'Ba nhà' bắt tay tiêu thụ nông sản

Câu chuyện nông sản được mùa mất giá, được giá mất mùa từng là nỗi lo thường trực của nhiều nông dân huyện Mường Chà. Nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, với việc thắt chặt mối liên kết giữa 'ba nhà' (nhà nước - nhà kinh doanh - nhà nông) thì những vướng mắc này đang dần được tháo gỡ.

Việc chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa, liên kết tiêu thụ đã giúp nông dân Mường Chà tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho nông sản. Trong ảnh: Mô hình sản xuất ngô lai LVN 885 trên đất dốc tại bản Sá Ninh, xã Sá Tổng.

Gia đình anh Lầu A Tủa, bản Na Sang, xã Na Sang có hơn 2.000m2 trồng dứa xen kẽ với cao su. Trước đây, mỗi lần thu hoạch dứa anh Tủa lại vận chuyển xuống ven quốc lộ 12 để bán trực tiếp cho khách qua đường và thương lái. Việc bán lẻ bấp bênh, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: Thời tiết, lượng khách qua lại mỗi ngày... Chưa kể, vào thời điểm chính vụ, dứa chín đồng loạt, anh bán đổ cho thương lái nhưng bị ép giá khiến thu nhập giảm. Thế nhưng, đã gần 1 năm nay, thay vì bán trực tiếp, anh Tủa đăng tải thông tin hàng hóa lên sàn giao dịch điện tử, tiếp nhận đơn và đóng hàng gửi đi cho khách. “Từ khi tham gia sàn giao dịch, tôi không còn phải lo đầu ra cho dứa, giá cả cũng ổn định hơn. Không chỉ người trong huyện, trong tỉnh qua lại địa bàn mà giờ khách hàng nhiều tỉnh, thành trong nước đều biết đến dứa của gia đình. Nhờ vậy, tôi cũng yên tâm sản xuất” - anh Tủa cho biết.

Chị Lò Thu Trang, phụ trách kênh thương mại điện tử, Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel chi nhánh tỉnh Ðiện Biên cho biết: Từ năm 2022, Công ty đã bắt tay hỗ trợ các hộ sản xuất đưa sản phẩm dứa Mường Chà tiêu thụ trên sàn giao dịch điện tử. Cán bộ Công ty đã trực tiếp hỗ trợ các hộ sản xuất việc khởi tạo gian hàng, tài khoản giao dịch trên sàn giao dịch điện tử Voso.vn, đồng thời lên đơn hàng, đóng gói và vận chuyển, giao hàng đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh việc hỗ trợ bán hàng, Công ty đã lồng ghép tập huấn, hướng dẫn các hộ sản xuất cách sử dụng, vận hành và quản lý tài khoản, gian hàng trên nền tảng số. Ðến nay, nhiều hộ sản xuất dứa tìm hiểu, đăng ký mở gian hàng, tài khoản trên sàn thương mại điện tử Voso.vn.

Những năm gần đây, nhiều loại nông sản ở Mường Chà được biết đến nhiều hơn trên thị trường một phần nhờ sự tham gia của các đơn vị, doanh nghiệp và mỗi nông dân trong việc tích cực đưa sản phẩm lên sàn thương mại giới thiệu, quảng bá. Huyện Mường Chà đẩy mạnh các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Một trong những điểm sáng của Mường Chà thời gian qua là nhiều tổ chức, hộ dân trên địa bàn đã có những cách làm hay, sáng tạo, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó góp phần nâng tầm sản phẩm nông nghiệp địa phương.

Ðiển hình như tại tổ 1, thị trấn Mường Chà, HTX Nam Dương đã phối hợp với các hộ dân chuyển đổi gần 1,7ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng bí xanh. Ðể nâng cao giá trị, ứng dụng công nghệ sản xuất mới, HTX Nam Dương liên kết với HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phú Mỹ Xanh (TP. Ðiện Biên Phủ) triển khai trồng và chăm sóc bí theo hướng nông nghiệp sạch, chất lượng, an toàn. Toàn bộ luống bí được phủ kín nilon để hạn chế thoát hơi nước, cỏ dại, sâu bệnh hại; thay thế giàn làm từ tre, gỗ bằng giàn lưới cho dây bí leo; áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel để giữ độ ẩm cho đất, đảm bảo dinh dưỡng cho quả, tiết kiệm chi phí thuê nhân công.

Ông Trần Quốc Cường, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phú Mỹ Xanh cho biết: “Các sản phẩm của HTX chủ yếu tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, Hải Dương và nhà bếp tại các khu công nghiệp. Ðây là những thị trường lớn, nhiều triển vọng giúp người nông dân không còn phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm. Song ngược lại, thị trường này cũng hết sức khó tính, chính vì vậy quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm luôn được đặt lên hàng đầu, bởi sự lựa chọn của khách hàng chính là thước đo chất lượng sản phẩm”.

Từ hiệu quả của mô hình trồng bí xanh, huyện Mường Chà đang vận động người dân, các tổ chức tiếp tục liên kết trồng khoai tây marabel, cây dược liệu và rau xanh tại các xã: Sa Lông, Mường Tùng, Sá Tổng, Ma Thì Hồ, Na Sang, Huổi Lèng theo hướng công nghệ cao. Các mô hình chuyển đổi cây trồng có năng suất, chất lượng cao không chỉ giúp nông dân địa phương giải quyết cơ bản bài toán đầu ra cho nông sản mà còn góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp địa phương.

Bài, ảnh: Hà Linh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/210255/%E2%80%9Cba-nha%E2%80%9D-bat-tay-tieu-thu-nong-san