Bá Thước: Sáng tạo, linh hoạt trong phát triển sản phẩm du lịch

Thời gian qua, việc quan tâm xây dựng, làm mới các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, có chiến lược thu hút khách du lịch phù hợp là những giải pháp được huyện Bá Thước thực hiện. Đây được xem là 'chìa khóa' để thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm góp phần đưa du lịch huyện phát triển bền vững.

Du khách tham gia giao lưu văn hóa cùng người dân địa phương tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.

Xác định việc khai thác tài nguyên văn hóa vào phát triển du lịch sẽ trở thành điểm tựa vững chắc, là “mỏ kim cương” để du lịch của địa phương phát triển, tạo ra sản phẩm đặc sắc, mang lại giá trị khác biệt cho điểm đến. Những năm qua, huyện đã tập trung đẩy mạnh việc phát triển du lịch văn hóa - tâm linh, với nhiều tour, tuyến du lịch sinh thái sông, hồ kết hợp với du lịch tâm linh như: Tham quan cảnh quan sông nước gắn với các hoạt động khám phá thiên nhiên, chèo thuyền trên lòng hồ Thủy điện Bá Thước 2, hồ Duồng Cốc, tham quan các di tích danh thắng thác Muốn (xã Điền Quang), thác Dần Long (xã Lương Ngoại), hang cá thần (xã Văn Nho)...; hay tuyến tham quan chùa Giổi, đền thờ Quận công Hà Công Thái, nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên huyện Bá Thước, Đồn Sân bay Cổ Lũng, Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm, đền thờ Tư Mã Hai Đào...

Cùng với quan điểm nâng cao chất lượng, đa dạng, nâng tầm các sản phẩm du lịch là yếu tố quan trọng thu hút du khách, tạo sức hấp dẫn để du khách quay trở lại, trên cơ sở các sản phẩm du lịch hiện có huyện đã chú trọng đầu tư có trọng điểm và làm mới các sản phẩm du lịch. Nhất là du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với tìm hiểu văn hóa bản địa cộng đồng dân cư tại bản Đôn, bản Hiêu, bản Kho Mường, bản Báng, với các hoạt động ngắm cảnh cánh đồng ruộng bậc thang, trải nghiệm thu hoạch lúa chín, trồng rau, hái quýt và tìm hiểu sinh thái nông nghiệp, thưởng thức các giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống, tham quan các mặt hàng dệt thổ cẩm tại xã Lũng Niêm và các nghề truyền thống tại các xã có điểm du lịch cộng đồng; khám phá, trải nghiệm “Sa Pa trong lòng xứ Thanh” khu Son - Bá - Mười xã Lũng Cao. Cùng với đó, việc phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng đã được huyện khai thác hiệu quả trong thời gian gần đây tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, với các hoạt động như, tham quan cảnh quan thiên nhiên, tìm hiểu về môi trường và các giá trị đa dạng sinh học tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (những khách ưa khám phá, mạo hiểm có thể tham gia các chương trình leo núi, chinh phục đỉnh núi Pù Luông, trekking, Marathon băng rừng Pù Luông, thăm hang động).

Ngoài ra, du khách đến tham quan, trải nghiệm tại Bá Thước còn được tìm hiểu, thưởng thức các giá trị văn hóa ẩm thực của người dân địa phương với các món ăn đặc sản như vịt Cổ Lũng, cá sông lòng hồ Thủy điện Bá Thước 2; cá Dốc khu vực Quốc Thành, lợn cỏ...; tham quan, trải nghiệm mua sắm sản phẩm dệt thổ cẩm tại xã Lũng Niêm, chợ phố Đoàn; tìm hiểu nghề nấu rượu siêu men lá thôn Lọng, xã Cổ Lũng, sản phẩm dược liệu khu Son - Bá - Mười...

Bên cạnh việc phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, huyện luôn xác định công tác xúc tiến, quảng bá du lịch vừa là một nhiệm vụ trọng tâm, vừa là một giải pháp góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. Chính vì vậy, huyện đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động du lịch như: đẩy mạnh truyền thông, quảng bá trên mạng xã hội, các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch đều có trang fanpage riêng, có ứng dụng đặt phòng trên trang Booking, Pagoda và các trang du lịch có uy tín trong Hiệp hội Du lịch Việt Nam; tham gia các hội thảo trực tuyến về phát triển du lịch...

Xác định muốn xúc tiến, quảng bá mang lại hiệu quả cao thì phải tăng cường đầu tư cho du lịch, chú trọng phát triển sản phẩm chất lượng cao và tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm dịch vụ..., huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cấp đường giao thông, xây dựng các điểm thu gom rác thải, nước thải sinh hoạt tại các điểm du lịch cộng đồng để thu hút các doanh nghiệp tư nhân vào đầu tư phát triển du lịch, xây dựng các cơ sở lưu trú, homestay. Tính đến nay, toàn huyện có 94 cơ sở lưu trú. Trong đó, số cơ sở lưu trú dạng nhà nghỉ tại các xã, thị trấn là 20 cơ sở, với số lượng 185 buồng, phòng, 289 giường, công suất đón khách trên 430 lượt khách/ngày/đêm. Số cơ sở lưu trú dạng homestay, khu nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Pù Luông tập chung chủ yếu ở các xã Thành Lâm, Thành Sơn, Cổ Lũng là 75 cơ sở, với 104 nhà sàn, 152 bungalow, 238 buồng, phòng, 980 giường, công suất đón khoảng trên 1.500 lượt khách/ngày/đêm, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 400 lao động địa phương.

Từ sự linh hoạt, sáng tạo trong phát triển du lịch, những năm gần đây, Bá Thước đang là điểm đến thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Doanh thu từ các lĩnh vực dịch vụ, du lịch ngày càng tăng, đời sống tinh thần và thu nhập của người dân không ngừng được nâng lên từ việc tham gia các hoạt động phát triển dịch vụ, du lịch. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, do là địa bàn khu vực miền núi nên việc phát triển các sản phẩm du lịch ở huyện hiện còn đơn điệu, bước đầu mới chỉ tập trung khai thác sản phẩm du lịch cộng đồng kết hợp du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng; tính liên kết các sản phẩm, dịch vụ bổ trợ chưa đồng bộ, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Công tác xúc tiến, quảng bá để đưa du khách, các hãng lữ hành tới địa phương còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt hướng dẫn viên địa phương, lao động phục vụ trực tiếp còn nhiều hạn chế về kỹ năng nghề, văn hóa giao tiếp, ứng xử; số lao động thông thạo ngoại ngữ chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu là mới qua các lớp tập huấn ngắn ngày, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch chuyên nghiệp... Đây là những tồn tại mà địa phương đang chú trọng khắc phục trong thời gian tới để tiếp tục khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng, thế mạnh về du lịch của đất và người nơi đây.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/ba-thuoc-sang-tao-linh-hoat-nbsp-trong-phat-trien-san-pham-du-lich/195107.htm