Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.

Bà Hồng sinh năm 1959 ở TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Học xong THPT, bà vào TP. Hồ Chí Minh theo học ngành Sư phạm nuôi dưỡng và giáo dục trẻ khuyết tật. Học xong, bà được tuyển thẳng vào làm việc ở một trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật tại TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, bà từ chối để trở về TP. Buôn Ma Thuột, rồi ra TP. Đà Nẵng nuôi dạy trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật.

Năm 1999, bà đến làm việc tại Mái ấm Sao Mai (nay là Cơ sở bảo trợ xã hội Sao Mai, số 65 đường Wừu, tổ 3, phường Ia Kring, TP. Pleiku). Tại đây, bà được bố trí công việc đúng với sở trường, sở thích của bản thân. Sau đó, bà mua căn nhà tại số 57 Trần Nhật Duật làm mái ấm nuôi dạy trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ mắc hội chứng down, thiểu năng trí tuệ.

Bà Phạm Thị Hồng cùng các cháu trong Mái ấm 57 Trần Nhật Duật, phường Ia Kring, TP. Pleiku. Ảnh: H.C

Nhớ lại chuyện cũ, bà Hồng nói: “Thời đó, được gia đình cho ít tiền, tôi liền mua căn nhà cấp 4 cũ kỹ, rồi mỗi năm nâng cấp mở rộng diện tích ra một ít để đáp ứng nhu cầu nuôi dạy trẻ. Đến nay, căn nhà đã có 2 dãy phòng học, các phòng chức năng, khoảng sân vui chơi, tập thể dục”.

Trong ngôi nhà có các phòng học chuyên biệt phù hợp với từng đối tượng như: phòng Vành Khuyên dành cho các cháu biết đọc, biết viết; phòng Chim Non dành cho những cháu bị thiểu năng, hội chứng down; phòng Sơn Ca phục vụ các cháu bị mắc bệnh tự kỷ; phòng Họa Mi dành cho các cháu bị câm điếc… Cơ sở vật chất nơi đây tuy còn đơn sơ, chật hẹp, nhưng tình người thì luôn rộng mở.

“Mái ấm hiện có 2 cô giáo, 1 người phục vụ và 42 cháu, trong đó có 15 cháu mồ côi, 9 cháu bị hội chứng down, 8 cháu câm điếc. Các cháu đều được Nhà nước cấp chế độ bảo trợ xã hội hàng tháng. Nhờ có chế độ bảo trợ và các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm hỗ trợ mà đời sống của các cháu trong mái ấm thêm ổn định”-bà Hồng thông tin.

Bà Dương Thị Hồng-Trưởng hội Tình thương Pleiku-cho biết: “Chúng tôi thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà cho Mái ấm 57 Trần Nhật Duật. Ai trong chúng tôi cũng rất cảm động trước những phận người ở nơi đây. Càng thương cảm với họ, chúng tôi càng khâm phục cô Phạm Thị Hồng phát tâm nuôi dạy hàng trăm trẻ em thiếu may mắn. Nhờ mái ấm này mà trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, học tập và rất nhiều trẻ được trở về với những người thân.

Ngoài việc tặng quà, lần nào đến nơi này, chúng tôi cũng nán lại hồi lâu để trò chuyện, chia sẻ những thông tin hay với những người trong mái ấm, đồng thời hỗ trợ họ những việc làm hữu ích cho mái ấm thêm yên vui”.

Ông Nguyễn Văn Thưởng-Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh-cho hay: “Hội luôn tích cực kết nối, vận động và phối hợp với các tổ chức, cá nhân hỗ trợ các cơ sở nuôi dạy trẻ khó khăn, trong đó có Mái ấm 57 Trần Nhật Duật. Mái ấm này có cô chủ Phạm Thị Hồng được đào tạo bài bản, tâm huyết với công tác an sinh xã hội, thương người như thể thương thân và bảo vệ các quyền của trẻ em”.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/ba-pham-thi-hong-rong-long-cuu-mang-nhung-tre-em-bat-hanh-post270095.html