Ba thế hệ người lính Biên phòng dưới chân núi Hải Vân

Trong không khí chào đón Xuân Giáp Thìn 2024, dù ở nơi gần như biệt lập nhưng 3 người lính biên phòng thuộc 3 thế hệ vẫn được đón mùa xuân vui tươi và tự hào rằng: Bản thân đang mang trong mình những lý tưởng cao cả, đẹp đẽ. Đó là những người lính của Trạm Kiểm soát Biên phòng Hòa Vân (Đồn Biên phòng Hải Vân, BĐBP TP Đà Nẵng) dưới chân núi Hải Vân hùng vĩ.

Trung úy Phan Văn Thái (bên trái) giới thiệu về Di tích lịch sử Đồn Chơn Sảng ở Hòa Vân với Đại tá Đỗ Văn Đông - Chính ủy BĐBP TP Đà Nẵng.

Đóng quân ở vị trí vô cùng đặc biệt, để đến được Trạm Kiểm soát Biên phòng Hòa Vân chỉ có 2 cách, hoặc đi bộ từ đường lên đèo Hải Vân, men theo đường ray tàu hỏa rồi theo đường mòn xuống sát mép biển; hoặc đi bằng thuyền, xuồng từ biển vào. Đây là nơi những hộ dân bị bệnh phong từng sinh sống. Năm 2012, thực hiện chủ trương của thành phố, các hộ dân làng Hòa Vân di chuyển vào đất liền để tạo dựng cuộc sống mới, chỉ còn lại những người lính Biên phòng ở lại.

Chúng tôi khá bất ngờ khi biết rằng, Binh nhất Cao Đăng Quang Minh (23 tuổi), chàng lính trẻ quê ở xã Hòa Phước (H. Hòa Vang, Đà Nẵng) trước khi nhập ngũ là sinh viên năm thứ 2, Trường Đại học Duy Tân. Minh lựa chọn quân ngũ vì tình yêu với màu xanh áo lính. “2 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự, em muốn những tháng năm quân ngũ sẽ là quãng thời gian tươi đẹp nhất, không thể quên, được tự hào mỗi khi nhắc đến”, Minh trải lòng.

Binh nhất Minh luôn được đồng chí, đồng đội yêu mến vì tinh thần lăn xả, xung kích. Tháng 10-2023, thành phố Đà Nẵng bị ngập chìm trong biển nước vì mưa to, Minh đã cùng đồng chí, đồng đội xuyên đêm giúp dân di chuyển người ở khu vực ngập sâu đến nơi an toàn. Hay những lần tham gia chiến dịch "Hãy làm sạch biển", giao lưu tại các trường mầm non trên địa bàn, Minh luôn là người nhiệt tình nhất. Còn trong công tác, Minh cũng được chỉ huy đánh giá rất cao về tinh thần cảnh giác cũng như trách nhiệm của Minh với nhiệm vụ được giao. Đó là sự việc ngày 23-6-2023, tổ công tác của Đồn Biên phòng Hải Vân phát hiện Phạm Trần Chỉnh (trú Q. Hải Châu, Đà Nẵng) có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Tối hôm ấy, Minh được chỉ huy giao nhiệm vụ canh gác Phạm Trần Chỉnh. Có lẽ thấy cùng lứa tuổi, Chỉnh “nhờ” Minh điện thoại liên lạc với mẹ để tiêu hủy số ma túy mình mua trước đó. Tuy nhiên, Minh đã động viên Chỉnh nên thành thật khai báo để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Những lời khuyên của Minh đã khiến Chỉnh nhận ra điều đúng, sai nên đã thành khẩn khai báo về chỗ cất giấu ma túy ở nhà.

Người nhiều tuổi nhất ở Trạm Kiểm soát Biên phòng Hòa Vân là Thiếu tá Vũ Văn Mạc (1970), đến ngày 1-5-2024, Thiếu tá Vũ Văn Mạc sẽ nhận thông báo chờ nghỉ hưu. Sinh ra ở miền Bắc nhưng gắn bó với TP Đà Nẵng gần 30 năm, thế nên, đối với Thiếu tá Mạc, nơi đây đã trở thành quê hương thứ 2. Sắp rời xa nơi mình gắn bó, chia tay đồng chí, đồng đội, đôi lúc, anh cảm thấy như sắp đánh mất điều gì quý giá. Anh trân trọng, tận dụng từng ngày, từng giờ còn ở đơn vị để làm việc. Thiếu tá Mạc hiểu rằng, chính những việc làm, lời nói, phong cách sống của những cán bộ nhiều tuổi như anh là tấm gương để những cán bộ trẻ học hỏi, điều chỉnh bản thân mình. “Bản thân tôi trân trọng lắm về quãng thời gian quân ngũ, và cũng vui, yên tâm khi nhìn thấy CBCS trẻ của đơn vị, những người sẽ thay mình tiếp bước trên hành trình xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển đảo của Tổ quốc”, Thiếu tá Mạc bộc bạch.

Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Hòa Vân là Trung úy Phan Văn Thái, quê ở Quảng Bình. Từ nhỏ đã yêu màu xanh áo lính nên tốt nghiệp trung học phổ thông, Thái chỉ đăng kí duy nhất một nguyện vọng vào Học viện Biên phòng. Tốt nghiệp tháng 8-2020, Thái nhận quyết định vào thành phố Đà Nẵng, cũng là lúc nơi đây bùng phát dịch dịch Covid-19. Tuổi trẻ và lòng nhiệt huyết đã giúp Thái vượt qua nỗi sợ để lăn xả trên mặt trận chống dịch.

Tháng 1-2021, Thái là một trong 40 CBCS BĐBP TP Đà Nẵng viết đơn tình nguyện tăng cường cho biên giới Tây Nam làm nhiệm vụ trên chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch. Gần 1 năm trời, cuộc sống trên chốt dù vất vả, thiếu thốn, thế nhưng chàng sĩ quan trẻ luôn cảm thấy tự hào về nhiệm vụ mình đang làm.

Binh nhất Cao Đăng Quang Minh trong một lần giao lưu với các cháu thiếu nhi.

Nghe những câu chuyện của người lính biên phòng, chúng tôi có thấy chột dạ, bởi sự cách biệt với bên ngoài do giao thông không thuận lợi, thế nhưng, các đồng chí ở Hòa Vân không buồn và tẻ nhạt. Bởi lẽ, Trạm chỉ có 3 CBCS, nhưng vườn rau tăng gia luôn đủ cho cả một trung đội. Đất rộng nên đàn gà tha hồ “chạy vũ trang”. Và mỗi sáng, mọi người đi thả lưới để chiều về lại có mớ cá tươi. Ngay cạnh Trạm Kiểm soát Biên phòng còn có di tích lịch sử là Trạm Nam Chơn và Đồn Chơn Sảng (2 công trình phòng thủ biển của triều đình nhà Nguyễn xây dựng để kiểm soát tàu bè qua lại vùng biển này). Nơi đây cũng diễn ra 2 trận đánh với quân Pháp lẫy lừng mà sử sách đã ghi lại. Trải qua hơn 200 năm, nhưng công trình này còn gần như nguyên vẹn. Đã có nhiều đoàn khảo sát, đoàn báo chí tới tìm hiểu, lấy thông tin tư liệu. Người dẫn đường luôn là CBCS của trạm. Và qua mỗi lần như vậy, mọi người lại biết thêm nhiều kiến thức, thông tin thú vị.

CÔNG HẠNH - HÒA BÌNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/ba-the-he-nguoi-linh-bien-phong-duoi-chan-nui-hai-van-post290908.html