Bắc Giang: Huy động nguồn lực xây dựng trường học thông minh

Giáo dục và Đào tạo là một trong 7 lĩnh vực được tỉnh Bắc Giang xác định ưu tiên chuyển đổi số. Nhiều địa phương đã quan tâm đầu tư hạ tầng, nền tảng số để xây dựng trường, lớp học thông minh.

Khai thác hiệu quả các tiện ích

Từ năm học 2021-2022, Bắc Giang thực hiện thí điểm xây dựng trường học thông minh, lớp học thông minh tại Trường THPT Lục Nam, THCS Việt Tiến (Việt Yên) và THCS Tam Hiệp (Yên Thế). Đến nay không chỉ những đơn vị làm điểm mà toàn bộ các cơ sở giáo dục trong tỉnh cũng từng bước hình thành mô hình trường học thông minh, lớp học thông minh.

Trường Tiểu học Tân Mỹ (TP Bắc Giang) ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Trường Tiểu học Tân Mỹ (TP Bắc Giang) ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Công tác đầu tư cơ sở vật chất, nền tảng hạ tầng số được đẩy mạnh. Trong đó phải kể đến nền tảng hỗ trợ dạy học trực tuyến trên hệ sinh thái Office 365 do Microsoft Việt Nam hỗ trợ từ Đề án Hệ tri thức Việt số hóa; nền tảng Google do Cục Công nghệ thông tin (CNTT) hỗ trợ triển khai từ giai đoạn 2009 đến nay; các nền tảng chuyên dụng như K12 của Viettel, VnEdu của VNPT, Edmicro... Nhờ vậy tạo nên hệ sinh thái đa dạng cho các đơn vị chọn lựa và triển khai theo nhu cầu, quy mô.

Hiện nay 100% các lớp học trong trường THPT Lục Nam được trang bị tivi màn hình lớn, màn hình cảm ứng tương tác, máy vi tính, mạng Internet. Ở khu vực hành lang lớp học, nhà trường đã lắp đặt camera giám sát, máy nhận diện điểm danh bằng khuôn mặt. Cùng đó bố trí một phòng máy tính gồm 45 máy tính xách tay có kết nối mạng Internet; một phòng họp trực tuyến với đầy đủ thiết bị âm thanh, camera, micro.

Bà Nguyễn Phương Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Sau một thời gian triển khai đến nay, cán bộ quản lý nhà trường đã khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống quản lý trường học tích hợp trên cơ sở dữ liệu ngành. Đơn cử trước đây muốn có số liệu thống kê, báo cáo về học sinh, Ban giám hiệu phải gửi biểu mẫu để giáo viên chủ nhiệm báo cáo thì hiện nay chỉ cần truy cập hệ thống là đã có đầy đủ các thông tin”.

Từ khi triển khai đến nay, giáo viên tích cực nghiên cứu và sử dụng các nền tảng dạy học trực tuyến như K12 online, OLM.VN, Azota; sử dụng tối đa các thiết bị như máy tính, tivi, mạng Internet trên lớp học, giúp nâng cao hiệu quả tiết dạy trực tiếp trên lớp.

Dù không phải đơn vị làm điểm song trước những lợi ích từ CĐS mang lại, năm học 2021-2022, TP Bắc Giang đã triển khai thí điểm hệ thống quản lý trường học thông minh và hệ thống camera AI nhận diện khuôn mặt để điểm danh học sinh tại các bậc học: Mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn.

Theo ông Đỗ Văn Quý, Trưởng Phòng GD&ĐT TP, trên cơ sở rà soát cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT, Phòng triển khai điểm theo từng giai đoạn đối với mỗi phần mềm. Đến nay 100% các trường công lập đã áp dụng hệ thống. Qua đó giúp cho công tác quản lý giáo dục của TP Bắc Giang và hoạt động dạy, học của giáo viên và học sinh được thuận lợi. Chị Giáp Thị Vinh có con học lớp 7B tại Trường THCS Nguyễn Khắc Nhu, xã Song Khê (TP Bắc Giang) cho biết: “Khi nhà trường đưa vào sử dụng phần mềm điểm danh và thông báo trên ứng dụng di động, tôi dễ dàng nắm thông tin về việc đến lớp, kết quả học tập của con”.

Nhân rộng mô hình

Thực hiện chương trình CĐS thời gian qua, ngành GD&ĐT đã đầu tư cơ sở vật chất xây dựng trường, lớp học khang trang, hiện đại. Trong giai đoạn hiện nay, ngành đặt mục tiêu đổi mới toàn diện, nâng chất lượng giáo dục, trong đó chú trọng xây dựng các nền tảng số, học liệu dùng chung hướng đến trường học thông minh, lớp học thông minh.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Khắc Nhu (TP Bắc Giang) điểm danh bằng camera nhận diện khuôn mặt.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Khắc Nhu (TP Bắc Giang) điểm danh bằng camera nhận diện khuôn mặt.

Qua rà soát, toàn ngành có hơn 20 nghìn máy vi tính phục vụ công tác quản lý, hoạt động dạy và học. 100% các cơ sở giáo dục được kết nối mạng Internet cáp quang tốc độ cao và gần 87% phòng học văn hóa kiên cố được trang bị tivi, thiết bị thông minh.

Qua rà soát, toàn ngành có hơn 20 nghìn máy vi tính phục vụ công tác quản lý, hoạt động dạy và học. 100% các cơ sở giáo dục được kết nối mạng Internet cáp quang tốc độ cao và gần 87% phòng học văn hóa kiên cố được trang bị tivi, thiết bị thông minh.

Với hơn 1,2 nghìn phòng học trực tuyến, nhiều cuộc tập huấn, sinh hoạt chuyên môn, hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp... đã được khai thác, chia sẻ đường truyền đến cán bộ quản lý, giáo viên. Trong 2 năm học qua, ngành GD&ĐT đã tổ chức khảo sát năng lực Tiếng Anh cho hơn 70 nghìn lượt học sinh lớp 9, lớp 12 trên địa bàn tỉnh trên nền tảng Onluyen.vn.

Chia sẻ về kinh nghiệm của đơn vị, thầy giáo Lê Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Việt Tiến (Việt Yên) cho biết: “Khi bắt tay triển khai, nhà trường chủ động đề xuất bổ sung kinh phí mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất như: Lắp đặt mạng Internet, wifi tốc độ cao; phòng học công nghệ thông minh với thiết bị hiện đại như tivi tương tác thông minh, camera nhận diện khuôn mặt, hệ thống âm thanh. Yêu cầu giáo viên thường xuyên ứng dụng CNTT để thiết kế bài giảng, tăng tương tác với học sinh trên môi trường số. Kết quả cho thấy số lượng học sinh truy cập, tìm hiểu, nghiên cứu học liệu đối với 4 môn học thí điểm trong phần mềm (Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí) tăng nhanh”.

Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Dịch Covid-19 xuất hiện trên địa bàn tỉnh trong hơn ba năm qua đã tác động lớn tới mọi mặt của đời sống xã hội trong đó có ngành GD&ĐT. Bên cạnh ảnh hưởng tiêu cực thì những khó khăn gặp phải cũng là cơ hội để toàn ngành rà soát đánh giá năng lực, mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT, CĐS. Đặc biệt việc xây dựng lớp học thông minh, trường học thông minh đã giúp hoạt động giáo dục của toàn ngành không bị gián đoạn”.

Tuy nhiên hiện nay, Bộ GD&ĐT chưa ban hành văn bản quy định, định nghĩa đầy đủ về khái niệm “trường học thông minh”, “lớp học thông minh” khiến công tác triển khai tại cơ sở gặp khó khăn. Thêm nữa, nguồn kinh phí đầu tư trang thiết bị rất lớn cần phải có lộ trình từng bước; khả năng sẵn sàng tiếp cận, làm chủ các nền tảng công nghệ của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh có lúc, có nơi còn hạn chế.

Để bắt kịp xu hướng, Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị rà soát, mở rộng các mô hình lớp học, trường học thông minh tại một số cơ sở giáo dục có điều kiện để tiếp tục đánh giá hiệu quả trước khi từng bước nhân rộng ra tất cả các bậc học. Dịp hè này, toàn ngành tiếp tục đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ CNTT cho cán bộ, giáo viên. Các nhà trường chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, vận động xã hội hóa huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác CĐS.

Khôi Nguyên - Hải Vân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/giao-duc/405275/bac-giang-huy-dong-nguon-luc-xay-dung-truong-hoc-thong-minh.html