Bà Trương Mỹ Lan xin bán một số tài sản để khắc phục hậu quả

Sáng 15/3, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử sơ thẩm 'đại án' Vạn Thịnh Phát. HĐXX và các luật sư tiếp tục xét hỏi đối với bị hại và những người liên quan đến Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và bà Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về hướng giải quyết tài sản để khắc phục hậu quả trong vụ án.

Bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết, Tập đoàn Sunnyworld không thuộc Vạn Thịnh Phát, đây là công ty chuyên thực hiện xúc tiến dự án. Về Công ty Gia Tuệ, bị cáo cho rằng việc này không liên quan đến Vạn Thịnh Phát, số tiền 672 tỷ đồng này là liên quan đến các cổ đông nước ngoài, bạn của bị cáo. Bị cáo đồng ý trả các sổ giấy chứng nhận theo đề nghị của Công ty Gia Tuệ.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa ngày 15/3.

Về khách sạn DAEWOO gia đình bị cáo có sở hữu 73,4% cổ phần đã cho Phương Hồng mượn để phát hành trái phiếu. Còn về Công ty cổ phần địa ốc Đông Á, cụ thể giao dịch thế nào thì bị cáo không rõ, bị cáo giao cho Trương Khánh Hoàng thực hiện. Liên quan Công ty Minerva sở hữu biệt thự cổ là do mẹ bị cáo mua giá 700 tỷ đồng, nhà này theo bị cáo là di tích không có mua bán được, bị cáo đề nghị không kê biên và giao lại cho gia đình để bảo tồn.

Đối với dự án 29 Liễu Giai đang vay 4 ngân hàng nước ngoài với số tiền 200 triệu USD, chủ sở hữu đã ủy quyền cho Chu Duyệt Phấn con bị cáo, bị cáo cho rằng khi mua là 700 tỷ đồng nên hiện bên mua 350 triệu USD là đang ép giá, bị cáo tự nguyện dùng phần còn lại sau khi trả nợ để khắc phục. Về cổ phần công ty FWD, đề nghị xem xét lại giá cổ phần để thu hồi khắc phục.

Ngoài ra còn các dự án như nhà máy sản xuất vaccine, bị cáo Lan đề xuất, nếu ai đồng ý chuyển nhượng lại thì bị cáo đồng ý để khắc phục. Còn với dự án liên quan Công ty Bến Thành Sao Thủy tất cả hồ sơ do Phạm Thị Lan Phương làm hết, chi tiết bị cáo không nhớ rõ.

Liên quan Công ty Thành Hiếu, đây là công ty thuộc Tập đoàn Phương Trang, có giao dịch từ trước với ngân hàng SCB cũ, bị cáo cho rằng không dính gì đến Vạn Thịnh Phát, bị cáo chỉ giúp SCB xử lý nợ, mọi việc do Trần Thị Mỹ Dung xử lý.

Với Công ty Tuần Châu, bị cáo cho rằng bà Phạm Thị Lan Phương là người phụ trách dự án làm việc với Công ty Tuần Châu. Công ty Tuần Châu cho SCB mượn tài sản, cụ thể thế nào bị cáo không rõ.

Bị cáo Trương Huệ Vân, người có vai trò quan trọng trong "hệ sinh thái" Vạn Thịnh Phát.

Cũng trong buổi sáng ngày 15/3, trả lời câu hỏi của luật sư, Công ty TNHH Thẩm định giá Hoàng Quân cho biết, Công ty này thẩm định giá theo hợp đồng đã ký kết giữa 2 bên. Các tài sản mà công ty không thẩm định giá là do các tài sản không đầy đủ tài liệu theo quy định pháp luật nên không định giá. Mục đích thẩm định là nhằm đánh giá thực trạng tài chính của SCB.

Liên quan Công ty Phương Trang, đại diện đơn vị này trình bày về khoản vay của Công ty Thành Hiếu tại SCB thì công ty hoàn toàn không biết. Việc chuyển nhượng cổ phần giữa các cổ đông công ty Thành Hiếu theo công ty Phương Trang là không liên quan đến bà Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Ngoài ra để đảm bảo quyền lợi cho những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, và để làm rõ một số tình tiết, HĐXX đề nghị triệu tập 3 cá nhân có liên quan đến Công ty Thành Hiếu.

Phiên tòa sẽ tiếp tục vào thứ 3, ngày 19/3/2024.

Ngọc Thiện - Văn Hào - Đức Mừng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/phap-luat/ba-truong-my-lan-xin-ban-mot-so-tai-san-de-khac-phuc-hau-qua-i725444/