Bắc Giang: Đồng hành cùng kinh tế tập thể, HTX phát triển xứng tầm

Việc ngày càng có nhiều HTX quy mô lớn, liên doanh liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để sản xuất, cung ứng nông sản trên thị trường cả nước và xuất khẩu đã cho thấy sự đồng hành, trợ lực kịp thời từ các chính sách của tỉnh Bắc Giang, từ đó giúp khu vực kinh tế tập thể, HTX ngày càng vươn mình mạnh mẽ.

Sáng 5/2, Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động các đơn vị thành viên năm 2023 - Triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 và triển khai kế hoạch thực hiện Tháng hành động vì HTX năm 2024.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết song song với doanh nghiệp, khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX có vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế xã hội toàn tỉnh, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh năm 2023 đạt 13,45%, đứng đầu cả nước.

Nâng cả lượng và chất

Đặc biệt, với việc ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ khu vực KTTT, HTX như Chương trình hành động số 38-CTr/TU ngày 10/10/2022 của BTV Tỉnh ủy; Nghị quyết số 26/2023/NQ-HĐND ngày 14/7/2023 Ban hành quy định chính sách hỗ trợ nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2030; Chương trình hành động số 38-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW…, chỉ trong riêng năm 2023, toàn tỉnh đã thành lập mới được 101 HTX, nâng tổng số HTX của tỉnh đến nay là 1.116 HTX.

Không chỉ phát triển mạnh về số lượng, các HTX trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn mạnh, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, giúp Bắc Giang hình thành một số vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng được những thương hiệu nông sản hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng nước và xuất khẩu như vải thiều, mỳ gạo Chũ, gạo thơm Yên Dũng, rau củ quả đóng hộp…

Các đại biểu đánh giá cao sự phát triển của khu vực KTTT, HTX tỉnh Bắc Giang.

Nhiều HTX đã không ngừng đầu tư, sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín như HTX kinh doanh Thanh Thao (TP Bắc Giang) với quy trình chăn nuôi và chế biến thịt lợn theo hướng khép kín. HTX sản xuất kinh doanh nông sản sạch Đa Mai (TP Bắc Giang) sản xuất đa dạng các sản phẩm bún khô, bánh cuốn, bánh tro, gạo, rượu, rau, củ, thịt lợn, gia cầm, thủy sản… với các chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Ngoài ra còn các HTX như: HTX sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành, HTX vải sớm Phúc Hòa, HTX măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu (Tân Yên); HTX nông nghiệp hữu cơ Bình Minh (Hiệp Hòa); HTX sản xuất nông nghiệp và thương mại du lịch Thanh Hải (Lục Ngạn); HTX Ong mật hữu cơ Sơn Động…

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân đánh giá, trong năm 2023, Bắc Giang có 101 HTX thành lập mới (đạt 200% kế hoạch của năm); nâng tổng số HTX của tỉnh đến nay là 1.116 HTX với gần 50 nghìn thành viên. Những số liệu này cho thấy Bắc Giang là một trong những tỉnh đi đầu về phát triển KTTT, HTX năm vừa qua.

“Việc Liên minh HTX tỉnh đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương để có cơ chế, chính sách phát triển KTTT, HTX tại địa phương chính là động lực, nền tảng quan trọng để các HTX phát triển cả về chất và lượng”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh.

Đặc biệt, việc UBND tỉnh và Liên minh HTX tỉnh triển khai Đề án “Hỗ trợ phát triển mô hình HTX ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh và mô hình HTX nông nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025”; Đề án “Hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động kế toán, kiểm toán cho các HTX trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” được Chủ tịch Cao Xuân Thu Vân đánh giá là đã, đang và sẽ mang lại lợi ích thiết thực và hiệu quả đối với các HTX thành viên và người lao động, giúp các HTX thích ứng với thời kỳ 4.0.

Cần có tư duy và cách làm đổi mới, sáng tạo

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về một số khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận chính sách về đất đai, thiếu vốn để đầu tư sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ; trong khi kỹ thuật sản xuất, chế biến của một số HTX còn thô sơ, chưa đáp ứng yêu cầu của đơn vị bao tiêu sản phẩm…

Bà Dương Thị Luyện, Giám đốc HTX măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu (Tân Yên), cho biết dù đã trồng và chế biến măng tre và có sản phẩm đạt OCOP 4 sao nhưng trong năm 2024 và thời gian tới, HTX vẫn muốn mở rộng sản xuất, đầu tư trồng tre theo hướng hữu cơ. Chính vì vậy, HTX rất mong UBND tỉnh và Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang tiếp tục tạo điều kiện cho HTX tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để HTX thuận lợi trong mở rộng sản xuất cũng như liên doanh, liên kết để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân tặng Bằng khen của Liên minh HTX Việt Nam cho Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang.

Có thể thấy, nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ của các HTX trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là rất lớn. Trong khi Bắc Giang là một tỉnh phát triển, có nhiều khu công nghiệp nên nhu cầu về nông sản, hàng hóa là rất lớn. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang làm việc tại Bắc Giang cũng có nhu cầu liên doanh liên kết với các HTX để đưa hàng hóa, nông sản thế mạnh của tỉnh xuất khẩu. Đây là cơ hội, cũng là thách thức của chính các HTX trong việc nâng cao chất lượng, đầu tư, mở rộng sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn đánh giá, nhìn chung, quy mô của các HTX còn nhỏ, mối liên kết giữa thành viên với HTX và HTX với doanh nghiệp còn thiếu bền vững. Năng lực quản trị của lãnh đạo nhiều HTX còn hạn chế…

Điều này là do việc triển khai cơ chế chính sách về KTTT, HTX ở một số ngành, địa phương còn chậm, chưa cụ thể; một số ngành, địa phương chưa quan tâm nhiều đến nhiệm vụ phát triển KTTT, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Mặt khác, do ngân sách của tỉnh còn hạn chế, vì vậy kinh phí dành cho hỗ trợ, phát triển HTX chưa đáp ứng được thực tế số lượng lớn các HTX có nhu cầu được hỗ trợ.

Hướng đến mục tiêu năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu thành lập mới ít nhất 80 HTX trong các lĩnh vực; 100% cán bộ chủ chốt, quản lý, thành viên HTX được tập huấn, nâng cao năng lực, trình độ…, ông Phan Thế Tuấn đề nghị Liên minh HTX Việt Nam tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa hỗ trợ Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang cũng như nhiều HTX của tỉnh được tiếp cận vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam; tiếp tục hướng dẫn Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025…

Chủ tịch Liên minh HTX Cao Xuân Thu Vân cho biết, KTTT, HTX trên cả nước vẫn trên đà phục hồi và phát triển. Số lượng HTX, Liên hiệp HTX, tổ hợp tác thành lập mới và hộ cá thể, cá nhân tham gia thành viên tăng ở tất cả các tỉnh, thành phố, nhất là lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn. Cụ thể là chỉ trong năm 2023, cả nước có 2.156 HTX và 8 Liên hiệp HTX được thành lập mới; nâng tổng số HTX trong cả nước lên 31.364 HTX, 133 Liên hiệp HTX. Điều này khẳng định mô hình KTTT, HTX phù hợp với nhu cầu tổ chức sản xuất của người dân.

Tại Bắc Giang, để tiếp tục phát triển mô hình HTX và hướng đến mục tiêu thành lập ít nhất 80 HTX trong năm 2024, cần phát huy vai trò của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Bắc Giang vì Quỹ đã được sắp xếp, tổ chức lại và hoạt động theo Nghị định 45/2021/NĐ-CP từ ngày 1/9/2023. Điều cần làm lúc này, theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, là tích cực đẩy nhanh quá trình hỗ trợ vốn tín dụng cho các HTX, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh của các HTX đảm bảo phát huy hiệu quả của nguồn vốn này.

Bên cạnh đó, hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh mới chỉ tập trung được vào một số HTX hoạt động mạnh, sản phẩm có mẫu mã bao bì và chất lượng đã được khẳng định. Số lượng HTX được tham gia xúc tiến thương mại trên môi trường điện tử và số HTX thực hiện hoạt động liên doanh liên kết còn hạn chế. Do đó, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân đề nghị Liên minh HTX tỉnh cần có tư duy và cách làm đổi mới, sáng tạo để hỗ trợ, đồng hành cùng các HTX thành viên mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa qua các hình thức xúc tiến thương mại đa dạng và hiệu quả trong thời gian tới.

Năm 2024 là năm đầu tiên, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam triển khai Tháng hành động vì HTX đồng loạt và thống nhất giữa Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tháng hành động vì HTX năm 2024 nhằm nâng cao nhận thức, giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng tự hào, tiếp tục phát huy, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động trong hệ thống Liên minh HTX Việt Nam và cán bộ quản lý, thành viên và người lao động trong các tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX, thành viên liên kết.

Qua đó, các cấp, các ngành, quan tâm hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX và thành viên, tăng cường đối thoại, giới thiệu, quảng bá, kết nối giữa các tổ chức KTTT và thành viên với các thành phần kinh tế khác, góp phần phát triển KTTT, HTX.

Thông điệp truyền thông về Tháng hành động vì HTX năm 2024:

- HTX ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hôi.

- HTX hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực quốc gia.

- Đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/bac-giang-dong-hanh-cung-kinh-te-tap-the-htx-phat-trien-xung-tam-1098553.html