Bác để tình thương cho chúng con

Bác để tình thương cho chúng con/ Một đời thanh bạch chẳng vàng son/ Mong manh áo vải hồn muôn trượng… Những vần thơ lay động lòng người của Tố Hữu đến nay vẫn còn vang vọng mãi.

Bác Hồ gặp gỡ các thiếu nhi dũng sĩ miền Nam. Ảnh: Tư liệu

Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn…, trong đó có tình cảm Bác Hồ dành cho Phú Yên và tình cảm thiêng liêng của các thế hệ người Phú Yên đối với Bác Hồ kính yêu.

1. Sinh thời Bác Hồ dành “muôn vàn tình yêu thương trùm lên khắp non sông”, đặc biệt là miền Nam trong những năm tháng còn chia cắt, trong đó có Phú Yên.

Chúng tôi đặc biệt yêu thích những ca khúc viết về Bác Hồ và yêu thích nhất là ca khúc Miền Trung nhớ Bác của cố nhạc sĩ Thuận Yến, bởi lẽ ca khúc trữ tình da diết có những ca từ lay động về vùng đất quê mình: Trời Bình Khê xanh trong bát ngát/ Lưu luyến một chiều Bác đến thăm cha/ Chia sẻ ngọt lành trước lúc đi xa…/ Đường miền Trung non xanh nước biếc/ Xin hỏi đường nào Bác đã qua đây…

Chắc chắn đầu năm Canh Tuất 1910, người thanh niên Nguyễn Tất Thành sau khi thăm cha ở Bình Khê (Bình Định) đã đi qua Phú Yên để vào dạy học tại trường Dục Thanh của Hội Liên Thành Phan Thiết.

Bởi vậy, trong một lần đến thăm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, khi biết người thuyết minh Lê Xuân Cảnh (sau này là Phó Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Phú Khánh) là người Phú Yên, Bác Hồ vui vẻ nói: “Quê chú đẹp như tranh…”.

Bác Hồ với các dũng sĩ miền Nam. Ảnh: Tư liệu

2. Sau Hiệp định Genève, vừa mới tiếp quản tỉnh Phú Yên, chính quyền Sài Gòn điên cuồng trả thù những người kháng chiến cũ. Một trong những người cách mạng bị địch sát hại đầu tiên là ông Lê Văn Thành, nguyên Chánh án TAND tỉnh, nguyên Tỉnh đoàn trưởng Thanh niên trong kháng chiến chống Pháp. Gia đình liệt sĩ Lê Văn Thành dựa vào cơ sở pháp lý của Hiệp định Genève đã khởi kiện ra Ủy hội Quốc tế kiểm soát đình chiến Đông Dương (International Control Commission) gồm đại diện ba nước Ấn Độ, Ba Lan và Canada, do đại diện Ấn Độ làm chủ tịch. Ủy hội này đã về Phú Yên điều tra và kết luận là chính quyền Sài Gòn trả thù hèn hạ. Ủy hội đã đưa vợ con liệt sĩ Lê Văn Thành ra Bắc và người con gái nhỏ Lê Thị Băng Tâm (sau này là thứ trưởng Bộ Tài chính) được Bác Hồ âu yếm bồng vào lòng khi Bác thăm, an ủi, động viên gia đình.

Cũng sau Hiệp định Genève, ông Trần Quang Mác (quê ở Gành Đỏ, TX Sông Cầu) tập kết ra Bắc, được điều động về Bộ Ngoại giao làm nhân viên cho Bộ trưởng Ung Văn Khiêm. Một hôm, Bác Hồ đến Bộ Ngoại giao kiểm tra việc đón tiếp ông Chủ tịch Ủy hội Quốc tế kiểm soát đình chiến Đông Dương người Ấn Độ. Do Bác Hồ đến sớm mà không báo trước nên chỉ có ông Trần Quang Mác ở tập thể trong Văn phòng Bộ Ngoại giao đón tiếp. Biết ông Trần Quang Mác làm công tác tuyên truyền, Bác Hồ vui vẻ nói: Bác đặt tên mới cho chú là Mác Tuyên, chú Mác làm tuyên truyền, để phân biệt với cụ Karl Mark có ảnh treo trên tường. Câu chuyện này đã được các nhà xuất bản trung ương in thành sách.

3. Ngày 21/9/1954, Bác Hồ viết thư thăm hỏi, động viên bộ đội, cán bộ và các gia đình miền Nam tập kết ra Bắc. Nội dung bức thư chưa đến 200 chữ (được đăng trên Báo Nhân Dân số 229 ngày 22/9/1954) nhưng chứa đựng tình cảm sâu nặng của vị lãnh tụ kính yêu đối với miền Nam ruột thịt. Bác Hồ chỉ thị thành lập Trường nội trú Học sinh miền Nam để đào tạo cán bộ miền Nam trong tương lai. Sinh thời, bậc lão thành cách mạng Đặng Thị Liễu (chị ruột của đồng chí Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương) xúc động kể nhiều về việc Bác Hồ đến thăm trường nội trú dịp cuối năm 1956. Lúc ấy, cô Liễu là trưởng ban cấp dưỡng, vừa bồng con mới sinh 6 tháng (sau này là nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Minh Ký, nguyên phóng viên Báo Phú Yên), vừa xào chảo thức ăn lớn thì Bác Hồ và thư ký Vũ Kỳ đến thăm trường qua lối nhà bếp rồi mới lên hội trường chính. Bác Hồ âu yếm bảo: “Cô đưa cháu để Bác bồng giúp”. Cô Liễu cứ nghĩ là anh em trong đơn vị, đưa con nhỏ cho Bác bồng vừa nói cảm ơn mà không quay mặt lại. Mấy phút sau, nhận ra Bác Hồ, cô Liễu xúc động không nói nên lời.

* * *

Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà/Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha (Tố Hữu).

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tình yêu thương vô hạn cho đồng bào miền Nam ruột thịt và luôn mong muốn đất nước thống nhất với ý định “đến ngày đó tôi sẽ đi khắp hai miền Nam - Bắc”, được vào thăm đồng bào miền Nam. Người luôn trăn trở: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”. Đồng bào miền Nam, trong đó có Phú Yên cũng dành cho Người tình thương yêu khôn cùng, mong một ngày đón Bác vào thăm. Nhưng nước nhà chưa thống nhất thì Người đã đi xa, để lại muôn vàn tình thương trong lòng mỗi người dân nỗi nhớ thương day dứt khôn nguôi.

PHAN THANH - XUÂN HIẾU

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/76/292291/bac-de-tinh-thuong-cho-chung-con.html