Bà Liên 'mê' giun quế

Nghỉ hưu nhưng không nghỉ ngơi là tinh thần của cựu chiến binh, Thiếu tá Nguyễn Thị Liên, chủ trang trại giun quế GHT ở thôn Tân Phú (xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). 18 năm 'khởi nghiệp' từ giun quế, bà Liên không chỉ là tấm gương cựu chiến binh làm kinh tế giỏi mà còn giúp đỡ các gia đình khó khăn, có sáng kiến hữu ích cho cộng đồng.

Về hưu mới bắt đầu… khởi nghiệp

Gặp bà Liên, không nhiều người tin rằng năm nay người phụ nữ tháo vát, nhanh nhẹn và “xì tin” này đã bước sang tuổi 70. Bà Nguyễn Thị Liên sinh năm 1953, quê gốc ở xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội và có hơn 32 năm công tác trong quân ngũ tại Nhà máy Z153 (Tổng cục Kỹ thuật). Năm 2003 bà nhận quyết định nghỉ hưu với quân hàm Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Liên tại buổi giao lưu doanh nhân, doanh nghiệp, cựu chiến binh làm kinh tế giỏi. Ảnh nhân vật cung cấp

Dẫu tưởng bà sẽ dành thời gian nghỉ ngơi, quây quần cùng con cháu nhưng với bản chất hay làm, nghĩ lớn và nỗi trăn trở với thực phẩm sạch, bà Liên đã trở về “gốc gác” của mình làm người nông dân, gắn duyên phận với con giun quế.

Ban đầu, bà Liên chỉ thuần túy trồng các loại rau sạch trong vườn nhà để gia đình ăn và mang tặng người thân, hàng xóm. Nhưng thấy làm nông nghiệp sạch như vậy thì đơn giản quá, bà quyết tâm tìm hiểu các mô hình nông nghiệp sạch về chăn nuôi và nghĩ lớn đến làm trang trại. Nhưng nuôi con gì vẫn là một câu hỏi bà chưa tìm ra câu trả lời.

Tình cờ, bà Liên biết đến công hiệu của giun quế nhờ chương trình “Bạn của nhà nông” trên truyền hình những năm 2002-2005. Đặc biệt, giun quế làm thức ăn chăn nuôi sẽ giúp vật nuôi gần như không nhiễm bất cứ loại bệnh nào, chất lượng thịt tốt, có thể bán được giá cao ra thị trường.

Bà Liên quyết định bán nhà ở huyện Đông Anh và mua đất làm trang trại nuôi giun quế tại huyện Sóc Sơn với diện tích ban đầu 1.300m2, hiện nay là 2.000m2. Sau đó bà đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng mô hình trang trại nuôi lợn sạch với thức ăn là giun quế. Hai trang trại tạo ra một vòng tuần hoàn: Giun quế cho lợn ăn – phân lợn nuôi giun quế - phân giun mang bón cây trồng.

Nữ cựu chiến binh về hưu khởi nghiệp bằng giun quế đã được 18 năm. Ảnh nhân vật cung cấp

Bà Liên cho biết, mỗi con lợn chỉ ăn khoảng 1 lạng giun quế mỗi ngày. Giun quế cung cấp lượng lớn protein và tăng cường sức đề kháng cho lợn, chống chọi với bệnh tật và thay đổi thời tiết. Giun quế được trộn với cám ngô hoặc cám gạo, đỗ tương, bã bia, khoáng vi lượng, chế phẩm vi sinh… và được nấu chín trong nồi hơi để tạo ra thức ăn hằng ngày cho trang trại lợn. Lợn nuôi từ giun quế cho thịt thơm ngọt, hàm lượng dinh dưỡng cao.

Đặc biệt, nuôi lợn bằng giun quế chỉ cần cho lợn ăn 2 bữa một ngày vào 8 giờ sáng và 3 giờ chiều mà không phải nhiều bữa như nuôi lợn bằng cám công nghiệp.

Khi bước vào trang trại GHT, không khó để nghe thấy những bản nhạc Pháp không lời du dương, lãng mạn nhưng đó là nhạc cho lợn nghe hằng ngày. Bà Liên kể: “Cách đây hơn chục năm, tôi tình cờ đọc được bài báo viết về bát phở bò Kobe giá 850.000 đồng. Sở dĩ bát phở bò đó có giá trên trời vì bò Kobe được người Nhật Bản cho nghe nhạc, uống bia nên chất lượng thịt rất cao. Tôi mới nghĩ rằng, cho lợn nghe nhạc chắc chắn cũng sẽ như vậy, và tôi về áp dụng tại trang trại hơn 300 con lợn".

Chỉ sau lứa lợn đầu tiên áp dụng phương pháp nghe nhạc, bà Liên đã thấy được sự khác biệt rõ rệt. Lợn không mấy khi bị giật mình hoặc sợ chạy khi người đến gần. Chúng ngủ nhiều và tinh thần thư thái hơn và dẫn đến nhanh lớn và chất lượng thịt tốt hơn rất nhiều.

Áp dụng nhiều phương pháp tưởng chừng như “đắt đỏ” nhưng đắt lại sắt ra miếng, trừ chi phí mỗi con lợn cho lợi nhuận ít nhất 1 triệu đồng. Mỗi lứa bà Liên nuôi khoảng 300 - 400 con, tính ra lợi nhuận khoảng 45-50 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, bà Liên còn chia sẻ phương pháp nấu cám sạch và tiết kiệm nhiên liệu bằng nồi hơi. Không cần nấu bằng than, củi vừa tốn diện tích vừa thải khí độc ra môi trường, nồi hơi còn giúp nấu nhanh, tiết kiệm nhiên liệu và cám chín đều.

Giun quế, vị thuốc kỳ diệu

Biết tôi có cháu nhỏ đang biếng ăn, bà Liên đã tặng tôi một hộp bột địa long bào chế từ giun quế và bảo rằng: “Một tháng nữa cháu sẽ thấy em bé phổng phao lên trông thấy, đây là bài thuốc Đông y rất quý từ con giun quế”.

Kể về cơ duyên đến với bài thuốc Đông y từ con giun quế, bà Liên chia sẻ rằng, bà biết đến tài liệu nói về con giun đất của ông Nguyễn An Định (con trai của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh). Trong thời kỳ chiến tranh, ông Định đã dùng con giun đất để chữa bệnh sốt xuất huyết rất hiệu quả.

Bà Liên trong buổi trò chuyện cùng ông Nguyễn An Định năm 2013. Ảnh nhân vật cung cấp

Bà Liên nhớ lại buổi trò chuyện với ông Nguyễn An Định cách đây 10 năm rằng, ở Việt Nam, toa thuốc và tên bài thuốc sử dụng giun đất chữa tai biến mạch máu não xuất hiện từ những năm đầu của thế kỷ XX và được in lại trong cuốn sách “Hai trăm bài thuốc quý” của ông Lê Văn Tình, xuất bản năm 1940. Sau này, ông Định đã phổ biến bài thuốc này trên một số tờ báo.

Học hỏi bài thuốc của ông Định, bà Liên đã thay thế con giun đất bằng con giun quế. Bài thuốc từ giun quế không chỉ giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, cải thiện hệ tiêu hóa cho trẻ nhỏ mà còn hỗ trợ điều trị các bệnh huyết áp, đột quỵ, rối loạn tiền đình…

Đến nay, trang trại giun quế GHT của bà Liên đang đưa ra thị trường nguyên liệu chính cho bài thuốc là bột địa long GHT dạng bột và dạng viên nang con nhộng. Ngoài ra, trang trại GHT còn có một số sản phẩm khác từ giun như: Giun giống, giun sấy khô, giun quế đông lạnh, ruốc – chả giun quế...

Vẹn chữ tâm với cộng đồng

Tuổi càng cao bà Liên lại càng “tham việc”. Đến nay, bà Liên có 5 trang trại nuôi lợn, 4 trang trại nuôi giun quế tại Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên. Mỗi trang trại đều tạo việc làm cho từ 5-7 lao động với mức thu nhập từ 5-11 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, bà Liên còn hỗ trợ cho 5 hộ nghèo trong xã Phú Cường, mỗi hộ 1 triệu đồng/tháng từ năm 2015 đến nay và từ năm 2022 hỗ trợ thêm 1 bé mồ côi mẹ 6 triệu đồng/năm. Còn những hỗ trợ đột xuất cho người không may gặp tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì rất nhiều, không kể hết...

Mấy năm trước, bà Liên biết đến phương pháp xử lý rác thải hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh bản địa (IMO). Thấy hiệu quả mà an toàn, bà bắt tay vào điều chế sinh phẩm IMO để xử lý tất cả rác thải sinh hoạt trong nhà, loại bỏ mùi hôi thối từ rác và đã đem lại thành công bước đầu.

Bà Liên hướng dẫn chị em phụ nữ điều chế chế phẩm IMO. Ảnh nhân vật cung cấp

Sau đó, bà Liên đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sóc Sơn để nhân rộng mô hình xử lý rác thải bằng IMO tại hộ gia đình. Bà làm diễn giả tại các lớp tập huấn cho chị em phụ nữ về cách điều chế và xử lý rác, thị phạm cho chị em bằng cách xử lý một bãi rác lớn trong xã bằng IMO. Chỉ sau 5 ngày, đống rác to như đống rơm đã xẹp xuống như bãi tro và không còn bốc mùi hôi thối, qua đó mô hình xử lý rác bằng IMO được các cấp hội phụ nữ lan rộng trong toàn huyện Sóc Sơn.

Với sáng kiến hữu hiệu, giúp giải quyết triệt để rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình, bà Liên đã được trao giải Nhì tại Cuộc thi Gia đình an toàn trước thiên tai và biến đổi khí hậu 2021 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Bà Liên cho biết, doanh thu của trang trại GHT khoảng 6 tỷ đồng/năm. Ảnh nhân vật cung cấp

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Cường (Sóc Sơn), chị Trần Thị Hằng nhận xét: “Là một quân nhân về hưu, nhưng cô Liên không cho phép mình nghỉ ngơi, luôn nỗ lực cống hiến. Trong công tác hội, cô Liên là một hội viên năng động, sáng tạo phát triển kinh tế từ con giun quế và tạo việc làm cho một số chị em hội viên. Các phong trào phụ nữ trong xã và huyện cô đều tích cực tham gia, đặc biệt là các hoạt động quyên góp, thiện nguyện, giúp đỡ người khó khăn. Cô Liên là người khởi xướng mô hình xử lý rác thải hữu cơ tại Sóc Sơn bằng chế phẩm IMO, đến nay đã lan tỏa ra hầu hết các hộ gia đình trong huyện, giúp cải thiện môi trường, cảnh quan của huyện thêm sạch đẹp”.

Một số danh hiệu bà Nguyễn Thị Liên được nhận: Danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2020 của UBND Thành phố Hà Nội; bằng khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2021; bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam năm 2021; bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội năm 2022; Danh hiệu Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2022 của Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hà Nội...

Sản phẩm được công nhận: Nhãn hiệu “Giun quế GHT” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp quyết định bảo hộ năm 2017; Thịt lợn GHT và Xúc xích GHT đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao 2022 của Thành phố Hà Nội.

DIỆU HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-14/ba-lien-me-giun-que-726639