Bắc Cạn phát triển cây trồng bản địa, đặc sản có tiềm năng

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp, tỉnh Bắc Cạn đang tập trung chỉ đạo phát triển những cây trồng bản địa, đặc sản có tiềm năng hàng hóa lớn. Nhờ đó, nhiều nguồn gen quý được bảo tồn, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, mang lại thu nhập cao.

Hợp tác xã Đông Nam dược Bắc Cạn, ở thôn Khuổi Thiêu, xã Hà Vị, huyện Bạch Thông được tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ bảo tồn và phát triển một số loài cây dược liệu quý.

Trên diện tích ba héc-ta, HTX trồng 12.000 gốc hà thủ ô đỏ đang ở giai đoạn tạo củ. Mỗi gốc đến kỳ thu hoạch cho khoảng 10 kg củ. Saubốn năm, cây cho thu hoạch củ, bán với giá 180 nghìn đồng/kg.

HTX phải tìm giống cây ban lá dính trong tự nhiên từ khu vực cuối hồ Ba Bể. Từ hạt giống tiến hành ủ nước ấm, túm trong giẻ phơi rồi ủ cát màu, sau 20 ngày soi kính lúp thấy nứt nanh thì đem gieo. Trong vụ năm 2016, HTX đã thu hơn bốn tạ khô cây ban lá dính, bán với giá 300 nghìn đồng/kg, thu về 120 triệu đồng. Toàn bộ sản phẩm từ cây hà thủ ô đỏ và ban lá dính được bán cho các công ty dược ở Hà Nội, Thái Bình.

Ông Nguyễn Văn Cư, Giám đốc HTX cho biết: Thời gian tới, HTX tiếp tục thử nghiệm trồng giống ba kích tím và đẳng sâm, đồng thời nghiên cứu bảo tồn, phát triển những loài cây dược liệu quý của Bắc Cạn.

Hồng không hạt là loại cây ăn quả quý của Bắc Cạn đã được cấp chỉ dẫn địa lý. Mỗi cây hồng trung bình cho thu hoạch một tạ quả, giá bán 22 đến 25 nghìn đồng/kg; trồng 400 cây/ha, giá trị thu được đạt vài trăm triệu đồng.

Mỗi héc-ta hồng không hạt Bắc Cạn trưởng thành có thể cho thu nhập đến 600 triệu đồng/năm.

Nhằm khuyến khích phát triển loài cây quý này, Bắc Cạn chỉ đạo triển khai một số đề tài, dự án nhằm đánh giá, tuyển chọn cây đầu dòng, nhân giống, xây dựng mô hình thâm canh, cải tạo, phục tráng hồng. Qua đó bình tuyển được 44 cây hồng đầu dòng có năng suất cao, chất lượng tốt, xây dựng được các vườn ươm, hằng năm cung cấp khoảng 20.000 cây giống tốt cho nhân dân.

Ông Mạch Văn Hiếu, thôn Nà Chom, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể chia sẻ: “Chúng tôi rất phấn khởi khi được nhận hỗ trợ về cây giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc hồng không hạt. Gia đình đã trồng 40 cây hồng không hạt trên diện tích đất soi bãi. Qua hai năm chăm sóc theo quy trình kỹ thuật được hướng dẫn, cây phát triển tốt, từ năm thứ tư trở đi cây sẽ cho thu hoạch quả.

Bắc Cạn có nhiều cây nông nghiệp đặc sản, cây dược liệu quý có giá trị kinh tế cao. Tỉnh có hai sản phẩm nông nghiệp đã được cấp chỉ dẫn địa lý là cam, quýt và hồng không hạt Bắc Cạn; có hai sản phẩm được cấp nhãn hiệu tập thể là gạo nếp Khẩu nua lếch Ngân Sơn và gạo bao thai Chợ Đồn.

Khuyến khích phát triển những cây đặc sản, bản địa, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học nhằm áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, diện tích cam, quýt của tỉnh đạt khoảng 2.200 ha, tăng gấp gần năm lần so năm 2005. Tổng sản lượng quýt của tỉnh gần 10.000 tấn/năm, mang lại giá trị sản xuất hơn 100 tỷ đồng cho nông dân. Toàn tỉnh đã trồng mới 555 ha hồng không hạt, nâng tổng diện tích lên 827 ha.

Đối với hai giống lúa Khẩu nua lếch và bao thai Chợ Đồn có nguy cơ tuyệt chủng, Bắc Cạn đã tập trung chỉ đạo ngành khoa học triển khai phục tráng, nhân rộng diện tích. Từ đó, lúa Khẩu nua lếch đã cấy được trung bình 40 ha/vụ, năng suất từ 40 đến 43 tạ/ha, cao hơn gần 10 tạ/ha so trước đây. Vào dịp gần Tết Nguyên đán, nông dân đóng những bao gạo nếp Khẩu nua lếch bán từ 40 đến 45 nghìn đồng/kg, cao hơn gạo nếp thông thường từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg, nhưng vẫn không đủ bán.

Được phục tráng, giống bao thai Chợ Đồn không bị thoái hoá, cho năng suất cao hơn trước khi được phục tráng từ năm đến bảy tạ/ha, chất lượng cơm vẫn giữ được giá trị vốn có. Huyện Chợ Đồn đang tập trung áp dụng quy trình canh tác lúa chất lượng cao để đưa sản phẩm gạo bao thai Chợ Đồn ra thị trường các thành phố lớn.

Để đưa những cây đặc sản, bản địa mang lại hiệu quả kinh tế cao, Tỉnh ủy Bắc Cạn ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TƯ ngày 26-4-2016 về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó tập trung phát triển 1.000 ha lúa Khẩu nua lếch, bao thai Chợ Đồn… thâm canh 1.500 ha cam, quýt và 500 ha hồng không hạt.

THẾ BÌNH - TUẤN SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/34114102-bac-can-phat-trien-cay-trong-ban-dia-dac-san-co-tiem-nang.html