Bà mẹ có hai con đồng tính: 'Chẳng còn nỗi đau nào khiến tôi gục ngã nữa!'

'Cô đã từng nghĩ mình không nên sống trong cuộc đời này nữa. Hai đứa con là đồng tính, một đứa con từng đi tu. Nhưng rồi cô nghĩ tất cả âu cũng là số phận.'

Có một người mẹ đã từng chôn vùi tuổi thanh xuân của mình trong một cuộc sống hôn nhân với những vết nứt đầy chua xót. Có một người mẹ đã từng trải qua quãng thời gian ngỡ tưởng như tăm tối nhất cuộc đời. Có một người mẹ đã tự mình đứng dậy từ nỗi đau khủng khiếp nhất cuộc đời khi nhận ra hai đứa con là chuyển giới. Đó là câu chuyện của cô Đỗ Thị Mỹ Trang đến từ Đăk Lăk.

Tôi gặp cô lần đầu trong một buổi tập huấn dành cho những phụ huynh có con em là LGBT. Ấn tượng đầu tiên trong tôi là hình ảnh của một người người phụ nữ dáng người nhỏ bé, đôi mắt hơi phảng phất nét buồn. Thế nhưng, điều kỳ lạ là chưa bao giờ nụ cười trên môi của cô vụt tắt nụ cười. Cô vẫn cười, vẫn nhiệt tình chia sẻ nói chuyện với những phụ huynh và những thành viên tham gia tập huấn. Có lẽ, chẳng ai có thể ngờ rằng, đằng sau nụ cười hạnh phúc ấy là cả một cuộc đời đầy vất vả lo toan, là muôn giọt nước mắt cho nỗi đau ngang trái mà cô đã từng trải qua.

Chỉ đến khi, cô bắt đầu kể chuyện về chính cuộc đời mình, về những đứa con, tôi mới thấy cô khóc. Một người mẹ có 2 đứa con đồng tính, một đứa con từng đi tu. Rồi những giọt nước mắt chẳng kịp ngăn lại sau cái bặm môi nín chặt tất cả sự dồn nén.

“Cuộc đời của cô khổ lắm! Cô đã từng nghĩ mình không nên sống trong cuộc đời này nữa. 2 đứa con là đồng tính, một đứa con từng đi tu. Nhưng rồi cô nghĩ tất cả âu cũng là số phận. Cô đã vượt qua nó. Sẽ chẳng còn nỗi đau nào khiến cô gục ngã nữa.". - Cô Trang nói.

Cô có 3 người con, con gái đầu tên Đỗ Thị Ngọc Linh (SN 1989, đồng tính nữ), đứa con thứ hai là Nguyễn Quang Hoàng (SN 1998, đồng tính nam), đứa con thứ ba là Nguyễn Quang Toàn (SN 2000).

Chuyện về đứa con gái đồng tính đầu tiên

12 năm trước, cuộc đời cô bắt đầu trải qua những cơn bão giông…

“Cô nhớ tầm năm 2005, khi ấy Linh bắt đầu bước vào độ tuổi lớn. Linh có yêu một người bạn gái. Gia đình ban đầu cứ tưởng hai đứa rất thân nhau. Nhưng sau đó mới biết, cả hai đã thương nhau từ lâu lắm rồi. Nhưng sau bị gia đình phát hiện!

Ngày ấy, kiến thức về LGBT vô cùng hạn hẹp. Người ta chỉ nghe đến những câu chuyện về người đồng tính trên ti vi với những hình ảnh về vụ hiếp dâm hay giết người. Thế nên gia đình nhà họ nói cô đã đẻ ra “thứ dị biệt” và không cho cô buôn bán. Họ còn ‘độc miệng’ nói: ‘Trước sau gì thì con cô cũng đi giết người hay hiếp dâm, sẽ chẳng có tương lai.’

Bản năng của người mẹ lúc đó quá áp lực, làm sao có thể bình thản trước việc làng làng, xóm xóm chửi vào mặt mình, làm sao có thể đủ dũng cảm đối mặt với tất cả nhất là khi bản thân cô cũng chỉ hiểu 'đồng tính là bê đê, là sự quái gở'."

Khoảng thời gian ấy là những ngày tháng sóng gió với gia đình cô Trang. Đau lòng vì con bao nhiêu, cô càng chua xót người đời chỉ trỏ, chĩa mọi lời lẽ không hay về phía gia đình mình. Sau lần ấy, đứa con gái đầu của cô đã rời nhà vào Bình Dương làm.

“Cái trách nhất của mình chính là không mở lòng với con để con bỏ đi làm ngay sau sự việc lắng xuống. Trách hơn nữa là mình đã áp đặt suy nghĩ của người mẹ cho con.”

Khi kể về những đứa con của mình, cô không kìm chế được những giọt nước mắt. (Ảnh: Mai Linh)

10 năm sau, cô vẫn tiếp tục cuộc sống mòn mỏi trong căn nhà tưởng như đi mượn. Những năm tháng ấy, cuộc sống hôn nhân của cô bên người chồng hiện tại chưa bao giờ có một ngày được mỉm cười. Không được là chính mình, không dám bước chân ra ngoài đường, thường xuyên bị bạo hành gia đình… đến cả về gia đình nhà ngoại cũng chỉ được đếm trên đầu ngón tay.

Lúc đó, người phụ nữ ấy chỉ nghĩ rằng: “Cuộc đời mình khổ thì mình đành chấp nhận để cho con có bố có mẹ”. Và một giây, một phút cô cũng mong hàn gắn mối quan hệ gia đình rạn nứt, vẫn cắn răng chịu đựng làm người vợ can tâm tình nguyện cho những trận đòn ghen ngược của chồng.

Kể về đứa con rời nhà đi cách cách đây hơn 10 năm, cô Trang nói: “5 năm trước, Linh có thi thoảng về nhà. Hai mẹ con cũng dần nói chuyện với nhau. Nhưng cô vẫn chưa đồng ý về chuyện con có bạn gái. Vì quả thật, ở thời điểm đó, chuyện ấy chẳng hề dễ dàng chấp nhận, chỉ nghĩ đó là sự nông nổi của tuổi trẻ.”

Chuyện về đứa con trai đồng tính

Những năm tháng Linh rời xa gia đình đi làm ăn kinh tế, trong mắt cô Trang, hai đứa con trai còn lại trở thành niềm an ủi duy nhất. Nhưng mọi chuyện dường như chẳng bao giờ diễn ra theo sự sắp đặt và kỳ vọng của cô.

Năm 2015, cô nhận được cuộc điện thoại từ đứa con trai thứ hai, Quang Hoàng. “Hoàng gọi điện bảo: ‘Mẹ ơi, con xin lỗi vì con sinh chỉ yêu nam mà thôi.” Cô rất buồn… Cô buồn lắm… Cô chỉ biết nói: ‘Tại sao má sinh các con ra đều khỏe mạnh, lành lặn như bao đứa trẻ khác mà giờ đây con lại như thế này!’. Vì thương con, cô đành nuốt cay đắng, vẫn chấp nhận một cách miễn cưỡng nhưng chưa bao giờ có một cảm giác thoải mái, hài lòng trong người.”

Cuộc sống của người mẹ với nỗi đau hai đứa con "sinh nhầm" càng trở nên đau đớn và mệt mỏi. Phải đến khi, Hoàng trở về nhà với mẹ, bắt đầu tâm sự thủ thỉ về chính mình, cô Trang mới có thể nguôi ngoai phần nào.

Sau gần 3 tháng kể từ ngày đứa con trai thứ 2 thú nhận là người đồng tính, cô Trang chấp nhận ly thân với chồng, rời nhà ra đi với bàn tay trắng.

“Cuộc sống hôn nhân của cô không hạnh phúc. Cô đã từng nghĩ vì mình đã không đủ sức từ bỏ hôn nhân này mà các con mới sinh ra như vậy. Rồi cô cũng tự nhủ đó là điều may mắn khi mình ly thân, lựa chọn cho mình cuộc sống mới. Linh và Hoàng cũng thường xuyên trở về nhà thăm mẹ hơn."

'Với đứa con thứ 3, tôi tưởng mình mất tất cả. Nhưng không...'

“Năm trước, đứa con thứ 3 của cô đã xin vào chùa. Cô chỉ biết khóc. Có 3 đứa con mà như mất cả 3. Xót xa lắm chứ! Hai đứa con đồng tính, một đứa vào chùa, cô cảm tưởng như mọi thứ đổ vỡ hết. Không hiểu sao ông trời đã đối xử với mình như thế này...

Phải mất một thời gian, cô mới thuyết phục con ra ngoài ở. Rồi cô tự động viên mình, thay vì khóc, oán trách hãy sống cho tương lai, hãy yêu thương con mình, bù đắp cho chúng những mất mát đã trôi đi."

Với cô Mỹ Trang, hành trình hiểu về con đang dần được rút ngắn. (Ảnh: Mai Linh).

Kể từ thời điểm chấp nhận 'con mình là ai', cô đã bắt đầu cuộc hành trình "hiểu về con" với những lần tham gia hoạt động VietPride, các chương trình hội thảo dành cho người LGBT. Với cô, đó là cách để gần con hơn. Với cô, đó là con đường ngắn nhất để xóa đi những nỗi đau, những vết thương mà cả hai đã từng tạo cho nhau trong quá khứ. Và hơn hết, tất cả vì hai chữ "yêu thương" giữa các thành viên trong gia đình với nhau.

Theo Mai Linh (Đời sống & Pháp lý)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/lgbt-c-131/ba-me-co-hai-con-dong-tinh-chang-con-noi-dau-nao-khien-toi-guc-nga-nua-73202.html