'Bà đỡ' cho hệ sinh thái hàng Việt vươn xa

Trong những ngày sát Tết Giáp Thìn, không khí mua sắm tại hệ thống bán lẻ thuần Việt lâu đời nhất của Việt Nam nhộn nhịp, tấp nập hơn thường ngày. Bởi với người dân, việc đến hệ thống siêu thị này không đơn giản là mua hàng hóa tiêu dùng phục vụ nhu cầu tết mà ẩn chứa theo đó sự giữ gìn những nét văn hóa mang đậm bản sắc Việt Nam. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, kiểm tra hàng hóa tại Co.opmart. Ảnh: HOÀNG HÙNG

* PHÓNG VIÊN: Đến các điểm bán của Saigon Co.op trong những ngày giáp tết, người tiêu dùng đều dễ dàng nhận thấy nét văn hóa đặc trưng các vùng miền thông qua sản phẩm trưng bày. Theo ông, Saigon Co.op thực hiện điều này như thế nào?

* Ông NGUYỄN ANH ĐỨC: Trước hết, phải khẳng định phương châm của Saigon Co.op là của người Việt, do chính người Việt xây dựng và vì người Việt phục vụ. Vì vậy, không lý do gì mà vào dịp tết cổ truyền của người Việt Nam, sản phẩm bán tại 800 điểm bán của Saigon Co.op lại không mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

Cũng phải nói thêm rằng, trong xuyên suốt hành trình phát triển của mình, Saigon Co.op và nhà cung ứng luôn kiên định mục tiêu xây dựng và phát triển thương hiệu siêu thị thuần Việt Co.opmart với tinh thần liên tục cải tiến để phục vụ người dân Việt Nam tốt nhất.

Riêng chương trình tết năm nay mà Saigon Co.op triển khai có chủ đề “Đến Co.op chở Tết về”. Theo đó, người dân khi tham quan, mua sắm tại đây sẽ được hòa mình vào không gian tết của 3 miền Bắc - Trung - Nam, tìm kiếm những mặt hàng tết mang đặc trưng từng vùng miền mà mình mong muốn.

* Nhắc đến Saigon Co.op, có lẽ ai trong mỗi chúng ta cũng sẽ nghĩ ngay đến “bà đỡ” hệ sinh thái hàng Việt. Vậy ông có thể cho chia sẻ đôi điều về cách ví von này?

* Hai từ “bà đỡ” nghe có vẻ đơn giản nhưng để gắn với sứ mệnh này lại là câu chuyện dài được xây dựng, vun đắp suốt 35 năm hình thành và phát triển của Saigon Co.op cùng hơn 1.000 nhà cung cấp hàng Việt. Từ một siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh, quận 1, đến nay Saigon Co.op đã xây dựng hơn 800 điểm bán trên toàn quốc, với nhiều thương hiệu khác nhau như Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood, Co.opSmile, Finelife... Và đồng hành cùng sự phát triển đó, hàng Việt luôn chiếm hơn 90% trong cơ cấu tỷ lệ hàng hóa trong hệ thống. Sự lớn mạnh của hệ thống phân phối cũng đồng nghĩa vai trò “bà đỡ” hàng Việt ngày càng rõ nét, theo đó cơ hội phát triển thị phần của hàng Việt cũng ngày càng được mở rộng hơn.

Không dừng lại đó, năm 2023, Saigon Co.op đã chủ động kết hợp với các địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị cho hàng hóa. Hoạt động này nhằm quy hoạch vùng nguồn nguyên liệu, kiểm soát chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, hướng đến tiêu dùng an toàn, thân thiện với môi trường cho người tiêu dùng trong nước. Quan trọng hơn, đây là cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước vượt rào cản kỹ thuật, đạt tiêu chuẩn quốc tế để ngày càng mở rộng thị phần trên thị trường toàn cầu.

* Việc mở rộng thị trường xuất khẩu không phải là chuyện mới với doanh nghiệp. Thế nhưng, phần lớn doanh nghiệp Việt chọn xuất khẩu thô. Vậy Saigon Co.op có giải pháp nào để hàng Việt xuất khẩu hàng hóa bằng chính thương hiệu Việt?

* Phải thừa nhận, hàng Việt dù đa dạng về chủng loại và chất lượng tốt nhưng sản phẩm chỉ ở mức sơ chế, hình thức bao bì đơn điệu, thiếu hấp dẫn người tiêu dùng. Các doanh nghiệp vốn mỏng, chưa có nhiều đầu tư cho nghiên cứu và phát triển nên không có nhiều sản phẩm, hương vị mới bắt kịp xu hướng tiêu dùng. Do vậy, để hàng Việt vươn xa đến với cộng đồng người Việt, Saigon Co.op cùng các nhà cung cấp nội chủ động triển khai nhiều giải pháp nghiên cứu thị trường. Đây là cơ sở để “làm mới mình”, “làm mới hàng hóa” theo xu hướng “bán những gì thị trường cần”.

Cùng với đó, thực hiện giải pháp liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, tạo thành hệ sinh thái hàng Việt. Việc liên kết này sẽ tạo cơ sở để các doanh nghiệp có sự phân công hàng hóa, phân chia lĩnh vực, thị trường một cách hài hòa và hợp lý. Từ đó, phát huy được điểm mạnh, ưu thế của từng doanh nghiệp nội, góp phần gia tăng nội lực xuất khẩu.

* Trong bối cảnh xanh hóa sản xuất, cung ứng, phân phối và tiêu dùng xuyên suốt trong hoạt động phát triển kinh tế hiện nay, Saigon Co.op cũng như các nhà cung ứng đã có sự chuyển mình như thế nào để bắt nhịp xu hướng này?

* Saigon Co.op có kế hoạch đến năm 2025, sản phẩm đưa vào hệ thống ngoài chất lượng, mẫu mã phải đạt tiêu chuẩn sản phẩm xanh với những tiêu chí cụ thể. Song song đó, Sagon Co.op xây dựng những chính sách khuyến mãi, chính sách bán hàng với giá ưu đãi, kết hợp bố trí các khu vực trưng bày riêng biệt cho sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.

Đầu tháng 10 năm nay, Saigon Co.op khởi công Kho Saigon Co.op đặt tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TPHCM) là hệ thống kho đầu tiên của Việt Nam được xây dựng theo chuẩn xanh với trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến của thế giới. Kho được xây dựng với mô hình logistics theo chuẩn “xanh”, có hệ thống mảng xanh bao quanh, hệ thống lấy sáng tự nhiên ban ngày, hệ thống phòng cháy chữa cháy tự động... Việc đưa vào vận hành hệ thống kho này là minh chứng rõ nét cho sự bắt nhịp xu hướng chuyển đổi xanh của hệ sinh thái hàng Việt tại Saigon Co.op nói chung.

Có thể nói, trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt với sức ép cạnh tranh không nhỏ từ hàng ngoại và cả hệ thống phân phối ngoại, Saigon Co.op vẫn giữ phương châm “hệ thống phân phối thuần Việt”, là “chỗ dựa vững chắc cho hàng Việt” và là “điểm đến tin cậy cho người Việt”.

ÁI VÂN thực hiện

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ba-do-cho-he-sinh-thai-hang-viet-vuon-xa-post724902.html