lửa nướng thịt khô, một tay cầm coóng uống rượu, tay kia nướng thịt ăn ngay bên lò nấu rượu, rượu mới uống hơi hăng nhưng sau vị ngọt say cay nồng như quyện vào vị ngọt béo của thịt…

Rời Bắc Hà trong trưa muộn với cơn mưa núi đuổi theo đằng sau, chúng tôi mang theo nhiều cảm xúc như mật như men khó quên của “cao nguyên trắng” phố núi Tây Bắc về xuôi, gửi lại trong mây trong gió trong sương lời hẹn quay lại để khám phá tiếp miền đất này.

Hoài Hương

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//du-khao/bac-ha-mien-dat-cua-mat-men-tinh-tay-bac-c14a56137.html