'Ba trái tim của bé Bạch Tuộc' - những giá trị nhân sinh

Sách đưa người đọc bước vào một thế giới trẻ thơ trong trẻo mà kỳ diệu, thơ mộng mà thực tế, bay bổng mà gần gũi và rất giàu ý nghĩa nhân sinh.

Sách Ba trái tim của bé Bạch Tuộc. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam.

Trần Tùng Chinh là cái tên quen thuộc trên văn đàn của hơn 30 năm qua, nhất là những bạn đọc yêu thích dòng sách thiếu nhi. Sau các tập sách gây được dấu ấn trong lòng bạn đọc như: Anh em… hô biến (Nhà xuất bản Kim Đồng, 2019), Ba kể con nghe (Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, 2018),… thì vào đầu tháng 11 vừa qua nhà văn vừa cho ra mắt tập truyện Đồng thoại Ba trái tim của bé Bạch Tuộc do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành.

Ba trái tim của bé Bạch Tuộc - Truyện đồng thoại gồm 10 truyện ngắn viết về thế giới của những loài vật bạch tuộc, kiến, bê con, cá thòi lòi, nòng nọc, chim vành khuyên, tắc kè hoa,… Mỗi truyện đều có những hình ảnh minh họa sống động thu hút nhiều độc giả nhỏ tuổi.

Truyện ngắn Ba trái tim của bé Bạch Tuộc được chọn làm tựa cho toàn quyển sách bởi truyện đã đoạt giải ba cuộc thi “Đóa hoa Đồng thoại” 2020 (hạng mục Tự do).

Truyện là bài học giáo dục những trẻ nhỏ và kể cả người lớn về cách sống, cách đối xử với mọi người xung quanh mình. Câu chuyện giúp cho độc giả hiểu được ý nghĩa của trái tim mình, trái tim không chỉ để mang máu và Oxy đi nuôi dưỡng toàn bộ cơ thể mà “trái tim để yêu để ghét. Yêu những điều tốt đẹp và ghét những điều xấu xa” chính điều đó cũng là lý do Bạch Tuộc có ba trái tim cho mình “để Bạch Tuộc biết yêu, biết ghét và làm những điều đúng đắn”.

Đọc Ba trái tim của bé Bạch Tuộc sẽ giúp ta yêu đời và yêu người nhiều hơn, giúp ta biết “Mỗi người bạn là một món quà tuyệt vời” mà cuộc đời đã ban tặng, mỗi người bạn xuất hiện trong cuộc đời mỗi chúng ta đều dạy cho ta một bài học ý nghĩa trong cuộc sống, chính những người bạn ấy sẽ giúp bản thân ta hoàn thiện mình hơn.

Truyện của nhà văn Trần Tùng Chinh giáo dục trẻ em biết yêu thương lẫn nhau, biết đoàn kết, giúp đỡ nhau như Đàn kiến trong mưa lụt. Những câu chuyện mà tác giả mang đến không những cung cấp kiến thức về khoa học như: Tại sao cá thòi lòi sống được ở vùng nước lợ? Tại sao bạch tuộc có ba trái tim? Tại sao mắt của lạc đà có tận ba mí? Tại sao bò phải nhai lại?... mà còn có tính giáo dục nhân cách cao, dạy trẻ biết yêu thương gia đình, bạn bè và chính bản thân mình “Một yêu là yêu mẹ, ba / Hai yêu bè bạn thiết tha ân tình / Ba yêu là yêu chính mình / Cả ba chụm lại là tình yêu to!”.

Tác phẩm cũng dạy trẻ tính đoàn kết, sống vì mọi người, chuẩn bị vững chắc hành trang để bắt đầu một cuộc phiêu lưu vào đời, không những thế quyển sách còn dạy kỹ năng sống từ cách bảo vệ hàm răng của mình đến việc phải làm gì khi lạc ba mẹ…

Điều đặc biệt trong quyển sách đó là những con vật đã được tác giả nhân cách hóa để có những suy nghĩ, hành động như con người khiến cho người đọc cảm thấy hứng thú, lôi cuốn và tạo cho câu truyện thêm sinh động, hấp dẫn hơn. Ngoài ra, ở cuối mỗi truyện tác giả đều có những bài thơ, bài vè ngắn nhằm tóm tắt lại nội dung câu chuyện lẫn truyền tải những thông điệp nhân sinh đến với đọc giả nhỏ tuổi.

Cõ lẽ bằng sự quý mến đặc biệt dành cho thiếu nhi nên nhà văn Trần Tùng Chinh đã luôn mang đến cho các bạn đọc nhỏ tuổi những câu chuyện đáng yêu, ngộ nghĩnh. Vỏn vẹn 10 câu chuyện trong tập sách Ba trái tim của bé Bạch Tuộc là những bài học nho nhỏ, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về tình yêu, cuộc sống, con người qua một giọng văn trẻ con ấm áp và tràn đầy cảm xúc.

Ở đó các bạn có thể bước vào một thế giới trẻ thơ trong trẻo mà kỳ diệu, thơ mộng mà thực tế, bay bổng mà gần gũi và rất giàu ý nghĩa nhân sinh.

Cuốn sách Ba trái tim của bé Bạch Tuộc của nhà văn Trần Tùng Chinh là một món quà tinh thần tuyệt vời, là một người bạn đồng hành đầy sâu sắc trên con đường trưởng thành của các em thiếu nhi nói riêng và cả những người đam mê văn chương nói chung.

Trương Hoàng Hân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ba-trai-tim-cua-be-bach-tuoc-nhung-gia-tri-nhan-sinh-post1434297.html