Ba ngày tết!

Những năm đầu thập niên 1960 tôi thì còn bé quá. Là dân Nam Bộ nên ông bà Nội tôi cũng khoái xem hát cải lương là chính, mà tôi là cháu cưng sống với ông bà, thì đi đâu ông bà cũng lôi tôi đi theo.

Thời đó vùng Bình Tiên và lân cận, rạp hát thì có 2 rạp Tân Bình (sau này là Cây Gõ) và Tân Lạc (Hồng Liên). Ngoài ra có thêm 2 đình là đình Bình Tiên và Minh Phụng. Sài Gòn thời đó là thời hoàng kim của sân khấu cải lương, quả là không sai chút nào cả.

Đêm đêm cả bốn nơi đều sáng đèn, chưa tính đến xuất ban ngày 15 giờ chiều cũng đều đầy nhóc rạp. Rồi đến sau nầy bên đường Trần Quốc Toản cất thêm rạp Quốc Thái và đường Phạm Văn Chí thì xây thêm rạp Hương Bình. Và cả 6 nơi mùng nào, nơi nào cũng có đoàn đến hát kéo màn là đầy nhóc rạp, chưa kể đưa tiền vô cửa để đứng coi... Các đại ban thì hát tết phổ biến giống luật bất thành văn như sau: Thanh Minh Thanh Nga thì hát Hưng Đạo, Dạ Lý Hương thì Quốc Thanh, Kim Chung 1 thì Olympic, Kim Chưởng thì Thủ Đô, Hương Mùa Thu thì Cao Đồng Hưng. Các đoàn khác của công ty Kim Chung từ 2 đến 7 thì chia đều ra các rạp ven đô hoặc lưu diễn tỉnh.

Sài Gòn thời đó ngoài các rạp chuyên hát cải lương như: Quốc Thanh, Hưng Đạo, Olympic, Thủ Đô thì có gắn máy lạnh, còn lại thì dùng toàn quạt máy. Bởi vậy khi đi coi hát là phải mang theo quạt, quạt sành sạch suốt mỏi tay thí mồ. Dân sang sĩ diện thì vô rạp mua quạt giấy. Thông thường thì một tuồng cải lương soạn giả viết phân làm 3 cảnh (gọi là 3 màn). Giống như tập làm văn hồi đi học tiểu học và độ dài của một tuồng cải lương hồi xưa là 3 tiếng. Hai màn đầu còn nghe tiếng quạt tay kêu đều khắp rạp, nhưng đến cao trào là màn 3 thì cả rạp im thinh thích, lặng trang. Mấy tuồng tình cảm xã hội thì nhiều khi cả rạp khóc sụt sùi, tôi hồi đó còn nhỏ quay sang hai bên trái phải hay trước sau gì tôi cũng đều thấy nhiều người khóc. Tôi im re mà chẳng dám hó he một tiếng dù trong bụng cũng ngạc nhiên, ấm ức chẳng hiểu vì sao ai ai cũng đều khóc cả.

Mấy ngày tết, nhiều khi cả nhà chơi sang kêu Taxi hay Cyclo máy ra Quốc Thanh, Hưng Đạo hoặc tệ lắm là Thủ Đô, để coi đào kép xịn toàn dân gạo cội nổi tiếng. Nhà tôi hồi đó là fan của Thanh Minh Thanh Nga, khoái nhất là Thanh Nga, Thành Được và hề Kim Quang. Nội tôi hồi đó nói: chú Kim Quang diễn tỉnh, duyên dáng mà ít khi cương ẩu, không nói tục và khen chú là hề Cải lương hay nhất không ai qua được chú thời bấy giờ, người thứ hai là chú Hề Minh của đoàn Kim Chưởng sau qua hát gánh Hương Mùa Thu với quái kiệt Bảy Xê thành một cặp gây ra những trận bão cười. Coi cải lương mấy rạp lớn, ngoài đào kép tuồng tích mới, hay hoặc mát mẻ ra, thì cũng đỡ bị hửi mùi khai nước đái, như mấy rạp nhỏ thường ngày chiếu phim, nếu không có hát cải lương như rạp Hương Bình, Quốc Thái. Nó khai kinh khủng, nhiều khi nước đái đọng thành vũng vì dân xem phim, mà rạp ế vắng khách, họ ngồi vạch ra tè tại chỗ nhất là giới thanh thiếu niên. Khác với xem phim hạng nhứt trên lầu, rạp không lầu là những hàng ghế sau, hạng nhì giữa rạp, hạng ba gần màn ảnh. Còn cải lương thì hạng nhứt ngồi gần sân khấu, hạng cá kèo thì ngồi hàng ghế sau cùng hoặc trên lầu. Cá biệt có đoàn còn chơi gác khi chia 3-4 hàng ghế đầu gọi là ghế thượng hạng để dành cho vé mời hoặc bán giá cao hơn một chút, vì là ghế thượng hạng nên nhìn thấy mặt đào kép mình ái mộ rõ ràng hơn.

Hồi xưa phải nói là tết vui hơn bây giờ rất nhiều. Ngoài xem Cải lương, Đại Nhạc Hội, Phim rồi đốt pháo. Sau năm Mậu Thân chính quyền Sài Gòn cấm đốt pháo, thì người dân nhất là tại các xóm nghèo ven đô, thường lao vô các sòng cờ bạc đen đỏ. Xóm tôi thời đó tết thì có: Bầu cua, tài xỉu, bài cào. Mấy người có tiền thì binh xập xám. Mấy ông sồn sồn lớn tuổi thì quánh cắc tê, bốn nước rục tùng, muốn ăn thua đậm hơn thì đá phé, đá sảnh thùng, thời đó sòng bài của mấy ông hiếm thấy ngồi trên bàn, mà thông thường thì ngồi trên bộ ván gõ, xoàng hơn thì ngồi trên đi văng chính giữa sòng thường trãi một cái mền chỉ loại có hình long phụng để dễ chia bài. Mấy bà với con nít thì chơi lô tô. Có nhiều người không bao giờ chơi cờ bạc thì đến gần coi chòm xóm chơi cho đỡ buồn. Có lẻ vì vậy mà thời trước ba ngày tết ít có vụ chè chén say sỉn như bây giờ. Và trong một xóm mặc dù có rất nhiều sòng, nhiều loại hình cờ bạc, vẫn có xảy cãi cọ thậm chí đánh nhau, nhưng lạ một điều là thời đó con người sòng phẳng hơn, chơi quân tử hơn. Thường là bặc co tay đôi, là chơi một chọi một giải quyết nhau bằng nắm đấm, thượng tay, hạ chân chớ rất hiếm khi dùng dao phay, mả tấu hàng nóng để giải quyết nhũng vụ như thế nầy. Thông thường sau vài phút quần thảo là có một người lớn tuổi hơn, hoặc có uy tín vai vế trong xóm, chen vô can gián phân tích phải trái xong, là kể như huề. Nhiều khi hai người đánh nhau nhưng bên ngoài bà con, anh em của hai người, cũng không màng nhào vô ăn có hay binh vực người thân của mình, dù binh sai hay là binh đúng. Bởi lẻ hàng ngày họ là láng giềng chung vách, chung xóm, chung khu ra vô đều chạm mặt. Mà nếu binh bậy thì khó coi, sợ sau nầy chòm xóm chê cười là nhà đó toàn là dân không biết điều binh bậy.

Đó là cái thời mà con người luôn coi trọng câu nói mà người xưa để lại nhất cận thân, nhì cận lân hay bà con xa không bằng láng giềng gần hoặc khi tắt lửa tối đèn có nhau...

Sài Gòn mồng 4 tết Canh Tý 2020

Theo Chuyện quê

Trần Ngọc Hiếu

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ba-ngay-tet-a9006.html