Bắc Giang: Truyền thông về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bắc Giang năm 2023.

Kế hoạch nhằm tuyên truyền kịp thời những quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bắc Giang năm 2023 (sau đây gọi tắt là Chương trình giảm nghèo), đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội và tạo sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân, góp phần huy động nguồn lực thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo bền vững.

Đối tượng truyền thông là người dân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và toàn xã hội. Trong đó, chú trọng truyền thông cho nhóm đối tượng hưởng lợi từ Chương trình giảm nghèo như người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người khuyết tật có khó khăn về kinh tế, người dân sinh sống trên các địa bàn huyện nghèo, xã nghèo, cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp…

Năm 2022, ông Triệu Văn Quân (SN 1963), dân tộc Nùng, bản Khuôn Đống, xã Canh Nậu (Yên Thế) thoát nghèo nhờ xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả. Ảnh tư liệu.

Nội dung truyền thông tập trung tuyên truyền nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo của tỉnh năm 2023; chiến lược giảm nghèo chuyển từ đầu tư giảm nghèo theo diện rộng sang đầu tư giảm nghèo theo chiều sâu; tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đầu tư vào con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực phát triển của người dân, nhất là người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số; đổi mới dạy nghề, tạo việc làm, sinh kế, giảm nghèo bền vững và khuyến khích làm giàu chính đáng.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo. Làm cho mọi người nắm vững và hiểu đúng về các chính sách giảm nghèo, quy trình, cách thực thực hiện và tham gia các dự án, tiểu dự án cụ thể để phát huy hiệu quả cao nhất có thể.

Đổi mới, thúc đẩy hiệu quả, chất lượng thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy khát vọng, ý chí tự lực tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo bền vững của địa phương nghèo và người nghèo.

Truyền thông về các tấm gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững. Phê phán những hạn chế, tiêu cực, những hành vi trục lợi, kìm hãm sự phát triển trong thực hiện các hoạt động, dự án, chính sách về giảm nghèo.

Để truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả cao, cần truyền thông bằng nhiều hình thức như: Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng từ cấp tỉnh tới cơ sở nhằm thông tin, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận trong thực hiện các hoạt động, dự án, chính sách về giảm nghèo; chú trọng truyền thông qua hệ thống truyền thanh ở cơ sở. Tổ chức cuộc thi các tác phẩm báo chí viết về công tác giảm nghèo của phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông lĩnh vực giảm nghèo đối với đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo. In ấn, phát hành tài liệu và các ấn phẩm, sản phẩm truyền thông tuyên truyền về Chương trình giảm nghèo và chính sách giảm nghèo. Truyền thông trên mạng Internet, khuyến khích công dân thực hiện truyền thông trên các nền tảng số theo chiến dịch, đăng tải tin, bài, phóng sự, video…

TS

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/400949/bac-giang-truyen-thong-ve-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-giam-ngheo-ben-vung.html