Bắc Giang: Sử dụng biện pháp hiệu quả ngăn chặn ốc bươu vàng và chuột gây hại cây trồng

Tổng diện tích gieo trồng vụ chiêm xuân 2023-2024 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến thời điểm này đạt hơn 32,5 nghìn ha (đạt 49,5% kế hoạch). Trong đó, cây lúa đạt hơn 23,8 nghìn ha; ngô hơn 1,1 nghìn ha; lạc hơn 2,3 nghìn ha; khoai lang hơn 400 ha và rau các loại hơn 3,2 nghìn ha...

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện ốc bươu vàng đã bắt đầu xuất hiện, gây hại trên mạ và lúa mới cấy với mật độ trung bình từ 0,5-2 con/m2, mật độ cao từ 3-5 con/m2, diện tích nhiễm toàn tỉnh khoảng 1,5 nghìn ha (nhiễm nhẹ), tập trung chủ yếu tại các huyện: Tân Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang... Dự báo thời gian tới, ốc bươu vàng sẽ tiếp tục phát sinh gây hại trên diện rộng đối với diện tích lúa mới cấy, lúa gieo sạ nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Nông dân xã Đại Hóa (Tân Yên) cấy lúa chiêm xuân.

Để hạn chế tối đa ốc bươu vàng phát sinh, gây hại đối với sản xuất lúa vụ chiêm xuân, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) đề nghị Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế các huyện, thị xã, TP chủ động tham mưu cho UBND cấp huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND cấp xã tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm về tình hình phân bố, gây hại của ốc bươu vàng. Thường xuyên theo dõi sự phát sinh, lây lan và gây hại của ốc bươu vàng trên các ruộng lúa mới cấy, gieo sạ, đặc biệt ruộng cấy bằng mạ khay.

Cùng đó, tiến hành bắt, thu gom ổ trứng vào sáng sớm, chiều tối để tiêu hủy; rút bớt nước trong ruộng nhằm hạn chế sự gây hại của ốc bươu vàng; đặt lưới thu gom ốc bươu vàng ở cống dẫn nước để ngăn chặn sự lây lan. Đối với những diện tích lúa đã bị ốc bươu vàng gây hại, cần dặm bổ sung ngay, kết hợp với chăm sóc, bón phân để lúa đẻ nhánh thuận lợi.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân xã Tiến Dũng (Yên Dũng) đẩy nhanh tiến độ trồng rau màu.

Sử dụng thuốc đặc hiệu để phòng trừ ở những nơi có mật độ ốc bươu vàng cao. Trong đó, ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học và lưu ý nên giữ mức nước trong ruộng lúa từ 3 - 5 cm. Ngoài ra, cần theo dõi các đối tượng sâu, bệnh hại khác trên mạ và lúa mới gieo, cấy như: Tập đoàn rầy, sâu đục thân, bệnh đạo ôn để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Cũng theo Sở Nông nghiệp và PTNT, thời gian gần đây, chuột gây hại có chiều hướng gia tăng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cây trồng. Để hạn chế thiệt hại do chuột gây ra, Sở đề nghị UBND các huyện, thị xã, TP và các đơn vị chuyên môn trực thuộc thực hiện tốt một số nội dung như: Huy động lực lượng trên địa bàn tham gia diệt chuột bảo vệ sản xuất theo 4 phương châm: “Diệt chuột sớm, ngay từ đầu vụ”, “Diệt chuột thường xuyên, liên tục”, “Diệt chuột bằng nhiều biện pháp” và “Cộng đồng cùng tham gia diệt chuột”.

Tùy tình hình cụ thể, mỗi vụ sản xuất chỉ đạo từ 2-3 đợt diệt chuột với quy mô tập trung, đồng loạt vào thời điểm chuột chưa vào mùa sinh sản, giai đoạn chuyển tiếp giữa các mùa vụ (khi đồng trắng) ở tất cả các địa phương để đạt được hiệu quả cao nhất. Áp dụng các biện pháp để diệt chuột hiệu quả như đào bắt, đánh bẫy, soi đèn; khuyến cáo sử dụng các thuốc sinh học diệt chuột như: Biorat, Antimince, Strom, hoạt chất thuốc Bromadiolone, Brodifacoum...

Tin, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/419626/bac-giang-su-dung-bien-phap-hieu-qua-ngan-chan-oc-buou-vang-va-chuot-gay-hai-cay-trong.html